03/08/2013 05:39 GMT+7

Khiêm và những giai điệu lặng

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Có một lần thấy mẹ Thảo khóc rất nhiều, đám con câm điếc ngơ ngác “múa dấu” hỏi nhau: “Sao mẹ khóc?”. Đến khi biết lý do, chúng ôm lấy mẹ, ra dấu cho mẹ hiểu rằng: “Không sao, chúng con đều nghe được”...

JW6y3iX4.jpgPhóng to
Khiêm (thứ hai từ trái) và mẹ (bìa trái) tập hát bằng thủ ngữ với các bạn trẻ câm điếc - Ảnh: Thuận thắng

Lọt thỏm trong một khu chung cư sầm uất là căn hộ cũ kỹ của đại gia đình câm điếc - như cách gọi của người dân quanh khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 (TP.HCM) - của bà Phạm Cao Phương Thảo. Cứ vào mỗi buổi chiều tối, nhà bà Thảo lại rộn ràng tiếng cười đùa ú ớ của những bạn trẻ trên dưới 20 tuổi. Tuy bà Thảo mới đến khu chung cư này khoảng hơn một năm nhưng nhiều người biết đến bà vì bà là một cô giáo rất đặc biệt: cô giáo của những học trò câm điếc. Con trai bà Thảo, cũng là một người câm điếc, từng là thủ khoa ngành hội họa Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2009, đang học năm 4. Đó là Đoàn Phạm Khiêm. Khiêm cũng là một giáo viên thủ ngữ có chứng chỉ giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam do Sở GD-ĐT Đồng Nai và Trường ĐH Gallaudet (Mỹ) cấp.

Nghe bằng trái tim, hát bằng ký hiệu

Ngày ngày vào các buổi sáng, lớp học của bà Thảo có chừng vài chục cô cậu học trò đến học thủ ngữ - ngôn ngữ ký hiệu ra dấu của người câm điếc.

Chàng trai có tâm, có tài

“Không có ngôn ngữ là không có tất cả” - (triết gia Aristotle) - Khiêm đã chứng tỏ điều ngược lại, ngôn ngữ không phải là rào cản cho tất cả đam mê, khát vọng của anh. Trong cuốn sách ảnh Tâm và tài - họ là ai?, Khiêm đã trở thành một gương mặt tiêu biểu cho bạn trẻ câm điếc cả nước có mặt trong sách.

Tuy là một người câm điếc nhưng Khiêm chia sẻ anh là người may mắn vì có mẹ đồng hành cùng anh trong lúc anh hụt hẫng nhất, dìu dắt Khiêm trưởng thành, tự tin như hôm nay. Chính vì vậy, Khiêm và mẹ đã cùng nhau tổ chức một nhóm tự phát có tên “Tổ chức cộng đồng câm điếc TP.HCM” vào cuối năm 2009 để giúp đỡ những người câm điếc nghèo khó, nhập cư không nghề nghiệp, không học hành. Hơn hết là tạo một cộng đồng nhỏ để các bạn trẻ câm điếc có thể chia sẻ khó khăn, không rơi vào bi quan, lạc lõng trong thế giới lặng lẽ của mình.

Hôm nay lớp rất vui, họ đang tập những bài hát do Khiêm biên dịch sang ngôn ngữ ký hiệu. Để làm được điều này, Khiêm đã phải nhiều năm liên tục tìm tòi biên soạn một bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu chung cho cộng đồng câm điếc Việt Nam. Nhóm bạn trẻ cùng nhau “múa dấu” biểu đạt cảm xúc về những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các bài hát về quê hương. Những đôi tay và đôi mắt nồng nàn, rưng rưng...

Khiêm là người đã nghĩ ra dự án “Học ngôn ngữ ký hiệu bằng âm nhạc” cho người câm điếc. Khiêm chia sẻ: “Trong thế giới lặng của những người câm điếc, họ khao khát được nói chuyện với cộng đồng, được chia sẻ tâm tư, tình cảm như một người bình thường. Và hơn hết, họ cũng muốn cất lên những giai điệu âm nhạc làm lay động lòng người”. Qua việc dạy hát, Khiêm còn biên soạn giáo án dạy ngôn ngữ ký hiệu để xóa mù chữ cho các bạn trẻ câm điếc, giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Ý tưởng về dự án này được bắt đầu trong một lần Khiêm và các bạn thấy mẹ khóc. Khi hỏi vì sao mẹ Thảo khóc, bà nói vì mỗi lúc bà nghe nhạc, bà cảm thấy rất thương tụi nhỏ cứ ngơ ngác ngồi “múa dấu” với nhau như đang trong một thế giới khác. Dù lũ trẻ cố giải thích là chúng “nghe được” nhưng bà biết hai chữ “nghe được” chỉ là một lời nói dối để bà vui hay một ước mơ mà con bà và bạn bè nó không bao giờ có được. Chính vì vậy, bà Thảo rất ủng hộ Khiêm khi anh đưa ra dự án “Hát bằng ngôn ngữ ký hiệu”.

Đĩa nhạc cho người câm điếc

Dự án “Học ngôn ngữ ký hiệu bằng âm nhạc” của Khiêm bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2013. Sau khi cùng với các bạn tập các bài hát bằng ngôn ngữ ký hiệu, “ban nhạc” của thầy Khiêm câm điếc được nhiều người ủng hộ. Khiêm đang ấp ủ kế hoạch thực hiện một album nhạc dành riêng cho người câm điếc. Đó cũng là đĩa nhạc có thể kết nối người nghe nói bình thường với cộng đồng câm điếc. Vì ngoài hội họa, Khiêm tin rằng âm nhạc cũng là một thứ ngôn ngữ có thể giúp cộng đồng câm điếc đến gần với mọi người hơn. Dự án này do Khiêm và mẹ tự gom góp tiền thực hiện nhưng mới chỉ trong giai đoạn đầu vì còn chưa đủ kinh phí để thu âm và phát hành đĩa.

Khó khăn trong việc biên dịch ngôn ngữ ký hiệu từ lời các bài hát không trở thành rào cản với chàng trai trẻ đầy tâm huyết Đoàn Phạm Khiêm. Với vốn từ của người câm điếc giới hạn trong 1.600 từ, Khiêm đã cần mẫn dịch được gần 10 bài hát cho các bạn tập. “Tôi rất thích những bài hát thầy Khiêm dạy. Tôi cũng muốn giỏi như thầy để sau này giúp đỡ những người câm điếc khó khăn khác” - Võ Ngọc Hiếu, một học trò câm điếc mới 21 tuổi, nhà ở quận 4, tâm sự.

Ngoài dự án âm nhạc cho người câm điếc, Khiêm cũng làm một loạt dự án khác được nhiều người câm điếc ủng hộ như vẽ tranh phòng chống xâm hại tình dục cho bạn nữ câm điếc, quyên góp cho người câm điếc gặp khó khăn, tìm việc làm cho người câm điếc. Dù phải bù đầu cho việc theo học năm 4 ở Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM nhưng Khiêm vẫn dành hầu hết thời gian ở nhà cho các dự án. “Ngày nào nó cũng thức tới 1-2g khuya làm việc, sáng lại dậy đón xe buýt đi học nhưng được cái rất vô tư, lúc nào cũng cười đùa và không quên vẽ” - bà Thảo vui vẻ nói về cậu con trai.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên