05/03/2014 07:31 GMT+7

Khi nghệ sĩ đi bán vé

trunguyen-audio
trunguyen-audio

TT - Tối 3-3 tại Nhà hát TP.HCM, khi vở diễn Thị Hến của Nhà hát Tuổi Trẻ vừa kết thúc, trưởng đoàn - NSND Lê Khanh - cùng các diễn viên đều nán lại và ra tận cửa để chào, giao lưu và chụp hình lưu niệm với khán giả. Trước đó, để kéo được khán giả đến rạp, các nghệ sĩ đã không ngại đi tiếp thị và bán vé.

9hJSFuPo.jpgPhóng to
Cảnh trong vở Thị Hến - Ảnh: NHTT

Nhà hát Tuổi Trẻ vốn nổi tiếng là một đơn vị năng động bậc nhất trong giới sân khấu miền Bắc, với bốn đoàn kịch và ca múa nhạc hoạt động khá hiệu quả. Mấy năm vừa rồi tình hình kinh tế khó khăn nên nhà hát này không thể đưa quân vào Nam lưu diễn thường xuyên như trước. Lo sợ khán giả miền Nam đã dần quên mất cái tên Nhà hát Tuổi Trẻ nên ngay khi có cơ hội và điều kiện từ cuối năm ngoái, các đoàn kịch của nhà hát lại khăn gói trở lại miền Nam tái ngộ khán giả.

Tất bật đi bán vé, tiếp thị vở diễn

"Tôi phải tận dụng những mối quan hệ của mình để gặp gỡ các đối tác. Thường thì các cánh cửa đều mở ra với tôi dễ dàng hơn là với các em diễn viên trẻ"

NSND Lê Khanh

Tháng 11-2013, NSƯT Chí Trung đã dẫn đoàn kịch 1 vào diễn các vở Lời thề thứ 9 Mùa hạ cuối cùng của tác giả Lưu Quang Vũ. Ðến tháng 1-2014, NSND Lan Hương lần đầu tiên dẫn đoàn kịch thể nghiệm vào diễn các vở Tâm linh Việt, Nguyễn Du với Kiều, Hồn Trương Ba da hàng thịt. Và mới đây nhất, NSND Lê Khanh cũng lần đầu tiên làm trưởng đoàn dẫn quân đi lưu diễn miền Nam với chương trình Thị Hến du xuân.

So với các sân khấu miền Nam với lợi thế địa điểm và lịch diễn cố định hằng tuần, các đoàn kịch Bắc khi đi lưu diễn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm khán giả. Với mục tiêu phải lấp đầy các hàng ghế khán giả trong những ngày đoàn thuê rạp hát, không thể chỉ trông chờ vào những khán giả vãng lai đến mua từng chiếc vé lẻ, các nghệ sĩ trong đoàn từ người nổi tiếng đến diễn viên trẻ đều phải tích cực tận dụng những mối quan hệ của mình để bán vé tập thể, bán các suất diễn hợp đồng trọn gói hoặc nửa rạp theo "giá sỉ".

NSƯT Chí Trung là một nghệ sĩ có đầu óc nhạy bén trong việc kinh doanh. Sau tám năm không vào Sài Gòn lưu diễn kể từ năm 2005 nên trong lần Nam tiến mới đây, anh đã cho in cả số điện thoại của mình lên hàng ngàn tờ rơi của chương trình và sẵn sàng mở điện thoại 24/24 giờ để có thể trực tiếp... bán vé bất cứ lúc nào. Anh cũng đóng đô ở Sài Gòn trước đợt lưu diễn gần nửa tháng và mỗi ngày tích cực đến các cơ quan, đơn vị mình quen biết để mời họ mua vé tập thể.

Ðể bán vé cho chương trình Thị Hến du xuân, nghệ sĩ Thu Hương (khán giả hay gọi là Hương "tươi") cũng áp dụng phương thức này. Chị vào Sài Gòn trước đoàn khá lâu và mỗi ngày từ sáng đến chiều đi gặp gỡ các công ty, trường học, bệnh viện để giới thiệu về chương trình và các vở diễn của đoàn. Trước đây khi còn công tác ở Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Anh Tú mỗi lần vào Nam cũng lên kế hoạch đi tiếp thị vé rất bài bản. Nghệ sĩ càng nổi tiếng thì càng có "trọng trách" đi bán vé vì người mua cần "nhìn thấy mặt thì mới tin".

Tự thân vận động

Chương trình Thị Hến du xuân của đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục biểu diễn tại rạp Công Nhân (TP.HCM) từ ngày 4 đến 12-3 với các vở diễn: Thị Hến, Nhà có ba chị em gái, Nhà có năm anh em trai, Cầu vồng lục sắc, chùm hài kịch Phụ nữ ơi em là ai. Sau đó đoàn sẽ đi lưu diễn ở Đà Lạt (từ ngày 14 đến 17-3) và Đà Nẵng (ngày 20 đến 23-3).

Ngoài nhiệm vụ quan trọng là bán được nhiều vé để đảm bảo nguồn thu của đợt lưu diễn, các nghệ sĩ còn phải tự thân vận động trong nhiều công việc mới mẻ khác: quảng cáo, gặp gỡ báo chí, tự hoạch định tiền nong... Chí Trung, Anh Tú, Lan Hương, Lê Khanh đều là những nghệ sĩ danh tiếng và có uy tín với giới truyền thông nên đã tận dụng rất tốt lợi thế này.

Nếu như Chí Trung chịu khó gặp riêng từng phóng viên để cung cấp thông tin thì Lê Khanh lại có chút ngại ngần khi lần đầu tiên tự tổ chức một cuộc họp báo thông qua sự giới thiệu của những người bạn trong giới văn nghệ. Chị bảo: "Lâu nay những công việc tiếp thị, quảng bá, gặp gỡ báo chí đều có người khác làm. Trong 35 năm làm nghệ thuật, lần đầu tiên tôi đứng phát biểu ở vị trí đầu bàn nên thấy hơi lẻ loi!".

Việc ăn nghỉ, sinh hoạt của các thành viên trong đoàn cũng được tính toán tỉ mỉ để đảm bảo kinh phí. Ðợt lưu diễn tháng 11-2013, đoàn kịch 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ đã được một khách sạn tư nhân vừa mở nhưng chưa kịp khai trương cho ở với giá rất ưu đãi. Còn trong đợt lưu diễn Thị Hến của đoàn kịch 1 lần này, các nghệ sĩ cùng nhau tập và dựng vở mà không lĩnh lương, sau đó nhà hát duyệt và cho phép dàn dựng. Nếu vở diễn thành công, bán được nhiều vé và tuổi thọ được kéo dài thì các nghệ sĩ tham gia vở sẽ được hưởng thành quả thu được từ đợt lưu diễn. Ngoài ra, nếu đi về các tỉnh đôi khi diễn viên cũng phải ngồi trên xe và phát loa đi rao khắp phố phường để bà con biết mà đi mua vé, đơn giản là vì khán giả ở tỉnh ít đọc báo hay vào mạng.

NSƯT Chí Trung từng bảo lâu nay kịch Bắc không dám vào Nam vì... "sợ chết"! Rõ ràng khi bước ra khỏi địa bàn quen thuộc của mình và đi tìm một thị trường mới mà không có những "khách hàng thân thiết" thì rất khó. Vậy nên khi cái gì cũng tăng giá (trừ giá vé xem kịch) thì việc các nghệ sĩ đất Bắc buộc phải đa năng để nuôi nghệ thuật đã trở thành chuyện bình thường. Tuy nhiên, NSND Lê Khanh lại hi vọng đây chỉ là "chuyện bất thường" trong thời buổi khó khăn, vì người nghệ sĩ vẫn luôn đẹp nhất, hay nhất, giỏi nhất là khi đứng trên sân khấu.

HOÀNG OANH

trunguyen-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên