19/09/2006 14:28 GMT+7

Khoảnh khắc thiêng liêng...

MAI HOÀNG DŨNG
MAI HOÀNG DŨNG

TTO - Quốc ca Việt Nam được cất lên, dù ở nơi đâu trên trái đất này, nơi đó tâm hồn Việt, trí tuệ Việt mãi cùng nhau tỏa sáng...

5oah6Irf.jpgPhóng to
Chào cờ - không chỉ là hình thức... - Ảnh:www.lamdong.gov.vn

.......................................

Đọc những bài viết về chuyện chào cờ trên báo mấy hôm nay, sống mũi tôi thật sự cay. Người viết nhắc tôi những cảm xúc đã từng có về "Quốc kỳ", "Quốc ca" và "Tổ quốc" mà bao năm chìm ngập trong mưu sinh tôi đã bỏ lại sau lưng...

Tôi đã đến thủ đô Hà Nội lần đầu tiên vào năm 2003 và đã đứng ở quảng trường Ba Đình, trước lăng Bác Hồ hàng giờ đồng hồ để nhìn và chào lá cờ Tổ quốc nơi Thủ đô. Không lý giải được nhưng tôi cảm nhận là giây phút ấy rất thiêng liêng.

Tôi cảm thấy thẹn lòng và cảm thấy đáng trân trọng, đáng tôn vinh những tập thể và cá nhân như Tổng Giám đốc công ty Biti's (ông ấy là người Việt gốc Hoa) và tập thể cán bộ CNV ở đó; một bác Mai chào cờ mỗi buổi sáng trước tivi và nhớ rất rõ là trong khoảng 1.460 ngày có 18 ngày mình không được thực hiện hành động thiêng liêng. Có bao nhiêu người trong gần 80 triệu chúng ta đã từng có suy nghĩ như bác: “Mỗi cá nhân bao gồm bản thể di truyền và bản sắc di truyền. Cha mẹ ta đã cho ta bản thể di truyền, còn Tổ quốc cho ta bản sắc di truyền…”?

Với tôi, tôi chưa thấy quốc gia nào có được lá cờ đẹp và hùng tráng như Quốc kỳ VN. Màu đỏ là hồn tổ quốc, hồn dân tộc, là máu của bao thế hệ cha ông đã nhuộm cho đất nước và thế hệ hôm nay. Tuổi Trẻ hãy góp phần làm cho màu đỏ của lá cờ Tổ quốc được tôn vinh nhiều nơi hơn nữa và thấm đỏ trong những con người mang trong mình dòng máu VN.

Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ (khoảng lớp 4,5) học môn Giáo dục công dân như bây giờ, thầy cô dạy chúng tôi phải đứng trang trọng tôn nghiêm mỗi khi chào cờ. Lúc đang đi trên đường cũng vậy, khi gặp bất kỳ nơi nào đang chào cờ phải đứng lại giở nón ra nghiêm trang, đợi khi nào chào cờ xong mới được đi tiếp.

Lúc đó khi chào cờ, mọi người phải hát quốc ca chứ không như bây giờ thu vào băng, đĩa rồi phát ra, tôi thấy không thiêng liêng. Theo tôi, nên bỏ hình thức đó. Mỗi người chúng ta phải cất cao giọng mà hát bài quốc ca thiêng liêng để thật sự chứng tỏ chúng ta yêu thương Tổ quốc của mình và nhớ lại những người đã ngã xuống để chúng ta có được ngày hôm nay.

Còn một chuyện nữa tôi cũng xin góp ý. Trong các kỳ đại hội lớn, tôi thấy các anh của đài truyền hình, phát thanh... trong lúc mọi người đang nghiêm trang chào cờ, các anh chạy lung tung quay tới quay lui như thế thì không được. Phải đợi một, hai phút cho xong lễ chào cờ đi rồi tha hồ muốn quay gì thì quay.

Đã bao lâu rồi tôi không còn nhớ nữa cái lần cuối cùng mình được đứng nghiêm trang dưới quốc kỳ. Khi đọc những tâm sự, chia sẻ của bạn đọc, lòng tự hào về dân tộc trong tôi lại trào dâng không tả. Hạnh phúc lắm, tự hào lắm vì là người VN. Cảm ơn các bạn đã khơi dậy lòng tự hào trong tôi, cảm ơn toà soạn đã làm cầu nối và chất xúc tác nhắc nhở những người trẻ tuổi như chúng tôi về tinh thần dân tộc. Hãy sống và làm việc hết mình để được cống hiến một phần dù rất nhỏ cho đất nước để không hổ thẹn khi đứng dưới quốc kỳ.

Nghi thức chào cờ chính là một nét văn hoá của mỗi quốc gia trên thế giới. VN mang một nét văn hoá riêng của người VN, chào cờ cũng là một hình thức sinh hoạt cộng cồng không thể thiếu trong mỗi con người VN. Đứng trước ngọn cờ tổ quốc, được nghe bài quốc ca của nước nhà, đó chính là niềm tự hào về một quá khứ hào hùng của dân tộc VN. Hãy nâng cao tinh thần dân tộc VN trong thời kỳ hội nhập, mọi công dân VN hãy chứng tỏ rằng con người VN tuy nhỏ bé nhưng có một tinh thần yêu nước mạnh hơn bất kỳ thứ gì trên trái đất này.

Một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa thật không nhỏ. Suốt trong thời gian học Tiểu học, THCS và đến THPT, thứ 2 nào trường tôi cũng tổ chức chào cờ. Nhưng quả thật lúc đó tôi không thể hiểu hết ý nghĩa to lớn của việc chào cờ. Dường như việc đó đã quá quen, đã thành thông lệ và việc gì thành thông lệ thì người ta dễ dàng quên đi ý nghĩa thật sự của nó. Thiết nghĩ trong buổi lễ chào cờ, chúng ta nên dừng lại 1 phút để chúng ta suy nghĩ, để tự hào, cũng như để tưởng nhớ về thế hệ cha ông đã ngã xuống vì nền độc lập tự do mà chúng ta đang sống.

Đọc trên trang web báo Tuổi Trẻ cách nhận lá cờ tổ quốc và gắn cờ hiệu trên yahoo messenger để chào cờ vào mỗi sáng thứ hai, tôi thật sự mừng rỡ. Đã hơn mười năm nay kể từ khi rời khỏi mái trường phổ thông, tôi không còn được dự những buổi lễ chào cờ đầu tuần như thường lệ nữa, bên cạnh đó cuộc sống mưu sinh đã cuốn tôi theo dòng chảy của nó làm cho tôi phần nào không còn nghĩ đến chuyện "tinh thần dân tộc" nữa.

Nhưng "gene" cách mạng trong tôi vẫn còn đó khi những ngày lễ lớn của đất nước như 2-9, 30-4... trên các kênh truyền hình hoặc các chương trình ca nhạc ngoài trời trước Dinh Độc Lập đồng cất lên những bài ca cách mạng, lúc ấy tâm hồn tôi như có một sức sống mãnh liệt, tôi như thấy lại những ngày tháng hào hùng của ông cha ta trong những năm kháng chiến cứu nước, một niềm tự hào dân tộc bị dồn nén đâu đó nay được dịp trỗi dậy tạo cho tôi một cảm giác bay bổng trong tâm hồn mình... Nhưng buổi chào cờ dân tộc vẫn còn nằm trong một góc khuất nào đấy tận sâu thẳm tâm hồn tôi...

Nay tôi thật sự vui sướng và thầm cảm ơn những cư dân trên mạng đã khơi dậy và làm sống lại niềm tự hào dân tộc trong lòng những công dân của nước VN, và tôi cũng xin cảm ơn những người đã giúp cho tôi được chào cờ dù chỉ là trên mạng (vì cơ quan tôi vẫn chưa tham gia chào cờ vào sáng thứ hai đầu tuần), được làm tròn bổn phận của một con người VN...

Tôi nhớ có một lần xem phim Hàn Quốc, các nhân vật đang trò chuyện với nhau, bỗng vang lên bài hát quốc ca của nước họ, thế là mọi người đều đứng dậy và hướng nhìn quốc kỳ với sự trang nghiêm. Lúc ấy tôi nghĩ tại sao người ta làm được mà chúng ta, người VN với niềm tự hào dân tộc lại không làm được điều ấy. Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy dành khoảng 5 phút buổi sáng thứ hai hàng tuần để thể hiện điều ấy, để khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người chúng ta. Nhưng cách thực hiện sao cho thống nhất, đúng cách, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị xem xét kỹ lưỡng để buổi lễ được trang nghiêm và thể hiện đúng bản chất của nó.

Chúng ta có hàng trăm ngàn lý do để không chào cờ, nào là thiếu không gian, nào là vì nó không mang tính bắt buộc, hay phải dậy sớm, thức sớm để làm một việc mà giờ lương mình không hề được tính thêm đồng nào... Tôi không có hàm ý gì ở đây cả, nhưng rõ ràng với một số trong chúng ta, việc chào cờ được thực hiện rất chiếu lệ. Nhiều nơi, nhất là ở trường học thường mở sẵn băng thu âm bài quốc ca, điều này có thể chấp nhận, nhưng chính tôi khi còn là học sinh, thấy thầy hiệu trưởng của mình chẳng buồn nhép môi, khó nói quá!

Hay phút mặc niệm cũng vậy, nhiều người dẫn chương trình rất thiếu ý thức, vừa mới hô "phút mặc niệm bắt đầu" là y như rằng mới hai hay ba giây sau đó, hô "thôi" và mời mọi người an tọa. Tôi đồng ý với ý kiến các anh chị đã nêu ở những bài trước, chúng ta có truyền thống dân tộc để tự hào, có một quốc gia độc lập để mọi người được tự do học tập, làm ăn và mưu cầu hạnh phúc cho cuộc sống của mình, thì một cử chỉ để tỏ lòng tôn trọng những giá trị đó thông qua nghi thức chào cờ là rất nên.

Có gì khó đâu cho vài mươi phút của một nghi lễ. Chúng ta có thể đứng ở bất kỳ đâu, miễn là trái tim, ánh mắt và thính giác của mình hướng về quốc kỳ, quốc ca mỗi sáng sớm thứ hai. Tôi hy vọng tất cả chúng ta hãy cùng nhau ủng hộ và thực hiện điều này. Sự tham gia của đài truyền thanh, truyền hình với những Khi người người đứng nghiêm trên đường, xe cộ dừng lại để chờ đón giây phút thiêng liêng, đó là biểu hiện của một sức mạnh toàn dân tộc. Điều đó chẳng những không làm phí phút giây nào của kinh tế thị trường mà ngược lại còn giúp tinh thần và hiệu năng làm việc của chúng ta được nâng cao.

Với khí thế đó, tinh thần đó và khi mà ai ai cũng thấy được trách nhiệm công dân của mình, chúng ta sẽ cùng nhau mưu cầu cho một nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển. Chúng tôi, mặc dù là những SVHS xa nhà nhưng chưa bao giờ bỏ qua cơ hội để được cất lên bài hùng ca dân tộc. Có khi là đội tuyển bóng đá VN sang thi đấu, là đêm ba mươi tết ở Đại sứ quán của VN, là ngày 2-9, là ngày 30-4, hay bất cứ nơi đâu chúng tôi họp lại để tổ chức một sự kiện nào đó và cùng hướng về đất nước.

Quốc ca VN khi được cất lên, dù ở nơi đâu trên trái đất này, nơi đó Tâm hồn Việt, Trí tuệ Việt mãi cùng nhau tỏa sáng...

Tôi rất xúc động trước tình cảm của những độc giả đối với Tổ quốc, với Quốc kỳ và Quốc ca của dân tộc. Tuy nhiên, theo tôi thấy, lá Quốc kỳ thiêng liêng của đất nước vẫn chưa được tôn trọng đúng mức. Ở mọi cơ quan, công sở, lá Quốc kỳ luôn được treo "trường kỳ" trên cột, mặc kệ mưa, gió, bão... Nhiều lá cờ phai màu, có lá bị rách, bẩn, trông rất nhếch nhác.

Tôi được biết, ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York và ở nhiều nước, khi trời mưa, người ta hạ cờ xuống cất, hết mưa mới thượng cờ lên. Nhiều nơi, người ta hạ cờ sau một ngày làm việc. Điều này chúng ta đã học tập được qua lễ thượng cờ, hạ cờ tại Quảng trường Ba Đình. Tôi mong rằng, nhà nước cần có quy định về việc tôn trọng Quốc kỳ. Không thể để lá Quốc kỳ bị phơi trong mưa gió. Hằng ngày, nên hạ cờ khi hết giờ làm việc và thượng cờ vào đầu buổi sáng. Những quy định đó cùng với thủ tục hát Quốc ca đầu tuần mới khiến mọi công dân VN thêm tình yêu tổ quốc.

MAI HOÀNG DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên