19/08/2022 08:40 GMT+7

Khó khăn không ngăn giấc mơ đại học

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đó là một trong những thông điệp quan trọng của tọa đàm 'Để học phí không đè nặng người học' do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 18-8.

Khó khăn không ngăn giấc mơ đại học - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, tặng hoa các khách mời tham gia tọa đàm “Để học phí không đè nặng người học” - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tọa đàm góp phần tìm lời giải cho bài toán tự chủ đại học khi ngân sách đầu tư cho các trường đại học bị cắt giảm và nguồn thu phần lớn trông chờ vào học phí.

Nhiều hình thức hỗ trợ sinh viên

PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết khi thực hiện lộ trình tự chủ, trong đó có vấn đề tài chính, trường đã phải phân tích mức tăng học phí sao cho hợp lý giữa mục tiêu có nguồn lực phát triển nhưng phù hợp với sức "chống chịu" của xã hội. 

Để hỗ trợ sinh viên khó khăn, trường gia tăng số học bổng từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn thu của trường, nguồn doanh nghiệp... Đặc biệt, mới đây, các cựu sinh viên của trường đã ra mắt quỹ cho vay với lãi suất 0%, có thể hỗ trợ thêm hàng trăm em mỗi năm.

Tương tự, theo PGS.TS Nguyễn Minh Đức - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, các hình thức hỗ trợ sinh viên luôn được trường tính toán linh hoạt cho từng trường hợp theo nguyên tắc luôn hết mình vì người học. 

Ông Đức kể trong đợt tuyển sinh năm nay có 2 bạn sinh viên khó khăn lặn lội từ Gia Lai xuống TP.HCM, tìm đến trường nộp hồ sơ vào ngành Hàn Quốc học. Nhận thấy gia cảnh 2 bạn khó khăn, bộ phận tư vấn tuyển sinh đã lập tức báo cáo với ban lãnh đạo nhà trường. 

Kết quả là các bạn được cấp ngay học bổng trị giá 70% toàn khóa học. "Các trường hợp sinh viên khuyết tật có thể được hỗ trợ đến 100% học phí" - ông Đức nói.

ThS Trần Nam - trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết mức tăng học phí được trường tính toán kỹ lưỡng để tránh những sự thay đổi bất ngờ cho người học. 

Ngay từ năm điều chỉnh mức học phí, số học bổng cho các sinh viên xuất sắc hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng gia tăng theo tỉ lệ thuận. Riêng một số ngành đặc thù - không quá "hot" nhưng cần thiết để đảm bảo nguồn nhân lực, chẳng hạn ngôn ngữ Ý, Nga, Tây Ban Nha... - sinh viên được hỗ trợ đến 35% mức học phí.

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ThS Bùi Quang Trung - trưởng phòng truyền thông và marketing - cho hay bên cạnh những suất học bổng có giá trị từ 20 đến 100% hoặc các gói hỗ trợ đầu năm 5-7 triệu đồng, nhà trường còn hỗ trợ sinh viên qua việc giới thiệu các công việc làm thêm phù hợp với ngành nghề đang học. 

Sinh viên sẽ có thu nhập để trang trải học phí, sinh hoạt phí và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng mềm.

Giảm phụ thuộc vào học phí

TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết từ nguồn thu của tự chủ đại học, trong nhiều năm qua trường đã nâng cao được chất lượng đội ngũ giảng dạy. 

Trước hết, trường giữ chân được các giảng viên giỏi, năng lực tốt ở lại tiếp tục đào tạo và xây dựng chương trình. Từ đó, chất lượng đào tạo liên tục được tiến bộ, thu hút ngược trở lại số người học mới.

Ông Hùng cho biết thêm khi đã có điều kiện, trường bắt đầu tính đến việc đa dạng nguồn thu, không thể dựa hoàn toàn vào học phí. 

Với thế mạnh có những thầy cô là các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực kinh tế, trường đã thực hiện nhiều dự án tư vấn hay chuyển giao cho các doanh nghiệp, các địa phương. Hiện các nguồn thu ngoài học phí của trường đạt 30% tổng nguồn thu và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Với Trường ĐH Bách khoa, từ năm 1994, trường đã thành lập những trung tâm về kỹ thuật để cùng thực hiện các dự án với các doanh nghiệp. 

Gần đây, trường cũng đã thành lập một công ty khoa học công nghệ thuộc sự quản lý của nhà trường, có thể chuyển giao các đề tài nghiên cứu của giảng viên. Các nhóm nghiên cứu của trường cũng kết nối với các dự án của Chính phủ và địa phương. 

Theo phó hiệu trưởng Trần Thiên Phúc, cho tới nay, nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao này chiếm từ 10 - 15% tổng nguồn thu của trường.

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng vấn đề kết nối với doanh nghiệp hay các tổ chức cho các mục tiêu phát triển của trường sẽ giúp thêm nguồn lực cho phát triển. 

Chẳng hạn, Trường ĐH Văn Hiến trong thời gian qua kết hợp với một số doanh nghiệp của cựu sinh viên trong việc đầu tư một số hạng mục hạ tầng, phòng ốc. 

Hay thông qua các tổ chức ngoại giao, trường đón được các giảng viên bản địa chất lượng đến từ Hàn Quốc hay Nhật Bản sang hỗ trợ giảng dạy cho sinh viên ở các môn liên quan, trong đó nhiều thầy cô giỏi giảng dạy tình nguyện.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Trung nhấn mạnh một vấn đề khác mà các trường đại học cần lưu tâm là tối ưu hóa chi phí trong trường đại học. Khi các chi phí được sử dụng hiệu quả tối đa, cắt giảm được những phần không thật sự thiết yếu, trường đại học có thể tính toán ra mức học phí hợp lý hơn cho sinh viên.

Tự chủ không có nghĩa là tự túc

ThS Trần Nam đặt vấn đề các đại học và doanh nghiệp có thể cùng nhau dần hình thành văn hóa hiến tặng trong nhà trường. Ở các nước phát triển, nguồn thu từ hiến tặng có thể chiếm phần lớn doanh thu của trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo ông Nam, phần nhiều những người có tiền thường chuộng những hình thức làm từ thiện hay góp tiền các cơ sở tôn giáo hơn là hiến tặng cho đại học.

Muốn vậy, Nhà nước cần có những cơ chế như giảm hay miễn thuế trên các khoản hiến tặng cho giáo dục để khuyến khích hoạt động này ở các cá nhân, doanh nghiệp.

TS Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021, nêu quan điểm khái niệm "tự chủ" đại học nên được hiểu khác với "tự túc" đại học.

Nhà nước vẫn có thể cấp kinh phí thông qua những chương trình, dự án cho trường đại học đúng với những mục đích và định hướng phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài ra, ông Cảnh cho rằng các thủ tục Nhà nước cho sinh viên vay vốn học đại học cần thông thoáng hơn, tránh tình trạng sinh viên rất khó tiếp cận vì cơ chế quá rối rắm.

1.000 suất học bổng chờ tân sinh viên

Tại buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - thông tin về học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2022 dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm 2022 đánh dấu cột mốc 20 mùa học bổng được tổ chức, dự kiến chương trình sẽ trao khoảng 1.000 suất học bổng với mỗi suất 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng. Tân sinh viên có thể tìm hiểu và nộp hồ sơ học bổng tại https://tiepsuc.tuoitre.vn/tiep-suc-den-truong

Trường đại học đa dạng nguồn thu để giảm học phí bằng cách nào? Trường đại học đa dạng nguồn thu để giảm học phí bằng cách nào?

TTO - Đó là một trong những câu hỏi nóng được đặt ra trong tọa đàm 'Để học phí không đè nặng người học' do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-8.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên