Phóng to |
Buổi đối thoại về hệ tại chức do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Siết chặt hệ tại chứcTrả lại sứ mệnh thực cho tại chứcKhông thể xóa hệ tại chức
Trước đó, vì thiếu nửa điểm đại học, nên tôi chuyển xuống học cao đẳng. Ra trường, tôi vừa đi dạy, vừa tranh thủ những khoảng thời gian cuối tuần để học tại chức. Với mong muốn là có được một tấm bằng đại học, và biết thêm kiến thức để giảng dạy.
Thành viên trong lớp học của chúng tôi gồm bốn mươi người, có nhiều người lớn tuổi, có cả người mới tốt nghiệp ra trường. Nói chung là có sự “không đồng đều” về tuổi tác, và cả những suy nghĩ. Nhiều môn học, nhiều kiến thức, có người tiếp thu tốt, cũng có người học xong hết học phần rồi mà...chẳng biết và chẳng nhớ gì hết! Những bài kiểm tra hay thi cử, đều là sự sợ hãi, lo lắng trên khuôn mặt học viên của một vài học viên lớn tuổi. Và những “thượng sách” bắt đầu bày ra.
Một trong những thượng sách đó, là kế hoạch mua quà cáp, và biếu phong bì cho thầy cô và những người liên quan, đến mấy chục học phần. Từ người giảng dạy, cho đến người tổ chức thời khóa biểu cho lớp, và cả giám thị hành lang coi thi.
Cứ thế hàng tháng, học viên phải nộp nhiều khoản tiền khác nhau. Tiền học phí, tiền bồi dưỡng cho thầy cô dạy, tiền cho người ra đề, tiền cho người coi thi... Mọi khoản tiền đều được bỏ lịch sự vào phong bì và lớp cử đại diện đến nhà thầy cô.
Có một vài thành viên trong lớp tôi, tỏ ra khá bức xúc quanh việc này. Nhưng “phép vua thua lệ làng”, hay “thiểu số phải phục tùng đa số”.
Không mặn mà với “kế hoạch hoàn hảo” mà lớp đề ra, nhưng tôi cũng thử tham gia một lần xem sao. Tôi đến nhà thầy giáo nọ, cùng với vài ba người trong lớp để “thăm dò” sở thích, sinh hoạt của từng thầy giáo dạy trong lớp tại chức. Có thầy thích nuôi chim kiểng, có thầy thích nuôi cá, nuôi tôm cảnh, có thầy thích trưng bày những món đồ trang trí đắt tiền. Có thầy không nhận gì cả, nhưng sáng hôm sau lên lớp, vừa giảng xong bài, vừa nhìn xuống lớp, buông một câu nói hiểu giỡn cũng được, thiệt cũng xong: “Ngày mai, tôi cần một vé máy bay về quê”. Thế là lớp tôi cử người ra sân bay đặt vé cho thầy.
Thế rồi cả lớp vận động nhau đóng những khoản tiền hết sức vô lý, để đi cửa sau đến nhà thầy, với ý nghĩ mong thầy cho qua môn đó, hoặc mong thầy đừng quá gay gắt với lớp.
Đa số những học viên trong lớp học tại chức đều đã đi làm, phần lớn làm ra tiền. Vừa đi làm vừa bận bịu việc nhà, gia đình và các mối quan hệ xã hội, nên không có thời gian để học bài, xem bài, như lúc còn là mấy cô cậu sinh viên chăm chỉ. Thay vào đó, họ vô tình biến hoạt động dạy và học trở thành hành động “kinh doanh” lén lút, việc dạy và học giống kiểu mua và bán.
Điều tôi băn khoăn và cảm thấy buồn nhất, đó là vào ngày thi hôm đó. Trong ví chỉ có 200.000 đồng, định dùng để ăn trưa, và xăng cộ đi đi về về. Nhưng trước giờ thi, bất ngờ “người bạn già” lớp trưởng của tôi bảo có cuộc họp gấp! Chữ “gấp” của người bạn đó làm tôi ám ảnh cho đến mấy ngày sau thi. Vẻ mặt hốt hoảng, cộng với bước chân bước vội của cậu lớp trưởng làm tôi thêm lo. Tôi cũng có mặt trong cuộc họp gấp, họp nóng đó, cùng với hơn ba mươi khuôn mặt hình dấu hỏi, đang chờ đợi câu trả lời.
Cậu lớp trưởng bắt đầu trình bày: Tớ nghe nói là thầy cô trường này coi thi khó lắm. Rớt nhiều hơn đậu. Thôi kệ, mỗi người góp 300.000 đồng, chúng ta sẽ bỏ phong bì cho các thầy cô coi thi. Để họ có thể cho lớp ta trao đổi, mở tài liệu. Chứ không rớt hết bây giờ.
- Nhưng ai sẽ là người đưa trực tiếp mấy phong bì ấy cho thầy cô coi thi? Một người bạn bất ngờ từ phía sau lưng tôi hỏi đến.
Tớ nghe lớp đàn anh “bật mí” thế này: - Sau khi giám thị phát giấy, một cậu xin thêm tờ giấy nữa. Giả vờ làm bài hai đôi giấy. Rồi “bí mật” kẹp phong bì vào đó và lên bảo biếu thầy cô.
Nghe đến đó, tôi cảm thấy hụt hẫng kinh khủng. Một sự giả tạo lan khắp phòng thi. Tôi nhìn một đám đông trong lớp nhao nhao đến nộp tiền. Trong đám đông ấy, vừa có những cái đầu lơ phơ tóc trắng, có đầu tóc đen nhánh nhốn nháo nộp và ghi tên, rồi bỏ vội vào phong bì. Tôi không bằng lòng với cách làm ấy cho lắm. Vì tôi nghĩ, đã đi học dù dưới bất kì hình thức nào, tại chức hay chính quy thì cũng phải tự lực cánh sinh, tự thân vận động, học mọi lúc mọi nơi. Như vậy ta vừa có kiến thức, vừa có thể có một tấm bằng đại học đúng nghĩa, để khỏi hổ thẹn với bản thân.
Nhưng những kì học trôi qua, rồi đến kì thi tốt nghiệp, những đề thi, cộng với thái độ của các giảng viên ở trường đại học, đều được trao đổi bằng những món quà, những phong bì. Những nụ cười nở bí hiểm trên khuôn mặt của người đưa và người nhận, làm tôi thấy có phần xót xa cho thực trạng học tại chức ở một số nơi. Còn đâu hình ảnh đẹp của người thầy gầy gò, mẫn tiệp cầm chiếc roi bên đám học trò, còn đâu hình ảnh của người thầy tận tụy bên những dòng chữ, nét phấn. Giá trị của người thầy sao trở nên nhỏ bé trước những món quà, và phong bì đến vậy?
Cuộc sống không phải có tiền là có tất cả. Nhưng sao, tôi nhận thấy rằng, dường như đồng tiền đã bắt đầu “bao cân” ở trường học một số nơi. Nó bao cân cả người dạy, người ra đề, và cả người coi thi. Còn người học, sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, chỉ là để cầm cho có, cầm để đối phó, còn những kiến thức trong chương trình thì không cánh nhưng đã vụt bay từ khi nào. Phải chăng ai đó từng nói: “Học tại chức, quên tại chỗ” rất đúng với trường hợp của lớp tôi, và một số nơi khác?
Cảm tưởng của bạn khi đọc bài viết này? Thực trạng này có diễn ra ở nơi bạn giảng dạy, hay học tập? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc bên dưới bài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận