27/02/2014 02:15 GMT+7

Khi mặt nạ rơi xuống...

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
NGUYỄN THỊ MINH THÁI

TT - Bốn mặt nạ to lớn, đặt cao thấp choán hết phông hậu, hai câu đối song song thả xuống hai bên khu chính giữa sân khấu, gợi cảnh tượng một ngôi nhà dòng dõi thế gia trong phố cổ Hà thành.

4KOticxY.jpgPhóng to
Vở Lâu đài cát được tổng duyệt đêm 24-2, chính thức công diễn đêm 3-3 tại Nhà hát lớn Hà Nội - Ảnh: Nhà hát Kịch VN

Một không gian đặc Hà Nội thuở nào.

Song, khi người xem bị cuốn vào vở diễn mới thấy không - gian - mặt - nạ ấy bị phá tan, bị xé nát tàn bạo bởi sự khống chế của đồng tiền, thói dối trá đê tiện, thói đạo đức giả, sự lừa đảo trắng trợn... giữa những người cùng huyết thống, đang sống chung trong một gia tộc “tam đại đồng đường” - điển hình cho lối sống Hà Nội cổ truyền.

Vì thế, kịch bản Lâu đài cát có một tên gọi khác: Mặt nạ người, và nhất định “không lảng tránh xung đột” (theo đạo diễn NSND Đình Quang, hiện nay nhiều kịch bản lảng tránh mâu thuẫn và xung đột sờ sờ từ đời sống hiện tại). Có lẽ tâm thế “phản biện” sắc sảo ấy đã thấm nhiễm vào Nguyễn Đăng Chương, khiến tác giả thẳng thắn đặt vấn đề sự xuống cấp thê thảm về đạo đức gia phong ngay trong ngôi nhà tầng bề thế của một gia tộc Hà Nội - giữa các thế hệ/cùng thế hệ ông bà, con, cháu - đã dẫn đến những kết cuộc bi thảm. May mà thế hệ thứ ba tỉnh ngộ. Người cháu đích tôn, với quan niệm sống và yêu đương mới mẻ, lành mạnh, đã giải cứu gia tộc khỏi bi kịch sụp đổ, tháo bỏ được những mặt nạ. Và khi mặt nạ rơi xuống thì sự thật ló rạng, có cơ may cứu vãn gia phong đã tưởng chừng hoàn toàn sụp đổ.

Đây có lẽ là kịch bản được viết cao tay ấn nhất của Nguyễn Đăng Chương về tính kịch trong tổ chức xung đột. Lại gặp được Anh Tú đang lúc chín muồi về tay nghề đạo diễn. Lần đầu tiên người xem kịch, vốn là những bạn nghề sân khấu, đã thấy rõ cuộc phối ngẫu hạnh phúc giữa một kịch bản có tính vấn đề, khiến đạo diễn được rộng tay xử lý không gian sân khấu, tạo những mảng miếng sắc nét cho những vai diễn tung tẩy quăng bắt, giúp sân khấu không chỉ có cái để nghe, mà cao hơn thế, có cái để xem và... khi ra về có cái để nghĩ.

Vở diễn theo rất sát ý nghĩa vừa bóng bẩy vừa chìm sâu của kịch bản văn học, bằng cách đạo diễn xử lý không gian, âm nhạc và ánh sáng sân khấu chính xác, hòa quyện thành một tổng thể hài hòa, cho cái diễn của diễn viên và cho cái xem của người thưởng thức. Tiếc rằng dàn diễn viên Nhà hát Kịch VN vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vốn có trong truyền thống nhà hát của mình về đài từ sân khấu và chưa tìm được những chi tiết đắt giá để “đóng đinh” nhân vật của mình vào vai diễn.

Hai diễn viên Danh Nhân - Lệ Ngọc đóng cặp đôi ông bà mới chỉ ở mức tròn vai. Mai Nguyên vai ông bố là vai kịch mang nhiều bộ mặt giả tạo, song vẫn chưa thấy sự “biến sắc” của một tính cách kỳ nhông. Song, về tổng thể, đã thấy lóe lên sự trẻ trung của diễn viên trẻ, theo quy luật “thầy già con hát trẻ” ở chính Mai Nguyên, Tạ Tuấn Minh, Minh Hiếu và Kim Hường...dưới sự điều tiết diễn xuất khá mạch lạc và thông minh của đạo diễn Anh Tú.

Và vì thế, có thể đánh giá đây là vở kịch thành công do đạo diễn, là “vở của đạo diễn”. Và như thế, người xem có thể hi vọng vào sự trở lại phong độ của nhà hát kịch “anh cả đỏ” trong năm con ngựa “mã đáo thành công” này...

NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên