Anh còn chi tiết hơn: “Tôi chỉ cao 1,65m, bà xã chưa tới 1,6m. Nhưng khi bà xã có bầu thằng bé đầu lòng, chúng tôi đã chăm chút cho bà bầu từ viên thuốc bổ đến bữa ăn sáng. Sau khi thằng bé ra đời, chúng tôi lo cho nó đầy đủ dinh dưỡng, sữa mỗi ngày tối thiểu nửa lít. Cứ thế là cao to hơn bố hơn mẹ thôi”.
Vâng, ông bạn ấy nói không sai. Thử lên mạng mà xem, khối cô “hot girl” Việt chỉ mới 15, 16 tuổi mà trông cứ như Tây. Thậm chí có cô mới 12 tuổi đã cao 1,72m khiến các đàn chị người mẫu phải lác mắt! Hay ở một giải bóng đá nhi đồng, ban tổ chức đã phải loại vài cầu thủ vì... to quá. Không phải “nhi đồng cụ” đâu. Giấy tờ mấy em bị loại sáng trong như trăng rằm, gia đình chắc chắn không chấp nhận làm giả giấy tờ vì một cuộc chơi. Chính ban tổ chức khi quyết định loại cũng khẳng định là không có chuyện ăn gian, chẳng qua các chỉ số về hình thể, sinh học... các em vượt quá xa bạn cùng lứa tuổi.
Và những trường hợp vừa kể ấy là ở đâu? Toàn là con em đến từ Hà Nội, TP.HCM; được sinh ra trong những gia đình khá giả như anh bạn nói trên, chăm cho con từ khi còn trong bụng mẹ.
Nhưng đất nước này đâu phải ai cũng đủ sức chăm lo cho thế hệ tương lai đầy đủ như thế. Còn nhớ hồi tháng 10 năm ngoái, trong một chuyến đi cứu trợ cho các em học sinh huyện miền núi Vũ Quang ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng lũ lụt, chúng tôi đã rơi nước mắt khi các thầy cô giáo kể rằng: “Trẻ con vùng này chỉ ước mong làm sao ngày có ba bữa cơm no với nhút (mít non muối chua)”.
Một ước mong quá sức giản đơn nhưng không dễ mà có, nên mơ gì chuyện mỗi ngày một ly sữa - thức uống đóng vai trò quan trọng trong chuyện nâng chiều cao. Chính vì thế, học sinh cấp II vùng này thấp như học sinh cấp I ở thành phố, và những đôi vai thì “gầy guộc nhỏ” đến đáng thương.
Và ở đất nước mình, nào chỉ mỗi huyện miền núi Vũ Quang ở Hà Tĩnh. Đi suốt một dải miền Trung hay lặn lội lên những miền núi cao, bạn quá dễ dàng bắt gặp những em thiếu niên thấp bé và gầy guộc. Chính các em ở các vùng miền này đã khiến cho chỉ tiêu “đến năm 2020, thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình 1,65m” trở thành một mục tiêu khó đạt. Vì vậy, chiến lược cải thiện tầm vóc người Việt Nam không phải cứ muốn là được, một khi khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị vẫn còn diệu vợi như hiện nay.
Chúng ta hãy tham khảo nước Nhật vốn được xem là quốc gia tiêu biểu nhất trong việc thực hiện thành công chiến lược cải thiện tầm vóc: Đầu thập niên 1950, chiều cao trung bình của thanh niên Nhật là 1,61m, bằng với Việt Nam hiện nay. Năm 1952, Quốc hội Nhật thông qua Luật phát triển dinh dưỡng.
Theo đó, họ quy định chất lượng từng bữa ăn trong nhà trường dành cho học sinh từng độ tuổi và có kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện. Song song đó là kế hoạch “Một ly sữa làm mạnh một dân tộc” ra đời. Theo đó, tất cả học sinh từ nông thôn đến thị thành đều được chính phủ tài trợ mỗi ngày một ly sữa. Nhờ thế, sau 40 năm, chiều cao trung bình của thanh niên Nhật đạt 1,71m, tăng đúng 10cm. Nghĩa là làm quyết liệt như Nhật, có điều kiện tốt như Nhật, mỗi năm cũng chỉ tăng 0,25cm!
Vì vậy, để nam thanh niên Việt Nam tăng được chiều cao trung bình thêm 4cm từ nay đến 2020 là một việc khó, thậm chí là rất khó nếu như không có những giải pháp quyết liệt và khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận