Khi trường thành chợ - Kỳ 2: “Cuộc chiến” tìm đường vào trường

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Bảng tương tác, bộ sản phẩm phòng thí nghiệm di động, phần mềm nhập điểm, sổ liên lạc điện tử, máy in, máy tính, camera... để vào được cổng trường, đều phải trải qua cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Một tiết học với bảng tương tác - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học với bảng tương tác - Ảnh: Như Hùng

Ngoài các thiết bị đắt tiền, trường học cũng là miếng mồi ngon để các doanh nghiệp vừa và nhỏ giới thiệu, bán các sản phẩm gia dụng, đồ dùng như bàn ghế học sinh, đồ chơi, học cụ, chăn màn gối nệm, đồng phục, đồ trang trí...

Hàng chục loại bảng tương tác

Ngoài 1.000 bộ bảng tương tác do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC đầu tư theo chương trình xã hội hóa của UBND TP.HCM (phụ huynh trả góp 50% giá trị bộ bảng), hiện các công ty kinh doanh bảng tương tác đang chạy đua tiếp thị sản phẩm của mình vào trường học.

Đầu năm học 2014-2015, nhiều trường thông báo cho phụ huynh đóng tiền mua bảng tương tác với nhiều thương hiệu khác nhau để tăng thêm lượng bảng tương tác cho học sinh (vì số lượng bảng đang có ít, học sinh đông, giáo viên khó bố trí). Cơn lốc bảng tương tác “quét” qua tất cả trường học thuộc các cấp học khác nhau, từ nội thành đến nông thôn.

Tại Trường tiểu học N (TP.HCM), nhà trường tổ chức hội thảo về lớp học tương tác (sử dụng bảng tương tác) dành cho phụ huynh có con sắp vào lớp 1.

Sau buổi hội thảo, phụ huynh được phát giấy đăng ký với nội dung: “Tôi đã được phổ biến và hiểu rõ mô hình lớp học tương tác. Tôi tự nguyện viết đơn này đăng ký cho con tôi học mô hình này”. Những phụ huynh viết giấy này đồng nghĩa với việc sẽ đóng gần 900.000 đồng/học sinh/năm, kéo dài trong năm năm để con mình được xếp vào lớp có sử dụng bảng tương tác.

Bộ bảng tương tác của Công ty IuEdu được nhà trường chọn lựa do đã tích hợp sẵn giáo án điện tử (cô không cần phải tự soạn) có giá 143,5 triệu đồng/bộ, hằng năm trường còn phải trả phí bản quyền cho việc sử dụng bộ giáo án này.

Hiện nhà trường đã có bảy bộ bảng tương tác của hãng này, bên cạnh ba bộ của Công ty cổ phần mạng trực tuyến Việt Sin (có giá 98 triệu đồng/bộ) và bốn bộ do Công ty AIC cung cấp nằm trong chương trình xã hội hóa.

Tại trường này, có hiện tượng một số phụ huynh tham gia năm đầu tiên sau đó không kham nổi khoản tiền đóng góp, hoặc thấy không hiệu quả đã xin ngưng đóng tiền và chuyển qua lớp học bình thường.

Một số trường ở các quận trung tâm cũng chi những khoản tiền khá lớn để tăng số lượng bảng tương tác với lý do: lớp này học bảng trắng (bảng tương tác), lớp kia học bảng đen sẽ không công bằng.

Có những trường 80-100% phòng học đã trang bị bảng trắng trong năm học này, dù chi phí mỗi bộ bảng lên đến cả trăm triệu đồng.

Các doanh nghiệp tiếp thị bảng tương tác ra sao?

Đầu năm học 2012-2013, Công ty IuEdu được ngành giáo dục đồng ý thí điểm dạy học bằng bảng tương tác cho năm lớp 1 của năm trường tiểu học trên địa bàn.

Trước đó, Công ty Việt Sin cũng tặng một số trường tiểu học mẫu “bảng trắng” để dùng thử. Sau đó, hàng loạt buổi hội thảo, tập huấn được tổ chức mà khách mời là ban giám hiệu các trường học.

Nếu không thông qua các cấp quản lý, doanh nghiệp có thể đến tìm gặp trực tiếp hiệu trưởng, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh để giới thiệu sản phẩm.

Tại Củ Chi, một đại diện ban giám hiệu cho biết vừa được Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ NT (trụ sở quận 1) chào hàng và gửi báo giá bảng tương tác, máy chiếu, máy in, máy photocopy, tivi và camera. Trong đó, bộ bảng tương tác có giá khá hấp dẫn là 41,9 triệu đồng/bộ.

Hiện có hàng chục nhãn hiệu bảng tương tác với đủ loại giá thường xuyên chào mời ban giám hiệu các trường tiểu học và trung học, đáng nói là khá nhiều trường mầm non cũng chạy đua sắm loại bảng này. Cách mà các trường thường triển khai là tổ chức giới thiệu cho phụ huynh rồi đưa vào công trình “tài trợ” của từng lớp để thu tiền.

Đủ kiểu bán thiết bị

Trước thềm năm học mới 2014-2015, 200 giáo viên, chuyên viên phòng giáo dục phụ trách bộ môn khoa học ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận được mời tham gia một chương trình tập huấn về phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh, kéo dài hai ngày.

Tuy nhiên, mấu chốt của hoạt động này lại là giới thiệu một bộ sản phẩm mang tên “phòng thí nghiệm di động” có giá lên tới hơn 300 triệu đồng/gói (dành cho một trường). Nếu mua lẻ, một thiết bị thí nghiệm có giá trên 30 triệu đồng. Để một lớp hoạt động phải mua ít nhất sáu cái để học sinh làm việc nhóm (trên 180 triệu đồng/lớp).

Giá sẽ giảm nếu các tỉnh thành hay đơn vị đặt mua với số lượng lớn. Người tham dự được thử làm việc với bộ thiết bị này, kết nối với máy vi tính và máy tính bảng trong một phòng học “mẫu”. Trước đó công ty đã tài trợ bốn bộ thiết bị này cho bốn trường học ở bốn thành phố lớn. Hoạt động này sau đó được triển khai tại một số tỉnh thành khác.

Một hiệu trưởng đã nghỉ hưu tại Q.Tân Bình chia sẻ: “Thời điểm máy chiếu, màn chiếu còn thịnh hành, trường phải tiếp khá nhiều đơn vị chào mời với giá thiết bị rất phong phú. Sau đó lại đến thời của tivi, LCD, các trung tâm điện máy lại chào rất nhiều phương án giá, chiết khấu với số lượng lớn. Tuy nhiên, không phải hiệu trưởng nào cũng quyết việc mua thiết bị, nếu đúng quy tắc thì hiệu trưởng phải trình phương án giá lên cấp trên để phê duyệt (không trình tên đơn vị cung cấp), sau đó dựa trên mức giá được duyệt để chọn nhà cung cấp”.

Trong khi đó tại Gò Vấp, quận có khá nhiều trường học có 100% phòng học gắn màn hình LCD, một phó hiệu trưởng kể: “Có một đợt rộ lên phong trào mua sắm LCD, phụ huynh kêu quá trời nhưng vì hưởng ứng phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nên các trường vẫn ồ ạt sắm thiết bị. Các trung tâm, công ty điện máy chen nhau giới thiệu sản phẩm và cạnh tranh dữ dội bằng các mức chiết khấu, quà tặng, quyền lợi về sau...”.

Nhiều mức chiết khấu

Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại Q.Tân Phú cho biết giá cả các loại đồ chơi ngoài trời rất khác nhau (tùy hãng, hàng nội, hàng trong hay ngoài khu vực ASEAN), nhưng mức chiết khấu cao thường đến từ các loại đồ chơi xuất xứ các nước trong khu vực, có khi mức chiết khấu so với giá thành từ 20-25% (mua lẻ), mua với số lượng nhiều thì mức chiết khấu cao hơn.

Với những thiết bị là đồ gỗ, nếu hàng trong nước thì mức chiết khấu thấp, nhưng hàng gỗ rẻ tiền do các công ty chưa tiếng tăm chào bán thì mức chiết khấu có khi đến 30% so với giá chào bán.

MỸ DUNG

Công ty nhỏ nhờ “ông lớn” thâm nhập trường học

Theo tiết lộ của hiệu trưởng một trường mầm non công lập mới thành lập tại TP.HCM, chỉ riêng danh mục trang thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi ngoài trời, chi phí mua sắm của trường trong năm học 2014-2015 ước gần 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các thiết bị này trường không trực tiếp đấu thầu hay mua sắm mà chỉ là đơn vị thụ hưởng. Ban quản lý dự án quận, huyện sẽ là nơi đấu thầu. Đáng nói nhà cung cấp của rất nhiều loại thiết bị cho trường mầm non này, từ đồ chơi ngoài trời (nhà nhựa, cầu tuột, xích đu...) đến thiết bị đồ dùng dạy học (bàn, ghế học sinh, kệ gỗ, giường cá nhân, chăn cá nhân...) đều do một công ty cung cấp dù công ty này trước đây chỉ chuyên cung cấp thiết bị công nghệ.

Một vài hiệu trưởng trường mầm non công lập cho biết đây là “cách” bán hàng mới của một số công ty tư nhân chuyên cung cấp trang thiết bị cho trường mầm non hiện nay ở TP.HCM.

Các công ty này không trực tiếp bán hàng trong các trường như trước, mà thường ký kết với công ty lớn hơn, có tiếng tăm...

Công ty lớn và có tiếng tăm này sẽ làm việc với cấp cao hơn trường và ký kết cả dự án cung cấp thiết bị cho nhiều trường, giống như một nhà thầu thiết bị vậy. Với hình thức này, hiệu trưởng các trường công lập không nắm được mức chiết khấu (hoa hồng).

MỸ DUNG

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên