Trung Quốc (trái) bị Hàn Quốc đánh bại 0-2 ở Cúp bóng đá Đông Á 2015 hồi đầu tháng 8 - Ảnh: AFP |
Cụ thể, tờ China Daily (Trung Quốc) cho biết Tổng cục TDTT Trung Quốc sẽ phải gỡ bỏ mọi quyền hạn của mình đối với CFA. Đây là một quyết định nằm trong kế hoạch cải cách, quyết tâm loại bỏ nạn tham nhũng khỏi bóng đá Trung Quốc được chính Chủ tịch Tập Cận Bình hậu thuẫn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn tình trạng các quan chức giữ cùng lúc hai chức vụ ở CFA và Tổng cục TDTT. “Điển hình như ông Cai Zhenhua, người vừa giữ chức chủ tịch CFA vừa là phó cục trưởng Tổng cục TDTT Trung Quốc, sẽ phải bỏ bớt một trong hai công việc của mình” - Hãng tin Reuters cho biết.
Sở dĩ Trung Quốc đưa ra quyết định này là bởi nhiều năm qua nền bóng đá nước này dính rất nhiều xìcăngđan tham nhũng liên quan đến những quan chức CFA do Tổng cục TDTT bổ nhiệm. Hồi năm 2010, một vụ dàn xếp tỉ số ở Giải vô địch Trung Quốc bị phanh phui khiến 16 cầu thủ và các nhân viên của CFA bị bắt giữ. Vụ điều tra này sau đó được cảnh sát Trung Quốc đào sâu và một đường dây dàn xếp tỉ số rộng khắp nền bóng đá Trung Quốc bị phanh phui. Kết quả dẫn đến hơn 50 người có liên quan đến bóng đá Trung Quốc, bao gồm nhiều cầu thủ, trọng tài nổi tiếng và cả hai quan chức cấp cao bị bắt giữ.
Hai quan chức này là ông Nan Yong - người giữ chức phó chủ tịch CFA khi đó và ông Xie Yalong - tiền nhiệm của ông Nan Yong. Trong khi ông Nan bị phát hiện nhận hối lộ hơn 200.000 USD, con số này của ông Xie là 235.000 USD. Cả hai đã phải nhận án tù hơn 10 năm. Điều thú vị là cả hai đều là những quan chức do Tổng cục TDTT bổ nhiệm cho CFA. Trong khi ông Xie là cựu giám đốc một trung tâm huấn luyện điền kinh của Tổng cục TDTT thì ông Nan từng quản lý một trung tâm huấn luyện bóng đá.
Sau vụ tai tiếng này, Chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch cải tổ giới quan chức bóng đá. Tiếp đó, một kế hoạch tách rời CFA khỏi Tổng cục TDTT manh nha xuất hiện nhưng cũng gặp phải không ít chông gai. Để thay thế Nan Yong, Tổng cục TDTT bổ nhiệm ông Wei Di - người nổi tiếng về khả năng điều hành liên đoàn thể thao... dưới nước. Suốt ba năm làm việc, ông Wei được biết đến với sự nhiệt tình chống tham nhũng nhưng lại thiếu hiểu biết về bóng đá - hãng tin Tân Hoa xã cho biết. Và ông Wei đã phải trả giá bằng chiếc ghế của mình vào năm 2013 sau những thành tích yếu kém của đội tuyển Trung Quốc.
Không chỉ ông Wei, việc những người có chuyên môn ngoài bóng đá lại được Tổng cục TDTT Trung Quốc bổ nhiệm nắm quyền ở CFA từ lâu đã trở thành chuyện bị đem ra chế giễu trong làng túc cầu nước này. Điển hình nhất là chủ tịch CFA Cai Zhenhua hiện tại, vốn là một cựu VĐV lừng danh của môn... bóng bàn. Sự khó hiểu trong cách làm việc của những cơ quan quản lý bóng đá khiến Trung Quốc không thể chen chân vào nhóm các đội tuyển hàng đầu châu Á dù bóng đá rất được yêu thích ở nước này.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không còn diễn ra trong thời gian tới bởi theo quyết định cải cách mới đây, chỉ những người có chuyên môn, kinh nghiệm về bóng đá mới có thể tham gia ban điều hành CFA. Cuối năm 2015, CFA sẽ tiến hành tái bầu cử để thanh lọc đội ngũ, đi cùng với đó là sự độc lập về tài chính của CFA nhằm chấm dứt tình trạng tham nhũng - tờ China Daily cho biết.
“15.000 USD cho một lần lên tuyển” Một trong những nghi án tai tiếng nhất của bóng đá Trung Quốc những năm qua là thông tin cho rằng các cầu thủ có thể trả tiền để được gọi vào đội tuyển quốc gia. Người đưa ra thông tin này là ông Rowan Simons, từng có thâm niên chơi bóng và làm việc trong giới truyền thông ở Trung Quốc. Ông Simons tiết lộ “các cầu thủ Trung Quốc có thể trả 15.000 USD cho một lần được gọi lên tuyển và 18.000 USD để được vào sân từ băng ghế dự bị” - kênh CNN dẫn lời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận