24/09/2019 09:08 GMT+7

Không có phương án cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước được cho phá sản

N.AN
N.AN

TTO - Theo Chương trình hành động của Chính phủ về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu rà soát lại tài sản đất đai, vốn và khoản vay nợ nước ngoài, rà soát cán bộ...

Không có phương án cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước được cho phá sản - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ yếu kém ngành công thương - Ảnh: L.B

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết đề ra mục tiêu khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong giai đoạn 2011-2016; thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước nhằm tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, để tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sửa đổi các Luật Đấu thầu; hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...

Đồng thời rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg theo hướng tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Các nội dung trọng tâm như rà soát diện tích đất đang quản lý tại doanh nghiệp; quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ra nước ngoài, nguồn vốn mua, bán, sáp nhập; công khai thông tin doanh nghiệp…

Rà soát, xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương xử lý dứt điểm các dự án.

Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa…

Chính phủ cũng yêu cầu các các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường.

Áp dụng biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, nhất là doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng giải thể, phá sản mà không có phương án cơ cấu lại khả thi.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: khó đủ đường Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: khó đủ đường

TTO - Tình trạng cổ phần hóa nhỏ giọt được nhắc nhiều tại cuộc họp của các bộ, ngành với nhiều lý do từ cơ chế chính sách đến việc thiếu chủ động của tất cả các bên liên quan.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên