Đường vào bản Khó, bản Nghèo, xã Hồi Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) hôm nay - Ảnh: Hà Đồng |
Hai bản này dù còn gia đình nghèo về kinh tế, nhưng lại rất “giàu” trí thức, nhiều người đỗ đạt.
Theo các cụ cao niên, hai bản Khó - Nghèo này có cách đây hơn 400 năm, thuộc Mường Ca Da cổ - là một Mường lớn của đồng bào Thái ở miền tây Thanh Hóa.
Ông Vi Đức Nin - một người cao tuổi ở bản Nghèo - kể lại: “Ngày đó, mỗi khi ra trung tâm xã, huyện mua cân muối, chai dầu hỏa, bà con trong bản phải đi về hết cả ngày. Bởi vì đồng bào phải men theo bờ suối, lách qua khe núi, vách đá. Có những đoạn hiểm trở, rất hẹp, đến nỗi người phụ nữ có ngực to khó qua được.
Từ chỗ đi lại khó khăn, bà con có sản xuất ra nông sản cũng không thể bán được, mối quan hệ xã hội bị hạn chế, tập quán canh tác nông nghiệp, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào rất lạc hậu. Có thể xuất phát từ cái khó, nghèo đó nên những người lập bản đã đặt tên là bản Khó, bản Nghèo.
Không cam chịu cảnh nghèo khó, đồng bào ở bản Khó, bản Nghèo huy động nội lực, tự làm con đường từ bản ra trung tâm xã Hồi Xuân.
Bà con dùng sức người phá đá, mở rộng những đoạn đường hiểm trở để người, xe đạp có thể đi lại an toàn. Con đường này được đồng bào tôn tạo, tu bổ hằng năm, cho đến khi Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, trải nhựa cách đây gần năm năm.
Huyện Quan Hóa hiện nay có 123 bản làng, nhưng điều đặc biệt là chỉ bản Khó là địa phương có nhiều trí thức, cán bộ nhất.
Bản Khó hiện có 115 hộ (433 nhân khẩu), nhưng có tới hơn 40 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trong đó có một cán bộ Phòng nông nghiệp huyện là anh Hà Văn Thắng có trình độ thạc sĩ. Những người xuất thân từ bản Khó học hành đỗ đạt, đã và đang làm cán bộ, lãnh đạo ở huyện.
Còn ở bản Nghèo (gồm 111 hộ) đã có 20 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Tại bản Nghèo cũng có nhiều người đã, đang làm cán bộ huyện.
Ông Cao Bằng Nghĩa - chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quan Hóa - cho biết: “Phong trào học tập của người dân hai bản Khó, Nghèo cách đây vài chục năm đã trở thành điểm sáng của huyện Quan Hóa. Hiện nay, hai bản này có quỹ khuyến học của bản, quỹ khuyến học từng dòng họ, nhằm khuyến khích, động viên các cháu đạt học sinh giỏi, thi đỗ đại học hằng năm.
Ở bản Khó, bản Nghèo các thầy, cô giáo không phải vận động trẻ em đến trường, bởi phụ huynh đã nhận thức cao về việc học, tự nguyện đưa 100% số trẻ đến lớp.
Nhờ chịu khó học hành, cái đói cái nghèo ở hai bản Khó, Nghèo đã được đẩy lùi, 95% số hộ gia đình ở hai bản đã có xe máy. Một cuộc sống no đủ, hạnh phúc đang dần hiện hữu trên hai bản Khó - Nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận