14/06/2016 09:37 GMT+7

Không dùng tàu cá hoán cải, thay tàu mới chở khách

V.HÙNG - Đ.NAM - M.TRÂN - D.THANH
V.HÙNG - Đ.NAM - M.TRÂN - D.THANH

TTO - Sau sự cố chìm tàu du lịch tại Đà Nẵng, các địa phương đều đồng loạt tạm ngừng hoạt động chở khách của các tàu cá cải hoán thành tàu du lịch để kiểm tra tiêu chuẩn an toàn.

Bộ đội biên phòng kiểm tra tàu chở du khách tại Bãi Chuối (Ninh Thuận) vào sáng 13-6 - Ảnh: K.D.
Bộ đội biên phòng kiểm tra tàu chở du khách tại Bãi Chuối (Ninh Thuận) vào sáng 13-6 - Ảnh: K.D.

Đứng trước nguy cơ du lịch đường sông trên địa bàn TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng, một doanh nghiệp của địa phương này đề xuất phương án đầu tư đóng mới hơn 20 tàu du lịch đạt chuẩn để phục vụ du khách, trong khi các địa phương khác cũng khẳng định sẽ siết lại các tiêu chuẩn của tàu chở du khách.

Tàu cá cải hoán không được chở khách

Trong hai ngày 12 và 13-6, nhiều tàu đón khách từ Bãi Kinh, Bãi Chuối ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) sang đảo Bình Hưng và các nhà sàn du lịch biển thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đều bị bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận chặn lại kiểm tra, không cho xuất bến.

Trước đó, nhiều trường hợp chủ tàu đã bí mật hẹn những người làm tour đưa du khách sang Bãi Chuối để lên tàu nhưng khi tàu cập vào bãi chở khách đều bị bộ đội biên phòng phát hiện và chặn lại.

Nhiều đơn vị tổ chức tour đưa khách đến Bình Hưng của Khánh Hòa theo lịch đăng ký trước cho biết đã phải chuyển tour sang vịnh Vĩnh Hy của Ninh Thuận. “Cấm tàu cá cải hoán xuất bến sẽ ảnh hưởng đến các tour khách đến du lịch ở đây” - ông T., chủ tàu TS, phàn nàn.

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Văn Đằng - chỉ huy phó bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận - cho biết hầu hết các tàu chở du khách đều được cải hoán từ tàu cá.

Sau khi xảy ra vụ chìm tàu chở khách du lịch tại Đà Nẵng, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản chỉ đạo bộ đội biên phòng cùng các cơ quan chức năng liên quan phải kiểm soát các phương tiện đường thủy theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.

“Bộ đội biên phòng Ninh Thuận mở đợt kiểm tra các tàu chở khách đường thủy. Chỉ các tàu đủ điều kiện an toàn giao thông, có giấy đăng kiểm, có trang bị phao cứu hộ đầy đủ mới cho hoạt động” - ông Đằng nói.

Đang cho tàu nằm chờ đến lượt được kiểm tra sau sự cố tàu Thảo Vân 2 bị chìm trên sông Hàn, ông Đặng Hòa - giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Giang, đơn vị có hai tàu du lịch hoán cải từ tàu cá - lo lắng chưa biết hai con tàu du lịch của đơn vị có đạt tiêu chuẩn hay không. “Chưa biết ngày nào tàu chạy trở lại” - ông nói.

Theo ông Hòa, sau sự cố tàu Thảo Vân 2, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra tất cả các tàu du lịch được cải hoán từ tàu cá. Và từ ngày 16-6, chỉ những tàu nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn mới được nhận tour và đưa rước khách du lịch đường sông, theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.

Trong khi đó, dù tự tin về hai chiếc tàu 4U Sông Hàn đủ sức vượt qua cuộc sát hạch do được đầu tư rất bài bản, ông Lê Văn Lực - thuyền trưởng tàu du lịch 4U Sông Hàn - cho rằng hoạt động du lịch đường sông trên địa bàn sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới, sau sự cố tàu chìm vừa qua. “Nhiều khách đã hủy tour ngắm rồng phun lửa bằng du thuyền trên sông Hàn do sợ chìm tàu” - ông Lực nói.

Thay tàu mới, siết các tiêu chuẩn an toàn

Trong khi chờ cơ quan chức năng kiểm tra các tàu cá, ông Phan Văn Anh Vũ - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH I.V.C Đà Nẵng - vừa lên đề xuất phương án đóng mới hoặc nhập khẩu 20 tàu du lịch (giá từ 3-5 tỉ đồng/chiếc) để thay thế các tàu cá cải hoán trên sông Hàn nhằm góp phần khôi phục hoạt động du lịch đường sông trên địa bàn Đà Nẵng.

Theo ông Vũ, nếu TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương này, số tàu mới này sẽ được ưu tiên giao cho 14 tập thể, cá nhân đã từng tham gia cứu người để họ quản lý, khai thác và trả góp từng năm.

“Chủ tàu nào có khả năng sẽ trả trước 30%, nếu không có vốn được công ty cho trả góp đến khi trả xong sẽ được sang tên làm chủ chiếc tàu.

Một phương án khác là chúng tôi đầu tư tàu mới và cho thuê, các chủ tàu hoặc thuyền viên ký hợp đồng khai thác kinh doanh, hai bên thỏa thuận tỉ lệ ăn chia lợi nhuận. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị đủ nguồn vốn, chỉ chờ chủ trương của TP Đà Nẵng” - ông Vũ cho biết.

Theo ông Vũ, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2016, dịch vụ du lịch đường sông trên địa bàn đã đón đưa gần 100.000 lượt khách, việc TP Đà Nẵng tuyên bố chấm dứt cải hoán tàu cá sang tàu du lịch chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch địa phương.

“Thời gian tới, tuyến du lịch tới sông Cổ Cò nối Đà Nẵng với Hội An được đưa vào hoạt động, nếu không đầu tư những con tàu chở khách hiện đại, kế hoạch đưa vào khai thác tuyến du lịch này khó thực hiện được” - ông Vũ nói.

Dù khẳng định hoạt động đưa khách tham quan vịnh biển ở Khánh Hòa thời gian qua đều đảm bảo an toàn, chưa có sự cố gây thiệt hại đáng kể nào nhưng ông Nguyễn Xuân Mạnh - phó chánh thanh tra Sở GTVT Khánh Hòa - cho biết trong đợt kiểm tra (từ ngày 13 đến 30-6), đoàn liên ngành kiên quyết xử lý ngay những tàu không đạt chuẩn.

“Các tàu chở khách du lịch trong vịnh Nha Trang đều được yêu cầu tháo dỡ các dù che, mái che không đúng trong hồ sơ đăng kiểm tàu để đảm bảo an toàn, kiểm tra toàn bộ bằng lái thuyền trưởng, máy trưởng, các thiết bị an toàn cho thủy thủ đoàn và hành khách, đặc biệt khách ngồi trên tàu đều phải mặc áo phao” - ông mạnh cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Chương - giám đốc Cảng vụ hàng hải Nha Trang, nơi chịu trách nhiệm về việc ra vào bến của các tàu du lịch ở bến cảng Cầu Đá (Nha Trang) - cho hay những tàu hết hạn đăng kiểm, không đủ điều kiện chở khách du lịch là cảng vụ cương quyết không cho xuất bến.

“Một số tàu của Công ty C.S.T. vừa rồi hết hạn đăng kiểm, chúng tôi không cho phép thực hiện các tour tham quan trong vịnh Nha Trang nữa” - ông Chương cho hay.

* Ông Huỳnh Đức Thơ (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng):

Sẽ hỗ trợ việc đóng mới tàu du lịch đạt chuẩn

Việc buộc các chủ tàu phải đầu tư tàu mới là phương án rất khó do phần lớn chủ tàu không có khả năng tài chính.

Do đó, nếu có doanh nghiệp đứng ra đầu tư và hợp tác với chủ tàu để vừa giải quyết công ăn việc làm vừa đảm bảo hoạt động du lịch đường sông trên địa bàn phát triển bài bản hơn, an toàn hơn cho du khách là phương án rất tốt. Chúng tôi sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích Công ty I.V.C Đà Nẵng an tâm trong đầu tư.

* Anh Lê Văn Phú (chủ hai tàu du lịch Phú Quý, Đà Nẵng):

Hi vọng sớm có tàu mới đưa vào hoạt động

Nếu TP Đà Nẵng không cho phép tàu cá cải hoán hay tàu gỗ hoạt động du lịch, rất cần một doanh nghiệp tham gia đầu tư đội tàu mới để vừa khôi phục hoạt động du lịch đường sông vừa đảm bảo công ăn việc làm cho những người từng gắn bó với nghề này. Phương án nào cũng tốt, chỉ hi vọng chúng tôi có việc làm ổn định và tuyến du lịch đường sông nhộn nhịp trở lại.

Hạ Long: cấm du khách lên boong tàu ngắm cảnh?

UBND Tp Hạ Long vừa ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các tàu du lịch, đặc biệt không để cho khách đứng, ngồi trên mui hay mạn tàu, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn.

Dù khẳng định không hiểu “mui tàu” theo văn bản là nóc, phần trước boong tàu hay bộ phận nào nhưng nhiều chủ tàu cho biết đã khuyến cáo du khách không ra khỏi vị trí chỗ ngồi, một số tàu khác thì giăng dây thừng hoặc đóng ván cho... chắc ăn. Tuy nhiên, nhiều khách du lịch bày tỏ bức xúc vì không được lên boong tàu, đứng ở vị trí đẹp khi tham quan vịnh Hạ Long.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Công ty TNHH và thương mại Ánh Dương 1) cho biết trước nay các tàu đều cho khách lên boong dạo ngắm cảnh, nhưng với văn bản mới này, không chỉ chủ tàu hoang mang mà cả du khách cũng bức xúc. Do đó, theo ông Hiếu, các cơ quan này hướng dẫn chi tiết cho chủ tàu cũng như du khách về việc này, tránh sự hiểu lầm từ một số đội tàu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Bùi Hồng Minh cho biết ngay cả trong nghị định 93 cũng không giải thích rõ mui tàu là gì nên nội dung văn bản của UBND TP Hạ Long không sai nhưng cũng dễ gây hiểu lầm cho chủ tàu.

Theo ông Minh, thuật ngữ “mui tàu” là mái cao nhất của phương tiện thô sơ như thuyền gỗ, thuyền nan... nhưng không áp dụng cho tàu du lịch. Trong hồ sơ thiết kế tàu du lịch cũng không có thuật ngữ này.

“Đối với phần ở trên có lan can gọi là boong dạo, được cơ quan đăng kiểm phê duyệt, tính toán thiết kế để 100% khách có thể đứng ở trên trong điều kiện thời tiết bình thường, tàu chạy ổn định trên luồng. Hơn nữa, hệ số an toàn của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh quy định cao hơn quy phạm của đăng kiểm nên du khách có thể đứng ngắm cảnh bình thường” - ông Minh nói. 

Bình Dương: tàu nhà hàng trên sông “bất động”

Sau sự cố chìm tàu Dìn Ký tại Bình Dương vào năm 2011, tới nay hầu hết các tàu nhà hàng trên sông tại Bình Dương đều ngưng hoạt động, chỉ còn một tàu nhà hàng trên sông nhưng chỉ đậu cố định chứ không di chuyển, lượng khách cũng khá èo uột.

Khu du lịch Dìn Ký (P.Bình Nhâm, thị xã Thuận An) hiện chỉ phục vụ nhà hàng trên cạn và một số chòi dọc bờ sông. Trong khi đó, tại khu biệt thự Tiamo Phú Thịnh (TP Thủ Dầu Một) có một tàu nhà hàng với sức chứa hơn 200 khách nhưng chỉ được phép đậu cố định chứ không được chở khách trên sông.

Theo số liệu của Sở GTVT tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 100 phương tiện thủy đăng ký nhưng hầu hết là canô và tàu chở dầu, chở hàng. Một số đơn vị cũng đăng ký tàu chở người nhưng chỉ phục vụ nội bộ trong doanh nghiệp. 

ĐỨC HIẾU - B.SƠN - X.AN

V.HÙNG - Đ.NAM - M.TRÂN - D.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên