17/03/2021 08:13 GMT+7

Kho trang phục, đạo cụ hơn 30 năm của bà Kim Thơ

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Mé bên hông Nhà thiếu nhi Gò Vấp (TP.HCM) có lẽ ít ai biết có một kho trang phục, cảnh trí, đạo cụ… rộng gần 3.000m2 tồn tại trên 30 năm nay của bà Lý Kim Thơ.

Kho trang phục, đạo cụ hơn 30 năm của bà Kim Thơ - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Anh Tuấn với kho trang phục sân khấu lên tới mấy ngàn bộ - Ảnh: GIA TIẾN

Bà Kim Thơ năm nay 95 tuổi, là mẹ ruột của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf.

Gìn giữ tài sản sân khấu cho con trai

Bà Lý Kim Thơ từng là y tá và giáo viên dạy tiếng Pháp. Cực kỳ mê con nít, bà đã đứng ra mở trường tiểu học tư thục với nhiều ưu đãi học phí cho trẻ con nhà nghèo. Tùy theo từng thời điểm, điều kiện tài chính mà có lúc bà mở trường khá quy mô, có lúc chỉ là 3, 4 lớp học. 

Nổi bật nhất là Trường tiểu học tư thục Lê Chân (ở Q.1) do bà làm hiệu trưởng tồn tại từ năm 1957 đến vài năm sau 1975. Đây là ngôi trường ca sĩ Như Quỳnh từng học và kết mối thâm tình với gia đình bà Thơ. Chính vì ngôi trường này mà người dân trong khu vực quen gọi bà Kim Thơ là cô Bảy Lê Chân. Về sau, bà công tác tại Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) cho đến ngày nghỉ hưu.

Trong gia đình bà, cậu con trai thứ bảy - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, nặng nợ với múa rối nước, múa rối và kịch nói với hai điểm diễn tiêu biểu của TP là nhà hát múa rối nước Rồng Vàng và sân khấu kịch Idecaf. 

Từ khi ông bầu Tuấn còn là một cậu bé, ngôi nhà đã tràn ngập trong tiếng đọc bài ê a, vì bà Thơ tận dụng mọi không gian để mở lớp học. Lớn lên trong môi trường như thế, ông Tuấn mê con nít và sớm tham gia công tác Đoàn ở Q.1, rồi thành lập đội múa rối Nụ Cười. Từng bước tiến lên chuyên nghiệp, ông mở rộng từ múa rối đến múa rối nước, kịch nói...

Kho trang phục, đạo cụ hơn 30 năm của bà Kim Thơ - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Anh Tuấn và mẹ - bà Lý Kim Thơ, năm nay 95 tuổi - Ảnh: GIA TIẾN

Từ những ngày đầu con trai gầy dựng hoạt động múa rối, ngôi nhà vườn rộng gần 5.000m2 của gia đình ở Gò Vấp là nơi tập kết cảnh trí, đạo cụ, phục trang... Thấy tụi nhỏ bỏ đồ lung tung, sợ hư hao nên bà Thơ lẳng lặng cất cái kho nho nhỏ chứa đồ. Theo sự nghiệp sân khấu lớn dần của con trai, cái kho chứa đồ cũng lấn dần không gian, tới nay đã chiếm hơn nửa diện tích khu nhà vườn. 

Cậu con trai lâu lâu lại nhận cú điện thoại của má: "Bảy, về đưa tiền cho má. Má mới cất thêm cái kho, đồ gì mà quá trời, cất không kỹ hư hao, uổng lắm!". Cái nhà kho gần 3.000m2 đó tự tay bà chăm chút, lựa từng tấm tôn, từng cái đinh, gạch lót sàn... sao cho thoáng mát, ít hư hao cảnh trí, phục trang nhất.

Ngày còn khỏe, bà Thơ là "quản gia" coi sóc dãy kho. Ông Tuấn đùa: "Má cũng kiêm luôn... bảo vệ. Có lần nhân viên mới của đoàn rối tới lấy cảnh trí, phục trang, má không yên tâm gọi điện thoại liền cho tôi để xác minh. Có má ngó giùm là không sợ mất mát thứ gì cả! Má biểu giữ gìn cho kỹ để còn diễn cho mấy đứa nhỏ coi".

Đến tuổi 95, sức khỏe bà Thơ không còn tốt nên không đi lại được nhiều. Thế nhưng bà luôn chú ý dặn dò con cháu "coi cái kho của chú Bảy" cho kỹ.

Kho trang phục, đạo cụ hơn 30 năm của bà Kim Thơ - Ảnh 3.

Cả một nhà kho kê từng tầng ngay ngắn đa dạng các đầu rối đủ các loại nhân vật - Ảnh: GIA TIẾN

Cả nhà cùng bảo quản

Những dãy nhà tôn kéo dài được phân thành những khu riêng: trang phục, mặt nạ, đầu rối; các con rối múa rối nước; trang phục các vở kịch; cảnh trí các vở diễn; nơi lưu trữ tờ rơi, băng đĩa, tư liệu các vở diễn... Bước vào kho phục trang là cảm giác... ngợp! Đủ màu sắc, kiểu dáng, cái treo, cái bỏ vô bao chật cả lối đi. Kho cảnh trí thì chất cao ngất với nào là mút xốp, gỗ, thanh sắt, nhôm, tre...

Cảnh trí sân khấu tương đối "ỏng eo" nên dù để trong kho nhưng vài cơn nắng cũng rất dễ hỏng. Phục trang cũng gặp vấn đề không nhỏ về ẩm ướt, mối mọt. Với tình hình khó khăn chung của sân khấu, tuổi thọ của một vở diễn chỉ khoảng 30, 40 suất. Trang phục cứ treo đó không được dùng tiếp nhanh chóng hư hao. Không ít lần ông Tuấn phải đứt ruột bỏ đi cả xe tải.

Kho trang phục, đạo cụ hơn 30 năm của bà Kim Thơ - Ảnh 4.

Những dãy dài trang phục sân khấu được treo trong nhà kho - Ảnh: GIA TIẾN

"Tôi đi khảo sát rất nhiều nơi và nhận thấy nhu cầu xem vở diễn thiếu nhi ở các tỉnh rất lớn. Những vở của chúng tôi sau khi diễn ở TP hoàn toàn có thể đưa về các tỉnh để phục vụ khán giả nhí, vừa có thêm một sản phẩm văn hóa cho các em vừa thêm cơ hội tận dụng kho phục trang, cảnh trí. Vấn đề là hiện nay ít người mặn mà, chịu làm chương trình thiếu nhi nên chúng tôi thật sự khó khăn khi tìm kiếm cộng tác viên ở các tỉnh" - ông Tuấn đau đáu nói.

Cái kho của ông Tuấn đã lấn hơn nửa khu đất gia đình. Với cái đà làm vở mới liên tục thì chuyện "phình" kho là chẳng đặng đừng. Cái kho ấy đã "xâm lấn" vô 2 tầng lầu của ngôi nhà em trai ông vừa cất trong khu đất. Nhìn từ chuyện kho chứa cảnh trí, phục trang của gia đình ông bầu này, mới thấy để giữ cho hoạt động của sân khấu xã hội hóa TP sáng đèn hiện nay, những ông bầu, bà bầu phải chật vật xoay xở như thế nào...

Độc nhất vô nhị

Kho trang phục, đạo cụ của ông bầu Idecaf có lẽ là kho chứa cảnh trí, phục trang, đạo cụ độc nhất vô nhị trong làng sân khấu TP khi nhiều sân khấu hiện nay toàn đi thuê mướn điểm diễn, khó có chỗ đủ để chứa cảnh trí, phục trang.

Idecaf có bề dày hoạt động với đa dạng loại hình khiến nhu cầu về kho bãi càng căng thẳng. Tính tới nay, số lượng các vở diễn của sân khấu cũng gần 400 vở. Mỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa "ngốn" phải trên 100 bộ trang phục.

Cậu Đồng của sân khấu Idecaf Cậu Đồng của sân khấu Idecaf 'cháy' vé khi trở lại

TTO - Sau gần 20 năm, vở kịch Cậu Đồng của sân khấu Idecaf trở lại và tiếp tục “khuấy đảo” khi các suất diễn tháng 7, tháng 8 đều trong tình trạng “cháy” vé.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên