07/11/2012 01:54 GMT+7

Không có "tuần trăng mật" cho tổng thống Mỹ

HIẾU TRUNG (từ Sioux, bang Iowa)
HIẾU TRUNG (từ Sioux, bang Iowa)

TT - Dù Tổng thống Barack Obama tái đắc cử hay đối thủ Cộng hòa Romney trở thành ông chủ mới ở Nhà Trắng (Mỹ) thì cũng sẽ không có “tuần trăng mật” nào dành cho người chiến thắng.

Bầu cử Mỹ trước giờ G: Nước Mỹ vẫn chia rẽ

Trong những ngày vận động tranh cử ở các bang “chiến trường”, ông Romney luôn khẳng định nếu thắng cử sẽ “lập tức làm việc ngay từ ngày 7-11”. Nhiều khả năng đó chỉ là luận điệu mị dân, nhưng cũng có thể nó phản ánh một thực tế là ứng cử viên Cộng hòa hiểu rõ những thách thức gay gắt mà người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải đối đầu trong nhiệm kỳ bốn năm tới.

Bởi nước Mỹ và cả thế giới sẽ không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi ông Obama hay ông Romney mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Sẽ chẳng có “tuần trăng mật” nào dành cho một trong hai người. Ngay sau cuộc bầu cử tổng thống, Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ phải lập tức lao vào giải quyết hàng loạt vấn đề cực kỳ phức tạp và khó khăn.

Phía trước là “vách đá”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Tara McGuinness thuộc Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ (CAP) cho biết nguy cơ lớn nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ chỉ có 55 ngày trước khi chương trình giảm thuế từ năm 2001 hết hạn. Theo ước tính của Trung tâm Chính sách thuế, đầu năm 2013 cứ 10 người Mỹ sẽ có 9 người phải đóng thuế thêm trung bình 3.500 USD/năm. Ngoài ra, các sáng kiến giảm thuế mà ông Obama đưa ra năm 2009 cũng hết hạn.

Tháng 1-2013, luật kiểm soát ngân sách 2011 sẽ buộc chính phủ phải tự động cắt giảm ngân sách 1.200 tỉ USD nếu Quốc hội Mỹ không hành động để ngăn chặn. Sau đó vào tháng 2-2013, nợ công Mỹ cũng sẽ lại chạm trần. Năm ngoái, Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tranh cãi quyết liệt về trần nợ công và chỉ đạt được một thỏa thuận vào phút cuối, khiến thị trường chứng khoán tụt dốc và định mức tín nhiệm Mỹ bị hạ bậc.

Những “vách đá” này đều có khả năng tàn phá nền kinh tế Mỹ. Trước đó, Viện Brookings dự báo trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế sẽ thiệt hại gần 1.000 tỉ USD, tăng trưởng sụt giảm mạnh so với mức 2% hiện nay và kinh tế Mỹ có thể sẽ suy thoái nghiêm trọng. Chuyên gia Lee Edwards thuộc Tổ chức Heritage Foundation cho biết sẽ có thêm hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh mất việc làm, đẩy tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt. Khi đó, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ lao đao.

Một vấn đề khẩn cấp khác là tỉ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức cao: 7,9%. Trong những ngày tranh cử, cả hai ứng cử viên đều nhấn mạnh sẽ thực hiện các sáng kiến tạo công ăn việc làm cho người dân. Ông Romney lớn tiếng khẳng định sẽ tạo ra tới 12 triệu việc làm. Cử tri Mỹ muốn tổng thống, dù là ông Obama hay ông Romney, phải hoàn thành cam kết đó càng nhanh càng tốt.

Những bất ổn về tài chính khiến nhiều công ty Mỹ ngần ngại không dám mở rộng hoạt động. Do đó, để giảm tỉ lệ thất nghiệp thì việc đầu tiên ông chủ Nhà Trắng phải làm là xóa bỏ nguy cơ “vách đá tài chính”. Nhưng mọi dự báo đều khẳng định Chính phủ và Quốc hội Mỹ khó có thể làm được điều đó trong năm nay.

Chia rẽ hay đối thoại?

Nhà báo Ron Elving thuộc Đài truyền thanh NPR dự báo nếu ông Obama tái đắc cử, Đảng Cộng hòa sẽ chịu áp lực “tự nhìn lại mình” và buộc phải nhượng bộ về các vấn đề tài chính nếu không muốn đánh mất thêm niềm tin của cử tri. Ngược lại, nếu ông Romney vào Nhà Trắng, có thể Đảng Dân chủ sẽ áp dụng lại chiến thuật “nói không và không” của Đảng Cộng hòa dưới thời Obama, đặc biệt về các vấn đề như giảm thuế cho nhà giàu, tăng chi tiêu quân sự.

Dù vậy, nhà báo Ron Elving lạc quan tin rằng nguy cơ quá lớn sẽ buộc hai phe phải nhượng bộ lẫn nhau và tìm tiếng nói chung, dù ông Obama hay ông Romney làm tổng thống. “Họ đã tự tạo ra cái hố sâu hoắm đó thì cũng sẽ phải tự tìm cách thoát ra khỏi hố” - nhà báo Elving khẳng định.

Xrker49V.jpgPhóng to

Cử tri Mỹ bắt đầu bỏ phiếu chọn tổng thống vào ngày 6-11 - Ảnh: Reuters

Mỹ bắt đầu bầu cử

Theo AFP, những cử tri đầu tiên ở Dixville Notch, bang New Hampshire, điểm bắt đầu sớm nhất, đã rục rịch kéo đến phòng bỏ phiếu khi vừa qua 0g ngày 6-11. Trong số 10 người đầu tiên, một nửa bầu cho Tổng thống Obama và nửa còn lại chọn ứng viên Cộng hòa Romney. Đây là kết quả hòa đầu tiên ở nơi này, vốn luôn ủng hộ phe Cộng hòa nhưng nghiêng hẳn về ông Obama năm 2008.

Hai ứng viên tổng thống đã kết thúc chiến dịch tranh cử chính thức bằng cuộc phỏng vấn vui vẻ về dự đoán đội bóng sẽ thắng giải Super Bowl. Theo Reuters, ông Romney đặt cược vô sức mạnh của đội New England Patriots, trong khi ông Obama tin tưởng vào khả năng phòng thủ của đội nhà Chicago Bears.

Biểu tượng cuối cùng

Như một cử chỉ biểu tượng, Tổng thống Mỹ Obama và đối thủ Cộng hòa Romney đã kết thúc chiến dịch tranh cử của mình ngày 5-11 tại chính nơi mà sự nghiệp chính trị của họ đã cất cánh.

Ông Romney đến New Hampshire, nơi ông được đề cử ứng cử tổng thống vào năm ngoái. “Các chính sách của Tổng thống Obama đã thất bại. Tôi sẽ tạo ra sự thay đổi thật sự” - ông tuyên bố và tự tin khẳng định mình chắc chắn sẽ chiến thắng.

Trong khi đó, ông Obama cũng dành buổi tiếp xúc cuối cùng ở thành phố Des Moines, bang Iowa, nơi ông đã giành chiến thắng đầu tiên khi được đề cử làm ứng cử viên của Đảng Dân chủ vào năm 2008. “Chính đây là nơi phong trào vì sự thay đổi của chúng ta đã bắt đầu” - ông Obama tuyên bố và khẳng định ông mới là người tạo ra sự thay đổi, bởi “các bạn đã chứng kiến tôi chiến đấu. Tôi có các vết sẹo và mái tóc bạc trắng để chứng minh điều đó”.

Người Mỹ ở Việt Nam đi bầu

Tại Việt Nam, nhóm người Mỹ ủng hộ Đảng Dân chủ (DAV) có gần 300 thành viên, nhiều gấp sáu lần so với số người Mỹ ủng hộ Đảng Cộng hòa (RAV).

DAV đã chủ động giúp công dân Mỹ bầu cử bằng cách hỗ trợ họ đăng ký và gửi phiếu bầu qua thư theo mẫu do Lãnh sự quán Mỹ cung cấp. Bắt đầu từ mùa hè, DAV đã tổ chức hàng chục sự kiện tại TP.HCM và Hà Nội, như chương trình gây quỹ với sự có mặt của em gái ông Obama, Maya Soetero - Ng.

Trong khi đó, RAV cũng có vị khách đặc biệt của họ trong một hội nghị qua truyền hình tại Đông Nam Á diễn ra gần đây với sự tham gia của ứng cử viên phó tổng thống Paul Ryan.

Ngoài hỗ trợ những người đi bầu, DAV còn thiết kế áo thun có in hình ông Obama mang nón lá, tổ chức cuộc thi đố vui ở quán rượu, cùng các buổi tiệc để theo dõi các cuộc tranh luận của tổng thống và phó tổng thống Dân chủ đối với các đối thủ Cộng hòa qua truyền hình. Những người phe Cộng hòa tại VN theo dõi ít nhất một cuộc tranh luận của ông Romney hoặc ông Ryan cũng như tham gia buổi tranh luận giả với các đối thủ chính trị tổ chức ở trung tâm Hoa Kỳ của Lãnh sự quán Mỹ hồi tháng trước.

Ở những đất nước ngoài Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, người Mỹ thường bỏ phiếu (gọi là phiếu bầu vắng mặt) rất sớm, sử dụng thư điện tử, fax và thư. Những người bỏ phiếu sớm thường được phát những mẫu phiếu bầu đạt tiêu chuẩn với tên ứng viên in sẵn. Những người bầu cử trễ phải sử dụng phiếu bầu write - in ballots (viết tên ứng viên mà mình lựa chọn) cho kịp thời hạn.

Những người phe Dân chủ sẽ tập hợp vào sáng 7-11 để xem kết quả bầu cử tại một nhà hàng ở khu trung tâm thành phố. Có lẽ cũng nên có thêm một sự kiện cuối cùng dành cho hai phe khi kết quả bầu cử được thông báo, ít nhất là một màn ăn mừng chiến thắng dành cho Obama hoặc Romney.

HIẾU TRUNG (từ Sioux, bang Iowa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên