17/05/2022 10:26 GMT+7

Không chân, hai lần vượt cửa tử vẫn lạc quan sống

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Là gương mặt 9X có hơn 5 triệu lượt xem, gần 300.000 người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, ở Tô Đình Khánh (29 tuổi) luôn rạng ngời năng lượng tích cực dẫu số phận đã lấy đi đôi chân bạn vài năm trước.

Không chân, hai lần vượt cửa tử vẫn lạc quan sống - Ảnh 1.

Với Đình Khánh, không có đôi chân thì bạn vẫn may mắn vì còn có trí óc và đôi tay - Ảnh: MINK

Tuổi thơ của Đình Khánh là những tháng ngày một buổi học hành, nô đùa cùng chúng bạn ở vùng nông thôn Đắk Lắk, một buổi theo gia đình lên rẫy hoặc chặt, đẽo đá bán cho người dân xây nhà, tối thì đi bóc sắn và bóc mì. "Làm đá cực lắm, nhưng thấy cha vất vả mà trong người lại có bệnh, mình không góp một tay thì coi sao được", Đình Khánh nhớ lại.

Bên cạnh kinh doanh, tôi vẫn đi chơi và đi bơi, tập thể dục. Tôi cũng mơ ước làm một thương hiệu thời trang cho riêng mình. Nếu sức khỏe đủ tốt, tôi sẽ luôn sẵn sàng đi chia sẻ với các bạn trẻ về giá trị của sự sống, của sự gắng sức vượt qua nghịch cảnh và nếu chúng ta có mất cả hai chân thì vẫn còn khối óc, đôi tay...

Tô Đình Khánh

Ký ức đẹp nhất


Không chân, hai lần vượt cửa tử vẫn lạc quan sống - Ảnh 3.

Nụ cười lạc quan luôn nở trên gương mặt Đình Khánh - Ảnh: MINK

Học xong lớp 12 bạn nghỉ học, đi làm. "Gia đình tôi thời điểm đó khó khăn, có những bữa cơm chỉ mì gói, canh rau hay khoai hái trong vườn, con cá câu được ven sông... nhưng tôi chưa từng chạnh lòng mà thậm chí tin rằng đó là những ký ức đẹp nhất vì cả nhà luôn quây quần cùng nhau, rất ấm áp. Là con trai cả thì nên phụ nhà kiếm tiền vài năm rồi đi học lại cũng chưa muộn", bạn chia sẻ.

Ngày đêm quần quật đẽo, đục và khuân vác đá khiến chàng trai tuổi đôi mươi dù hừng hực sức trẻ cũng dần thấm mệt, kiệt sức. Song song đó, thấy bạn bè đi muôn nơi và đem về những câu chuyện hay ho, Đình Khánh quyết định một lần thoát cái nghèo, cái khổ rời quê đi lập nghiệp.

"Tôi xuống Sài Gòn vào năm 2017 với kế hoạch tìm hiểu rồi tập tành kinh doanh online", bạn nói. Nhờ cầu tiến, thu nhập của Đình Khánh dần cải thiện.

"Bén duyên" với vùng đất mới chưa được lâu, những cơn đau dồn dập kéo đến, giày xéo cơ thể bạn. Thực chất từ lâu Đình Khánh đã biết sức khỏe mình không ổn, nhất là sau một lần đào giếng ở quê. Cái chân đang có vết thương sâu nhói lên khi gặp dòng nước nhiễm độc, nhưng bạn nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe. Từ triệu chứng tê chân, sau đó bạn thường bị phù người và có vấn đề về thận, dễ mệt mỏi... Đình Khánh cố thuyết phục bản thân rằng mọi thứ rồi sẽ ổn.

Chỉ đến một ngày đang khuân vác đồ thì Đình Khánh thấy đôi chân tê cứng, chẳng thể bước tiếp. Tình hình nghiêm trọng dần, chân đau nhức dữ dội đến mức tưởng chừng muốn nổ tung và bạn được cõng xuống băng ca. Sau đó là chuỗi ngày bạn liên tục chuyển viện vì các bệnh viện đều lo lắng vấn đề có thể ảnh hưởng đến sinh mạng. 

"Các bác sĩ đều nói trường hợp của tôi phải qua Bệnh viện Chợ Rẫy thì mới mong cứu được. Nhưng bên đó báo là không thể tiếp nhận do đã đầy ca cấp cứu. Tôi thật sự bế tắc", bạn nhớ lại. May mắn là không lâu sau đó Bệnh viện Chợ Rẫy liên lạc lại và báo đã sắp xếp được chỗ.

Đình Khánh thở phào, tia hy vọng lóe lên.

Phải sống


Không chân, hai lần vượt cửa tử vẫn lạc quan sống - Ảnh 4.

Tập thể dục là một trong những điều Khánh thường xuyên làm để trí óc minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh - Ảnh: MINK

Đình Khánh được giải thích là ở vùng ổ bụng có cục máu đông lâu ngày khiến tắc mạch máu xuống và hai chân bị hoại tử. Nghe loáng thoáng những từ "mổ", "cưa"... giữa đoạn hội thoại đầy tâm tư của các bác sĩ đầu ngành, chàng trai 9X nuốt nước mắt níu chặt lấy đôi chân, hy vọng mình nghe nhầm dù đôi chân lúc ấy đã không còn cảm giác mặc bạn véo, bấu, đấm mạnh như thế nào.

"Phải cưa gấp thôi, hết cách rồi". Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, Đình Khánh vẫn choáng váng, nước mắt lã chã rơi trên giường bệnh lúc 2h sáng khi nghe bác sĩ kết luận. Phần vì biết mọi người làm vậy để cứu mạng sống cho mình, phần vì được tiếp thêm nghị lực nhờ coi nhiều hình ảnh đầy lạc quan của những người khuyết tật, bạn cuối cùng gật đầu. 

Cú điện thoại về nhà báo cho cha mẹ tưởng chừng dài cả thế kỷ, nhất là khi bạn báo rằng ca mổ có tỉ lệ sống chết 5-5. Hai đấng sinh thành mếu máo, nói bạn hãy cố đợi, cả hai sẽ tìm cách từ quê lên Sài Gòn.

Nhưng đó là một ca mổ gấp. Khi biết chắc cha mẹ không thể lên kịp, Đình Khánh lặng lẽ quay một clip với những lời trăng trối đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. 6h sáng hôm sau, khi được đẩy vào phòng mổ và đối diện với khoảnh khắc sinh tử, bạn cảm nhận cuộc đời chưa bao giờ kiệt quệ, lạnh lẽo đến thấu tâm can như vậy. Nhưng bạn buộc mình phải sống vì chưa kịp gặp lại mẹ cha...

Ca mổ thành công, Đình Khánh lờ mờ thấy cảnh vật xung quanh khi thuốc mê tan dần. Điều đầu tiên bạn làm lúc tỉnh dậy là sờ xuống đôi chân nhưng chỉ thấy hai cục bông gòn lớn ở dưới đầu gối. Nước mắt ứa ra và bạn lại chóng thiếp đi vì quá mệt với mớ cảm xúc hỗn độn, nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Vài ngày sau, Đình Khánh tiếp tục nhận được tin "phải tiếp tục tháo khớp toàn bộ hai chân", và ca mổ này thậm chí tỉ lệ sống còn thấp hơn nữa do cơ thể bạn đang quá yếu. Bệnh viện báo gia đình cần chuẩn bị hậu sự.

Không còn sức để khóc và cũng chẳng có lựa chọn, Đình Khánh một lần nữa tập chấp nhận nghịch cảnh. "Con phải cố gắng lên, cha mẹ và mọi người luôn yêu thương sẽ mãi chờ con ngoài này", câu nói cuối cùng nghe được từ hình bóng người mẹ nhỏ thó bên băng ca khiến bạn trở nên mạnh mẽ.

Bạn biết mình, một lần nữa, phải sống.

Đình Khánh mở mắt sau ca mổ, điều khiến ngay cả y bác sĩ kinh ngạc. Nghị lực sống đó càng trở nên mạnh mẽ mỗi khi bạn nhìn xuống sàn bệnh viện, thấy cha mẹ luôn nằm đó để bằng mọi giá bảo vệ đứa con giờ tật nguyền. Nhiều lần do quá đau mà phải quay đầu vào tường nén tiếng khóc, bạn thừa nhận từng nghĩ đến hành động điên rồ nhất. Nhưng Đình Khánh chóng tự răn không được phép bất hiếu, để hai người mình thương yêu buồn hơn nữa.

Muốn truyền cảm hứng để đền đáp yêu thương

Bạn quyết định chia tay người bạn gái vì bạn luôn mong điều tốt nhất cho những người mình yêu thương, cả hai giờ trở thành bạn bè thân thiết. Từ khi xảy ra biến cố, Đình Khánh cho biết khái niệm hạnh phúc theo đó dần thay đổi.

"Giờ hạnh phúc của tôi chính là được sống cùng cha mẹ mỗi ngày, được trở thành người truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị tích cực cho người khác, đọc được một lời cảm ơn từ ai đó trên mạng xã hội. Tôi vẫn tin hạnh phúc lứa đôi sẽ đến khi mình có đủ duyên", bạn chia sẻ với nụ cười lạc quan.

Hiện là gương mặt có ảnh hưởng trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook, Đình Khánh mong muốn điều này sẽ giúp bạn bán hàng online hiệu quả hơn, song song đó được nghe và chia sẻ những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa.

Sống lạc quan giữa mùa dịch Sống lạc quan giữa mùa dịch

TTO - Chẳng ai mong muốn điều không hay xảy đến với mình và những người thân quen. Tuy nhiên mỗi người vẫn có thể bình tĩnh đón nhận, đương đầu với những biến cố ấy hoặc xem đó là thử thách để hoàn thiện bản thân và sống lạc quan hơn...

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên