20/02/2017 11:00 GMT+7

Khi sân bóng là của những cô gái

NGUYÊN KHÔI - HUY ĐĂNG
NGUYÊN KHÔI - HUY ĐĂNG

TT - Chiều 19-2, một góc cụm sân bóng mini Chảo Lửa (Q.Tân Bình, TP.HCM) rộn rã lạ thường với những tràng hò hét khản đặc của các cô gái - không phải đến để cổ vũ bạn trai thi đấu như mọi khi, mà chính họ là những người ra sân đuổi theo trái bóng.

Những bóng hồng của Arsenal Ladies tích cực tập luyện trước giải. Ảnh: N.K.
Những bóng hồng của Arsenal Ladies tích cực tập luyện trước giải. Ảnh: N.K.

Đó là giải bóng đá phong trào Arsenal Ladies Open 2017, do các thành viên nữ của hội CĐV Arsenal đứng ra tổ chức. Giải có quy mô 8 đội, gồm đội chủ nhà Arsenal Ladies và các trường ĐH ở TP.HCM gồm ĐH Bách khoa, Công nghiệp, Công nghệ, Sài Gòn, Sư phạm, Sư phạm TDTT và Tôn Đức Thắng. Tám đội bóng chia làm 2 bảng, thi đấu vòng tròn, mỗi bảng chọn ra 2 đội vào bán kết. Giải diễn ra mỗi ngày cuối tuần trong thời gian 5 tuần lễ.

Không còn cảnh phải đi “đá ké”

Đó không hẳn là lần đầu tiên sân banh Chảo Lửa chứng kiến việc các bạn gái mặc “quần đùi áo số”, cũng không hẳn là lần đầu các nữ cầu thủ tự tổ chức cho mình một sân chơi phong trào... Nhưng việc những cô gái mê bóng đá ở Sài Gòn, đến từ nhiều trường ĐH, làm nhiều ngành nghề khác nhau quy tụ lại trong một sân chơi bóng đá phong trào mang không ít yếu tố chuyên nghiệp - có nhà tài trợ, có cả tổ chức họp báo - quả rất “lạ mắt”.

Arsenal Ladies Open 2017 hầu như chỉ dành cho những người mê bóng đá phong trào, với mỗi đội được đăng ký một cầu thủ chuyên nghiệp từng tham gia các giải bóng đá hoặc futsal cấp thành phố trở lên. Nhưng theo giải thích của Ngô Hồng Nhung - trưởng ban tổ chức giải, quy định này chỉ nhằm giúp một số cựu cầu thủ đã giải nghệ từ lâu được tham gia chơi cùng. “Nhiều bạn sinh viên từng có 1, 2 năm đá ở các giải chuyên nghiệp nhưng đã nghỉ đá từ lâu, theo học ngành khác. Nếu chỉ vì vậy mà không cho họ chơi cùng thì tội lắm” - Nhung giải thích.

Con gái thích chơi bóng là “của hiếm” trong bất kỳ một môi trường nào, nhiều lúc cả một trường học cũng không gom đủ một đội bóng đá nữ. Vì vậy, các bạn gái trót đam mê quả bóng tròn luôn rất “thèm” có được một sân chơi cho riêng mình. Lê Ngọc Yến, đội trưởng đội Arsenal Ladies, cho biết hồi còn nhỏ, cô thường phải xin vào chơi chung cùng các bạn trai trong xóm. Đến khi đã lập nhóm trong hội CĐV Arsenal Sài Gòn (AFCSG), nhóm của Ngọc Yến ban đầu cũng có rất ít thành viên, chỉ tầm khoảng 6, 7 người.

“Nhiều bạn nam trong hội thấy bọn tôi mê bóng đá nên rất ủng hộ, họ tổ chức đội đá chung với bọn tôi. Dù đều chỉ đá nghiệp dư cho vui nhưng thực sự rất khó để con gái chơi chung sân với con trai. Các bạn trai gần như chỉ là đá dợt; sút bóng, va chạm đều không dám dùng hết sức nên các trận đấu cũng không thực sự “đã” lắm” - Ngọc Yến nói.

Thế rồi sau 4 năm thành lập, nhóm bóng đá nữ trong hội CĐV Arsenal của Ngọc Yến, Hồng Nhung ngày càng nhiều người tham gia. Từ chỗ chỉ có 6, 7 thành viên ban đầu, hội nay đã quy tụ đến khoảng 30 bạn. Khi đã đông dần, nhóm quyết định đứng ra thành lập một giải đấu cho riêng mình. “Chúng tôi tham gia nhiều giải do các hội CĐV tổ chức rồi mà vẫn chưa thỏa mãn mong muốn của mình - đó là có một sân chơi đúng nghĩa. Vì thế, chúng tôi ấp ủ cần phải tổ chức một giải đấu mà ở đó, các CĐV thật sự sẽ chơi bóng cùng nhau. Năm nay, sau khi tham khảo ý kiến từ các anh chị Hội CĐV Arsenal tại VN và TP.HCM, chúng tôi quyết định mở một giải đấu dành cho các bạn sinh viên nhằm tạo sân chơi gắn kết cho các bạn nữ cũng như môi trường thể thao tốt cho sức khỏe” - Hồng Nhung nói.

Là con gái ai lại đá bóng...

Để chuẩn bị cho giải đấu, các thành viên hoạt động rất tích cực. Họ tự đứng ra kêu gọi nhà tài trợ, tổ chức cả họp báo. Và rồi đến ngày tổ chức giải, sân Chảo Lửa rộn rã, sôi động với cả trăm CĐV, trong đó có không ít bạn nam. Chất lượng các trận đấu tuy thiếu đi tốc độ, sự mạnh mẽ như của nam giới nhưng vẫn rất hấp dẫn khi nhiều bạn nữ có kỹ thuật khá điêu luyện. Đó là thành quả từ những buổi tập luyện còn nhiều hơn cả dân đá bóng phong trào là nam giới.

Ngọc Yến cho biết mỗi tuần nhóm của cô tập luyện 2-3 buổi. Tập nhiều như vậy nên các bạn nữ trong đội dù đều là công nhân viên ở các ngành nghề khác nhau nhưng ai cũng có một nguồn thể lực dồi dào. Đến như Ngọc Yến - một người mắc bệnh tim bẩm sinh cũng đủ sức trụ trên sân suốt một trận 40 phút, chia đều làm 2 hiệp. Cô gái 29 tuổi này kể: “Hồi nhỏ mỗi lần tôi xem bóng đá trên tivi mẹ đều cấm không cho coi. Mẹ bảo: “Là con gái ai lại đi đá bóng...”, chưa kể ba mẹ còn lo lắng vì tôi vốn mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhưng tôi mê quá, thường trốn ra ngoài chơi đá bóng cùng các bạn trai. Sau này tôi còn tập vovinam. Khi lớn rồi, ý thức về bệnh tim của mình nên tôi chạy ít lại, bây giờ chủ yếu tôi chỉ làm hậu vệ, đứng trụ ở dưới chứ không dám chạy nhiều”.

Cũng giống như Yến, nhiều cô gái khác trong đội đã phải vượt qua những cấm đoán, định kiến từ phụ huynh và đôi lúc là những vấn đề về sức khỏe khó lòng đáp ứng nổi một môn thể thao mạnh bạo, nhiều va chạm như bóng đá. Họ không phải là dân thể thao chuyên nghiệp, chỉ có nhu cầu tạo ra một sân chơi thỏa mãn đam mê của mình. Và nếu Arsenal Ladies Open 2017 được ủng hộ tổ chức thường niên, các cô gái mê bóng đá ở Sài Gòn sẽ có một sân chơi như vậy.

Sân bóng cũng cần “hoa khôi”

Giải đấu có cả giải Miss AFCSG Ladies, dành cho cầu thủ có số điểm bình chọn cao nhất tại fanpage chính thức Hội nữ CĐV Arsenal tại TP.HCM - AFCSG Ladies Team. Các tiêu chí đánh giá, tính điểm như sau: cầu thủ phải mặc trang phục đội bóng mình thi đấu, chụp ảnh với backdrop hoặc banner giải đấu và gửi hình ảnh cho ban tổ chức để đăng tải trên fanpage. Mỗi đội tự ứng cử nhiều nhất 2 cầu thủ. Mỗi lượt like là 1 điểm, mỗi lượt share là 3 điểm (share ở chế độ công khai và chỉ áp dụng cho các tài khoản thật, được lập ít nhất trên 3 tháng). Thời gian bình chọn từ ngày 20-2 đến 15-3.

NGUYÊN KHÔI - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên