![]() |
Đám ruộng 1ha của anh Võ Văn Thưởng (ấp 6, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, Long An) bị “cháy” rầy gần hết nhưng anh vẫn phun thuốc với hi vọng cứu được diện tích chưa “cháy” - Ảnh: V.Trường |
Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, đến nay đã có hơn 180.000ha lúa hè thu và thu đông ở ĐBSCL bị nhiễm rầy nâu; trong đó có gần 1.200ha lúa thu đông bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, nông dân phải nhổ bỏ gần 100ha. Cùng lúc này, giá thuốc trừ rầy nâu lại tăng phi mã trong khi giá lúa đang giảm mạnh, càng làm nông dân trồng lúa khốn đốn.
Phun xịt cỡ nào cũng không hết
11g ngày 11-7. Trời nắng như thiêu đốt. Trên cánh đồng xã Vĩnh Công và Hòa Phú vẫn còn nhiều nông dân mang bình phun thuốc diệt rầy nâu. Đám ruộng 1ha của anh Võ Văn Thưởng ở ấp 6 lúc này bị "cháy" rầy chừng 40% diện tích, anh đang cố phun thuốc với hi vọng cứu được phần còn lại. Gần đó, ông Võ Văn Được lê từng bước nặng nề trên đám ruộng rộng 7.500m2 bị "cháy" nhiều mảng lớn. Dọc các bờ ruộng ngổn ngang bao bì, vỏ chai đựng thuốc trừ rầy. Mùi thuốc từ những thửa ruộng này xộc vào mũi rất khó chịu.
Cánh đồng lúa bạt ngàn tại xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cũng bị rầy nâu tàn phá dữ dội. Hàng chục nông dân cuống cuồng trộn thuốc với cát, tro để rải dưới gốc và phun xịt phía trên ngọn lúa. Đám ruộng 1,5ha của ông Nguyễn Văn Thi lúc này lúa đang ngậm sữa nhưng có nguy cơ mất mùa vì rầy nâu bám như tổ ong ruồi. "Rầy ở đâu mà nhiều quá. Phun xịt cỡ nào cũng không hết. Mong cho lúa mau chín, nếu không sẽ bị rầy nâu phá sạch" - ông Thi lo lắng. Anh Lương Văn Dũng, một người phun thuốc thuê, nói chưa bao giờ anh thấy rầy nâu nhiều như bây giờ. Mỗi ngày anh vừa phun vừa rải thuốc thuê được khoảng 2ha nhưng cũng không kịp, chậm một ngày diện tích bị "cháy" rầy lại tăng lên.
Ông Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết sở dĩ năm nay rầy nâu nhiều là do cuối tháng 4-2008 xảy ra bão số 1, các tỉnh tập trung xuống giống đồng loạt với diện tích lớn. Từ đầu tháng 5-2008 mưa xuất hiện đều đặn, một số địa phương lại xuống giống nhưng không tuân thủ lịch thời vụ, tức không xuống giống "né” rầy. Khi rầy nâu bùng phát thì nông dân phun xịt không đúng cách, đúng lúc nên càng làm rầy nâu bột phát mạnh hơn. Hiện nay một số nơi bắt đầu thu hoạch lúa hè thu đồng loạt. Rầy ở những nơi này bay đi và gặp nơi trú ẩn, sinh sản rất tốt là diện tích lúa mới xuống giống chưa được một tháng. |
Do mật độ rầy nâu quá nhiều nên một số nông dân ở các tỉnh ĐBSCL không còn giữ được bình tĩnh. Theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật, khi mật độ rầy trên 3.000 con/m2 mới nên phun thuốc và phải tổ chức phun đồng loạt trên toàn cánh đồng.
Tuy nhiên, rất ít nông dân làm theo khuyến cáo mà hễ thấy lác đác vài con rầy là mua thuốc về phun liền. Ông Trần Khắc Hà, trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (Long An), cho biết trong số 2.400ha lúa của huyện bị nhiễm rầy nâu có 70ha bị "cháy" rầy 10-50%, một số nơi lúa còn bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật do người dân phun loạn xạ mà không đúng lúc, đúng cách. Tranh thủ tâm lý lo lắng của nông dân, nhiều đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật đã tự nghĩ ra cách "pha chế" 5-6 loại thuốc để bán.
"Cháy túi" vì giá thuốc tăng
Không chỉ mất ăn, mất ngủ vì dịch rầy nâu tàn phá ruộng lúa, nông dân các tỉnh ĐBSCL còn bị "cháy" túi vì giá thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc trừ rầy nâu, tăng liên miên. Ông Cao Tân (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang) bức xúc: "Cứ 2-3 ngày tui phải đi mua thuốc một lần, nhưng lần nào đại lý cũng thông báo thuốc tăng giá. Có nhiều loại tăng giá tới 300%, rất bất hợp lý”.
Ông Tân lấy sổ tay "điểm danh" các loại thuốc tăng giá trong một tháng qua: thuốc Oshin bình thường chỉ 6.000-8.000 đồng/gói, nhưng khi có dịch rầy nâu lên 10.000 đồng, bây giờ có nơi bán tới 18.000 đồng/gói nhưng cũng không có mà mua. Hiện nay tất cả các loại thuốc có thể dùng để trừ rầy nâu đều tăng giá rất cao. Chẳng hạn thuốc Dragon cách đây hai tuần chỉ 73.000 đồng/chai (500ml), nhưng ngày 11-7 nông dân xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành (Long An) mua tại đại lý với giá 102.000-110.000 đồng/chai.
Tại thị trấn Núi Sập (An Giang), giá thuốc này bị đẩy lên tới 115.000-120.000 đồng/chai... "Lúa đã trổ rồi chẳng lẽ vì giá thuốc cao mà không mua, bỏ lúa chết hay sao. Đại lý nói thuốc khan hiếm, tăng giá cỡ nào cũng vay mượn mà mua để cứu lúa" - bà Nguyễn Thị Hoa, nông dân xã Song Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nói. Nhiều nông dân ở An Giang cho biết chi phí mua thuốc trừ rầy nâu mỗi đợt hiện đã lên tới 1,2-1,5 triệu đồng/ha. Còn tại Long An và Tiền Giang chi phí dao động từ 500.000-1 triệu đồng/ha.
Anh Nguyễn Văn Dũng (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An) nói trong lúc dịch rầy nâu đang hoành hành mà giá phân bón và thuốc trừ rầy tăng phi mã như hiện nay làm nông dân rơi vào tình cảnh khốn đốn. Theo tính toán của anh Dũng, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu rầy từ lúa gieo sạ đến khi làm đòng đã mất gần 1,5 triệu đồng/công đất (1.000m2), nếu đến khi thu hoạch không gặp rầy nâu hoặc sâu bệnh và giá lúa trên 6.000 đồng/kg thì may mắn lắm mới huề vốn. Song ước mơ huề vốn của anh Dũng cũng như nhiều nông dân khác ở ĐBSCL rất khó trở thành hiện thực vì hiện nay giá lúa đã giảm còn trên dưới 5.000 đồng/kg!
Từ 15 đến 25-7 sẽ bùng phát mạnh
![]() |
Ông Võ Văn Được (ấp 8, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, Long An): “Đám ruộng của tui bị rầy nâu phá tan nát rồi” - Ảnh: V.Trường |
Theo ông Nguyễn Văn Khang - giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, để diệt rầy nâu hiệu quả, ít tốn kém thì nông dân phải thực hiện qui tắc "bốn đúng": đúng lúc: phun thuốc khi rầy ở 1-3 ngày tuổi (rầy cám), mật độ rầy 3-4 con/tép lúa, tức trên 3.000 con/m2; đúng cách: bơm nước vào ruộng trước khi phun để đuổi rầy di chuyển lên phần trên cây lúa, phun thuốc sát mặt nước nơi rầy đeo bám chích hút; đúng thuốc: theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật địa phương; đúng liều lượng: theo hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận