29/08/2017 07:19 GMT+7

​Khi ta sống cuộc đời… mà người khác muốn

CA DAO
CA DAO

TTO - Hỏi một sinh viên ĐH năm tư: Gần ra trường rồi, em có định hướng nghề nghiệp gì chưa? Đáp: Chưa, chắc em về quê xin làm ở đâu đó như ba mẹ muốn.

Ảnh: MakeMeFeed
Không ít bạn trẻ hiện nay thích ngành A nhưng phải học ngành B chỉ vì không muốn mang tiếng "cãi lời cha mẹ" - Ảnh minh họa: MakeMeFeed

Có một thực tế là cuộc đời là của chúng ta, nhưng lắm khi chúng ta lại sống do kỳ vọng của người khác chứ không phải do bản thân chúng ta đặt ra. 

Nhất là những quyết định liên quan đến sự nghiệp thì lắm khi lời khuyên/mong muốn của cha mẹ, thầy cô lẫn gợi ý của bạn bè/người thân trở thành một kỳ vọng mang tính áp đặt đối với chúng ta.

Những lựa chọn ấy thường sẽ là: lương cao, việc nhàn, tính ổn định, nghề này được xã hội trọng vọng, nghề thời thượng, hoặc là truyền thống gia đình.

Bản chất những từ trên cũng mang nghĩa tích cực…vì ai cũng vậy thôi, mong tốt cho con mình, trò mình (theo cách nghĩ của mình). Nhưng nhiều khi, nó đi ngược lại với điều thôi thúc bên trong mỗi người, bên trong bản thân chúng ta.

Và rồi thành ra, những từ ấy trở thành cái khuôn đóng khung chúng ta lại trong những vùng an toàn, trong những khu vực thoải mái… mà kỳ thực đang làm chúng ta bị bào mòn, dang dở những ước mơ cuộc đời, và thế là ta chọn cách sống một cuộc đời nhàn nhạt… miễn không phụ lòng người thân.

Sau đó, khi hối tiếc vì chưa làm được điều gì đó, hoặc ganh tị với ai đó làm được điều chúng ta muốn làm, chúng ta sẽ tự biện minh, rằng, vì thế nọ, tại bởi thế kia…

Trong cuốn sách Sống như ngày mai sẽ chết, tác giả Phi Tuyết (sinh năm 1990) có viết một ý rằng, trong cuộc đời của mình, mình phải là tác giả kịch bản, là đạo diễn và viết lên cho chính mình cuốn phim cuộc đời mà mình cũng sẽ đóng vai chính. Và đã đóng vai chính, nghĩa là phải nắm lấy quyền chủ động.

Hôm rồi có dịp gặp một bạn sinh viên năm thứ 4 của một trường đại học, tôi hỏi: “Gần ra trường rồi, em có định hướng nghề nghiệp gì chưa?”. Câu trả lời không làm tôi bất ngờ, rằng chưa, rằng có thể bạn sẽ về quê xin một công việc nào đó vì ba mẹ muốn thế, dù bạn muốn ở lại nơi này bay nhảy thêm một thời gian, tìm kiếm những công việc phù hợp.

Tôi hỏi: “Thế em thích làm gì?” Bạn kể cho tôi về giấc mơ muốn làm một MC truyền hình. Rằng bạn đã đọc nhiều tài liệu về thuyết trình trước đám đông, từng đi casting để tập dạn dĩ… Nhưng chắc để ba mẹ vui, bạn cứ sẽ về quê làm việc gì cũng được… còn giấc mơ MC để đó tính sau.

Vậy đó, làm ba mẹ vui. Đó là điều nên làm. Nhưng vì làm ba mẹ vui mà con cái phải hy sinh cả ước mơ sao? (Lúc này, có thể sẽ có người “bật” lại: thế ba mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái thì sao).

Sẽ may mắn, nếu mong muốn, nếu sự thôi thúc bên trong của chúng ta cũng là điều mà cha mẹ, thầy cô kỳ vọng, chờ đợi, khuyến khích.

Nhưng có một thực tế là: hoặc chúng ta xấu hổ, rụt rè, không dám nói ra điều ta thích; hoặc sự bảo bọc, sự định hướng, sự cầm tay chỉ việc, sự nói phải làm thế này, cần làm cái kia quá lớn xung quanh đã làm triệt tiêu cái quyền dám bộc lộ, dám chia sẻ của mỗi người… Thành ra, thiếu sự thấu hiểu, thiếu sự cảm thông… giữa chúng ta và người lớn.

Một điều khác nữa, là cũng có những người lớn vì nghĩ rằng điều đó là tốt, là cần nên cũng chỉ khư khư áp đặt suy nghĩ, mong muốn mà không chịu "đặt chân vào giày người khác" để hiểu rằng điều mình muốn nào phải là điều người ta muốn. Con cái không nghe theo, sẽ gán cho những từ như bất hiếu, "con cãi cha mẹ trăm đường con hư".

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Vậy trước ngưỡng cửa cuộc đời như chuẩn bị ra trường, chuẩn bị nộp đơn vào một nơi nào đó, ta có kịp hình dung giấc mơ của ta là gì, mục tiêu của chúng ta là gì?

Còn bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy, làm cô... liệu đã hiểu tâm hồn, ước mơ con trẻ?

CA DAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên