21/02/2008 08:25 GMT+7

Khởi công xây dựng depot tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên

N.ẨN
N.ẨN

TT - Ngày 21-2, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM sẽ làm lễ khởi công xây dựng depot (trạm bảo hành sửa chữa kỹ thuật) tại phường Long Bình (Q.9, TP.HCM).

1c3wCpu5.jpgPhóng to

Mô hình tàu điện

TT - Ngày 21-2, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM sẽ làm lễ khởi công xây dựng depot (trạm bảo hành sửa chữa kỹ thuật) tại phường Long Bình (Q.9, TP.HCM).

Theo đó, công trình xây dựng tường rào và san lấp mặt bằng trên diện tích 22ha được thực hiện bằng nguồn vốn trong nước. Đây là bước khởi động cho dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, dự kiến tuyến metro đầu tiên này sẽ khởi công vào đầu năm 2009 và hoàn thành vào năm 2014.

Metro là tàu điện chạy trong đô thị có sức vận chuyển khối lượng lớn hơn so với xe điện mặt đất (tramway) hay xe điện chạy một bánh (monorail). Cũng có một số nước trên thế giới dùng thuật ngữ tàu điện ngầm (subway). Hệ thống metro TP.HCM bao gồm đi ngầm, đi trên cao. Metro là loại tàu điện (giống tàu lửa đang chạy của chúng ta) nhưng chạy bằng điện (không sử dụng đầu kéo diesel như tàu lửa). Tàu gồm toa có động cơ xen lẫn toa không động cơ chạy bằng điện. Tùy theo lượng hành khách đi lại vào giờ cao điểm mà tàu có từ 3-10 toa và chạy giãn cách khoảng 3-10 phút. Vận tốc hành trình của metro là 40km/giờ (ví dụ đoạn Bến Thành - Suối Tiên dài khoảng 19,7km thì đi khoảng 30 phút).

Dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được UBND TP quyết định phê duyệt với tổng vốn đầu tư là 1,09 tỉ USD. Trong đó vốn vay JBIC (Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản) là 905 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Đây là tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM có tổng chiều dài 19,7km đi qua các quận 1, 2, 9, Thủ Đức và một phần tỉnh Bình Dương.

Đoạn đi ngầm dài 2,6km bắt đầu từ ga số 1 tại vòng xoay công viên Quách Thị Trang - trước chợ Bến Thành, đi theo đường Lê Lợi đến ga số 2 là công viên Nhà hát TP. Sau đó đi tiếp qua khu vực bên hông Nhà hát TP, trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn, theo đường Nguyễn Siêu qua trụ sở Fafilm đến ga số 3 (Nhà máy Ba Son) chuyển từ đi ngầm sang đi trên cao.

Đoạn metro trên cao dài 17,1km đi theo rạch Văn Thánh, qua sát hồ công viên Văn Thánh, vượt qua đường Điện Biên Phủ và sông Sài Gòn tại vị trí cách tim cầu Sài Gòn hiện hữu 36,78m về phía thượng lưu. Sau đó đi tiếp trong hành lang phía bắc xa lộ Hà Nội, vượt sông Rạch Chiếc. Rồi đi tiếp theo hành lang phía bắc xa lộ Hà Nội đến khoảng km 18_535 tuyến vượt sang phía nam xa lộ Hà Nội để vào ga số 14 (ga bến xe Suối Tiên) có tuyến rẽ phải vào depot Long Bình.

Trên tuyến metro có 14 ga, trong đó có 10 ga trên cao và bốn ga đi ngầm. Tại các ga trên xa lộ Hà Nội đều xây dựng các cầu vượt đường ôtô vào lề đường để khách băng đường vào nhà ga. Xây dựng 450,5m cầu vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh và Điện Biên Phủ và 383m cầu vượt sông Sài Gòn và sông Rạch Chiếc.

UBND TP đã chỉ đạo các quận huyện đẩy nhanh công tác bồi thường giải tỏa mặt bằng vào tháng 6-2008. Phấn đấu hoàn thành công tác đấu thầu và chọn thầu vào tháng 10-2008 để khởi công công trình vào đầu năm 2009.

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên