09/11/2005 06:32 GMT+7

Khởi nghiệp từ nhu cầu chính mình

MY LĂNG (ĐHKHXH&NV TP.HCM)
MY LĂNG (ĐHKHXH&NV TP.HCM)

TT - Để vượt qua hơn 250 ý tưởng của bạn bè cùng trang lứa, đề án phải nêu bật tính thiết yếu của ý tưởng, mô tả sản phẩm hàng hóa, chiến lược kinh doanh, kế hoạch tài chính, khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận... Nghĩa là SV phải có những hoạch định thực, cụ thể cho đề án ảo của một nhà kinh doanh.

SQNpgSIj.jpgPhóng to
Nhóm bạn thực hiện đề án SG (giải nhất) - Ảnh: M.L.
TT - Để vượt qua hơn 250 ý tưởng của bạn bè cùng trang lứa, đề án phải nêu bật tính thiết yếu của ý tưởng, mô tả sản phẩm hàng hóa, chiến lược kinh doanh, kế hoạch tài chính, khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận... Nghĩa là SV phải có những hoạch định thực, cụ thể cho đề án ảo của một nhà kinh doanh.

SG: đề án 15 ngày cho bạn bè

Gần đến hạn chót nộp đơn tham gia (10-10), nhóm của Hữu Quý (lớp kinh tế đối ngoại A) mới nhóm họp và phân công nhiệm vụ từng thành viên: khảo sát thị trường, lập chiến lược marketing, dự kiến rủi ro... 11 thành viên chia thành bốn nhóm “lảng vảng” ở nhiều nhà xuất bản tại TP.HCM tìm hiểu nguồn sách, tới một số trường ĐH khảo sát nhu cầu... Ngày 25-10, khi cầm đề án khởi nghiệp “Trung tâm dịch vụ hỗ trợ học tập và nghiên cứu” Student Guide (SG) giao ban tổ chức, cả nhóm thở phào nhẹ nhõm. Vẻn vẹn đúng 15 ngày hành động!

“Một lần làm đề tài về quản trị học nhưng không có tài liệu, mua thì trúng sách photo xấu ơi là xấu... Qua những bức xúc từ thực tế đó, tụi mình thấy nhu cầu về sách báo, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu của SV rất lớn” - Hữu Quý (trưởng nhóm) cho biết lý do thành lập đề án SG.

SG là một trung tâm đa dạng với hai loại hình kinh doanh: vật chất (dụng cụ học tập, báo - tạp chí, mua bán trao đổi sách, cung cấp tài liệu photo...) và dịch vụ (photocopy, cung cấp thông tin chuyên ngành theo từng chủ đề, tư vấn học tập và nghiên cứu thực hiện đề án, Internet, thư viện...). Theo ban giám khảo, đề án rất thiết thực và ý nghĩa. “Với gần 10.000 SV tại làng ĐH Thủ Đức, SG nếu đi vào hiện thực có thể đáp ứng kịp thời thị trường đầy tiềm năng này. Ý tưởng của đề án rất hay, khả thi, thể hiện sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường” - anh Kavin Jo (giám đốc PR Công ty Vietnam Works - trưởng ban giám khảo) nhận xét.

Cuộc thi “Nhà quản lý tương lai” do Hội SV Khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM phối hợp với Công ty Vietnam Works tổ chức, thu hút 254 đề án của SV từ nhiều trường ĐH. 10 đề án vào chung kết phản biện trước hội đồng giám khảo. Các doanh nghiệp nhận xét và bình luận trực tiếp. Kết quả: giải nhất thuộc về đề án “Trung tâm dịch vụ hỗ trợ học tập và nghiên cứu”; giải nhì: “Sự lựa chọn cho teen” (Khoa kinh tế); giải ba: “Công ty TNHH cung cấp thông tin xây dựng AZ”(ĐH dân lập Văn Hiến và ĐH Mở - bán công) và bảy giải khuyến khích.
“Sự lựa chọn mới cho teen” - một nửa thị trường đấy!

Đề án được ban giám khảo cho điểm tối đa về tính sáng tạo và tính khả thi! Tác giả của giải nhì là bốn gương mặt mới toanh: Phương Uyên, Phú Cường, Uyên Thi, Ngọc Luận - SV năm 1 lớp tài chính B.

Hãy nghe họ nói: “Tuổi teen VN ngày càng trở nên năng động, tự tin, muốn bộc lộ cá tính, phong cách qua những vật dụng, trang phục quen thuộc. Bạn nghĩ sao nếu có một địa chỉ chuyên cung cấp những món đồ thật “teen”, độc đáo và cá tính hóa những vật dụng quen thuộc thành những thứ không “đụng” hàng?”.

Những “nhà quản lý tương lai” này đưa ý tưởng “không giống ai”: sản xuất sản phẩm đa chức năng vừa là dụng cụ học tập vừa là đồ trang sức! Và mũi nhọn hướng đến là giới tiêu dùng... mày râu! Tại sao? Phương Uyên lý giải: trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngoài những mặt hàng cơ bản phục vụ phái nam thì hầu như các loại phụ kiện khác đều rất hạn chế; rồi thắc mắc để tự trả lời: “Sao lại bỏ quên một nửa thị trường tiêu dùng nhỉ?”.

Sản phẩm đầu tiên: hộp bút cho nam dưới dạng... mặt trang sức đeo cổ (đựng 1-2 cây bút) với tiêu chí: thời trang, cá tính, tiện dụng, giá cả cạnh tranh. Đây là dòng sản phẩm khá độc đáo và tương đối tiêu biểu cho ý tưởng của thế hệ 8X, 9X (sinh những năm 1980, 1990): sản phẩm có thể thu ngắn chiều dài hoặc thay đổi kiểu dáng (bằng kỹ thuật may lộn), chiều dài và chất liệu của dây linh hoạt theo sở thích của khách hàng…

Một ý tưởng kinh doanh rất “độc” nhưng nguồn vốn huy động chỉ 16 triệu đồng cùng những chiến lược marketing, sự phân tích thị trường sắc sảo... đã chinh phục ban giám khảo. Anh Kavin tỏ vẻ tâm đắc với đề án này: “Tôi đánh giá cao tính sáng tạo, tính khả thi của đề án và bất ngờ khi biết đó chỉ là SV năm 1. Các bạn SV muốn kinh doanh có lẽ nên bắt đầu từ những dự án từ thực tế của chính mình như vậy”.

Lần đầu tổ chức nhưng với tính khả thi và gắn rất chặt với thực tế của chính tuổi đời, môi trường của mình, cuộc thi rõ ràng không chỉ dừng lại ở một sân chơi mà nói như bạn Thanh Sang (tác giả đề án “Dịch vụ Internet tại phòng SV ký túc xá”): “góp phần cho SV chúng tôi có cơ hội trưởng thành ngay từ giảng đường ĐH”.

MY LĂNG (ĐHKHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên