06/09/2022 09:24 GMT+7

Không bổ nhiệm, giới thiệu người đang bị xem xét, xử lý kỷ luật

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Quy định 80 của Bộ Chính trị mới ban hành nêu rõ 5 bước trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nguồn nhân sự tại chỗ. Với nhân sự từ nguồn ngoài địa phương, cơ quan, đơn vị, quy trình có 3 bước.

Không bổ nhiệm, giới thiệu người đang bị xem xét, xử lý kỷ luật - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia Hội nghị trung ương 5 khóa XIII hồi tháng 5-2022 - Ảnh: VGP

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế cho quy định 105 năm 2017.

Quy định 80 nêu rõ không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Quy định chỉ rõ quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nguồn nhân sự tại chỗ thực hiện theo 5 bước. Bên cạnh đó, quy định rõ thành phần hội nghị ở mỗi bước và chỉ tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người triệu tập có mặt.

Bước 1: Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn cán bộ quy hoạch, người đứng đầu chủ trì cùng tập thể lãnh đạo thảo luận, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự.

Đồng thời, tiến hành rà soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng cán bộ trong quy hoạch (gồm cả cán bộ được quy hoạch chức danh tương đương trở lên), thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để lấy ý kiến giới thiệu ở bước tiếp theo.

Bước 2: Căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện và danh sách nhân sự đã thông qua ở bước 1, người đứng đầu trao đổi định hướng nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phù hợp với yêu cầu của địa phương, đơn vị để hội nghị thảo luận và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

Bước 3: Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, hội nghị tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự theo danh sách đã được giới thiệu ở bước 3 (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

Thông báo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; đánh giá, nhận xét ưu, khuyết điểm, triển vọng phát triển và dự kiến lĩnh vực phân công công tác. Ghi phiếu giới thiệu nhân sự (có thể ký hoặc không ký tên).

Bước 5: Trên cơ sở ý kiến đánh giá, nhận xét (bằng văn bản) của ban thường vụ đảng ủy (đảng ủy cơ quan đối với những nơi không có ban thường vụ); kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; kết quả xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự.

Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với trường hợp nhân sự do cấp có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ nguồn nhân sự ngoài địa phương, cơ quan, đơn vị thì cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ tiến hành các công việc theo 3 bước.

Bước 1: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận cán bộ về chủ trương điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Bước 2: Trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (người được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập).

Trường hợp người được giới thiệu có số phiếu đạt tỉ lệ 50% (không quá bán) sẽ do người đứng đầu xem xét, quyết định; lấy đánh giá, nhận xét của địa phương, cơ quan, đơn vị và hồ sơ nhân sự theo quy định. Gặp cán bộ để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Bước 3: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định nhưng địa phương, cơ quan, đơn vị (nơi cán bộ công tác hoặc nơi tiếp nhận cán bộ) hoặc cán bộ còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất thì cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ báo cáo đầy đủ các ý kiến, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Bộ Chính trị cho ý kiến việc lãnh đạo nghỉ hưu làm lãnh đạo doanh nghiệp

Theo quy định 80, cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu (trừ trường hợp thôi giữ chức vụ hoặc điều động, bố trí công tác khác không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến:

Khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; thành viên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu hội, các tổ chức (không bao gồm trưởng ban vận động thành lập hội, tổ chức).

Làm thành viên, lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài; làm chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), giám đốc (tổng giám đốc) doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Bộ Chính trị ban hành quy định mới về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử Bộ Chính trị ban hành quy định mới về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

TTO - Theo quy định 80, Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ, chuẩn bị và giới thiệu nhân sự xem xét bầu Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên