Ông bà T có một mảnh đất 800m2, có 4 người con: 2 trai A, B và 2 người con gái C,D. Con trai cả A sống cùng ông bà T, những người con khác đã lập gia đình và sống riêng ở nơi khác. Khoảng năm 2005, ông T nói cho vợ chồng anh A toàn bộ 800m2 đất, tuy nhiên bà T không đồng ý. Sau đó ông bà đã quyết định cho người con cả 600m2 và 200m2 cho người con trai thứ là B. 2 người con gái từ chối không nhận. Sự việc này không được lập thành văn bản mà chỉ là thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình.
Sau đó, chính quyền xã đã đo đạc đất 600m2 cho người con cả là A và 200m2 cho con trai thứ là B. Mọi người trong gia đình bao gồm: ông T, A, B, C, D đã ký vào biên bản xác nhận trong giấy đo ngày hôm ấy (trích đo). Bà T không ký (tuy nhiên thời điểm ấy bà vẫn đồng ý để ông ký). Toàn bộ hồ sơ đã được lưu giữ ở phòng địa chính. Sau đó khoảng năm 2008 thì người con trai cả đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng các thủ tục của Luật đất đai, còn sổ đỏ của người con trai thứ là B cũng đang được hoàn thành.
Năm 2010 ông T mất, bà T đòi lại toàn bộ đất. Sau đó UBND xã đã tiến hành hòa giải tại UBND xã, anh A và bà T cùng các con gái là C, D đã ký vào biên bản hòa giải của xã là anh A sẽ cắt cho bà T 300m2 đất. Anh A sau đó không đưa sổ đỏ để bà T làm sổ đỏ đứng tên mình. Bà T đòi khởi kiện ra tòa.
Lưu ý: Toàn bộ diện tích đất này trước đây thuộc quyền chiếm hữu của công ty thực phẩm nhà nước. Ông bà T là công nhân nên ở trên diện tích đất ấy khoảng từ năm 1985, cho đến khi công ty giải thể thì đất của công ty ấy đều do những công nhân làm việc ở đấy sử dụng và đều được cấp sổ đỏ.
Khi lập biên bản hòa giải ở xã, vợ anh A không được mời đến mặc dù vợ anh A cũng góp sức mua thêm một diện tích đất và khi chia lại diện tích này có rơi vào phần chia cắt lại giữa bà T, anh A và anh B. Vợ anh A không đồng ý với biên bản này.
Hỏi: Bà T có khởi kiện ra tòa đòi lại đất được không? Anh A không thực hiện theo biên bản hòa giải ở cấp xã có bị cưỡng chế phải giao sổ đỏ?
bily nhim, (bilynhim@...)
- Trả lời:
1. Quyền khởi kiện tranh chấp đòi lại đất
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 105 Luật đất đai, người sử dụng đất có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật đất đai. Đây là một trong những quyền chung của người sử dụng đất.
Do đó, khi có tranh chấp mà không hòa giải được, muốn đòi lại đất, bà T có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của mình.
Theo quy định tại Điều 135 và Điều 136 Luật đất đai, khi hòa giải không thành tại UBND cấp xã, các bên có quyền khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất tại tòa án nếu đất đã có giấy chứng nhận hợp pháp đối với quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai; hoặc đưa tranh chấp đến UBND (cấp huyện hoặc cấp tỉnh, tùy thẩm quyền) nếu đất không có giấy chứng nhận hợp pháp đối với quyền sử dụng đất và cũng không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai.
Do đất của anh A đã được cấp giấy chứng nhận, nên nếu kết quả hòa giải tại UBND cấp xã không được thực hiện thì bà T có thể khởi kiện ra tòa án để tranh chấp đòi lại đất.
Tương tự, nếu vợ anh A không đồng ý với kết quả hòa giải do cho rằng kết quả này xâm phạm đến quyền sử dụng đất của mình thì cũng có quyền tranh chấp, khởi kiện theo thủ tục nêu trên.
Ai nhận được quyền sử dụng đất sẽ được xác định trên cơ sở phán quyết của tòa án.
2. Có hay không việc cưỡng chế khi không thực hiện theo biên bản hòa giải tại UBND cấp xã?
Hòa giải là sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Pháp luật đất đai hiện nay chưa có quy định cụ thể về hiệu lực của biên bản hòa giải thành và việc cưỡng chế thực hiện theo kết quả hòa giải. Điều 135 Luật đất đai và Điều 159 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29-10-2004 chỉ quy định biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp và lưu tại UBND cấp xã; nếu kết quả hòa giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì UBND cấp xã chuyển kết quả hòa giải đến cơ quan tài nguyên và môi trường để giải quyết.
Như vậy, anh A sẽ không bị cưỡng chế dù không thực hiện theo thỏa thuận đã được ghi nhận trong biên bản hòa giải. Đây cũng là một thực tế thường xảy ra trong các vụ tranh chấp đất đai. Khi đó, các bên có thể tiếp tục hòa giải lại hoặc đưa vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (tòa án hoặc UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh, tùy theo thẩm quyền) như đã nêu trên.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: diaoc@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. Địa ốc Tuổi Trẻ Online |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận