Cha mẹ luôn là bạn đồng hành cùng trẻ - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN
Làm bạn với con để nghe được lời chân thật con nói ra, nói dễ mà làm đâu ra đó thì khó vô cùng.
Làm bạn với con, không dễ
Cha mẹ phải điều chỉnh rất nhiều thói quen, lối suy nghĩ, từng việc nhỏ như ngồi - đứng ngang tầm mắt của con khi nói chuyện, lắng nghe ý kiến và lựa chọn của con trước khi đưa ra quyết định, cho phép con được thử và sai...
Bạn sẽ làm gì với một đứa trẻ 8 tuổi luôn thích lo việc của người khác, xăng xái, chuyện gì cũng muốn có ý kiến, muốn làm cùng? Tôi thấy nhiều người bực mình, phiền lòng với sự nhanh nhẩu, nhiệt tình này. Người thì quát lên, người thì than phiền, dĩ nhiên còn có bày tỏ lòng biết ơn em một cách... chiếu lệ.
Có những em nhỏ hay kể lể chuyện ở trường, méc đủ thứ chuyện khiến mẹ em không thích. Và người lớn cắt ngang câu chuyện hoặc hời hợt gắt gỏng "Chuyện đó có gì mà nói!" mà buồn! Có những đứa trẻ thật sự muốn khóc trong an toàn trong vòng tay của cha mẹ, nhưng điều này em chỉ nói với bạn hoặc viết nhật ký.
Những ấm ức lớn dần
Tôi từng bị đòn đau, bị trách mắng tôi nuôi những ấm ức trong lòng. Tôi thấy mình bị đối xử bất công, bị coi thường chính trong nhà mình. Những lời nói từ người thân đã hằn trong tâm trí và cảm xúc tôi một điều là tôi vô dụng, tôi xấu xí...
Tôi nhớ hết những điều (tôi cho là tàn nhẫn) với mình, tôi khát khao được khen ngợi như những trẻ khác nhưng tôi không nói ra và càng co mình lại. Bằng cách nào đó, khi tôi bị đòn và bị la mắng vô lý, tôi vẫn nhìn thấy được còn có mẹ yêu thương tôi. Nhờ đó, tôi vượt qua những tổn thương và đau đớn trong suy nghĩ để có ngày nhìn lại chuyện đã qua của chính mình.
Em họ của tôi, một chàng trai 27 tuổi, đã dùng hết dũng cảm để viết thư cho chị bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc khó khăn sau 5 tháng giãn cách.
Nhận thư của em, tôi đã khóc vì cảm thấy biết ơn em đã vượt qua 20 lần nháp để có thể nói ra tâm tư của mình. Và em đã tiếp tục viết bức thư đầu tiên gửi cho ba mình để chuyện trò mọi chuyện bình tĩnh cùng ông.
Nếu thấy khó khăn để mở lời với nhau, bạn có thể chỉ cần bắt đầu với một tờ giấy nhắn. Với con trẻ, một biểu tượng mặt cười thôi cũng đủ cho đứa con yêu quý hiểu rằng cha mẹ đang muốn kết nối và lắng nghe con.
Những cái ôm, nắm tay hay ngồi cạnh như một cách sạc pin, cách xua đi những mệt mỏi cho cả cha mẹ con cái. Khi người lớn không ngại thừa nhận mình mắc sai lầm, sẵn sàng xin lỗi người khác thì con trẻ cũng sẽ cởi mở hơn, sống thật hơn, tự học cách nhận sai, sửa đổi và sống cởi mở hơn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 40 giây lại có một người tự tử, người trẻ có khả năng tự tử cao hơn người già và trung bình mỗi ngày khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8 - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là rối loạn trầm cảm với tỉ lệ thường gặp trong khoảng 3 - 8%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận