01/03/2014 01:22 GMT+7

Khi “khủng long đất” so tài

MAI VINH
MAI VINH

TT - “Khủng long đất” là cái tên giới chơi ôtô địa hình gọi những chiếc xe hầm hố với gai bánh vằn vện, gầm cao, động cơ lớn và bao quanh buồng lái là hệ thống khung chống lật...

Tại khu du lịch thác Đam B’ri (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) và những cánh rừng nguyên sinh thuộc huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) từ ngày 23 đến 27-2, 16 đội đua ôtô địa hình trên toàn quốc đã có những trận đấu phô diễn sức mạnh động cơ, kỹ thuật lái xe và đặc biệt là tinh thần đồng đội tại Giải đua toàn quốc Đam B’ri Challenge 2014. Không ít lần du khách trở nên cuồng nhiệt bởi những cú ôm cua dứt khoát vượt qua khe hẹp cây rừng, những pha vượt hố bùn sâu thông minh và thót tim với tai nạn lật chổng vó xe ở quãng “dốc tử thần”.

“Dốc tử thần”

Do sa bàn đường đua được giữ bí mật đến phút cuối cùng nên ban tổ chức khuyến cáo các tay đua không được tiếp cận đường đua trước. Điều này khiến tay đua Phạm Duy Quốc không giấu được sự bất ngờ khi tiếp cận đường đua. Đồi chè với dốc 60 độ và những cây mọc tự nhiên chằng chịt khắp ngọn đồi được ban tổ chức tận dụng thành chướng ngại vật. Ám ảnh nhất với tay đua này là những chiếc xe cứu hộ chực sẵn ở mỗi khúc cua.

Sau khi nói “Ban tổ chức nhắc coi chừng lật xe đó”, Quốc đội nón bảo hiểm và bước vào buồng lái. Tiếng động cơ gầm rú giữa nắng rát khiến khán giả không ai bảo ai tự động dạt ra ở khoảng cách an toàn, bụi đất đỏ bốc lên theo vòng bánh xe cày như muốn cắt đứt mặt đất. Lốp xe bốc khói và mùi cao su khét lẹt ngay điểm xuất phát. Quốc buông côn, chiếc xe lao vụt về trước, giàn bánh thiết kế cao gần 1m giẫm lên bờ taluy ximăng. Sau khoảnh khắc đầu xe chao đảo, “khủng long đất” của Quốc đảo hướng vào đường đua chính.

Phía dưới chân đồi, khán giả nghe rõ mồn một tiếng đèn xe, cửa kính vỡ sau mỗi cú va côm cốp vào cây rừng. Hoàn thành bài thi, Quốc nhảy ra khỏi buồng lái nhắc bạn đua cẩn thận vì dốc tức ngược, xe bị trôi tự do. “Tôi kịp đánh tay lái ngang nếu không thì xe ngửa bụng ôm gốc cây rồi” - Quốc cười khi mồ hôi quện với đất đỏ chỉ sau năm phút đua.

Đoạn tranh tài trên hồ Đam B’ri sâu hơn 1m là đoạn tiễn nhiều tay đua rời cuộc chơi. Đã có hai tay lái phải rời cuộc đua khi một chú “khủng long đất” bị “tắt thở” lúc vừa xuống nước, một chú khác gầm rú giữa hố bùn mà không sao vào được bờ. Chặng thi ở “dốc tử thần” cạnh hồ Đam B’ri mới thật sự thử thách những tay đua ưa mạo hiểm.

Đường đua khởi đầu với con dốc cao gần 3m và tưởng như dựng đứng với góc 80 độ. Các tay đua chuẩn bị nhập cuộc theo cách khiến người xem hồi hộp: cầm thanh sắt ngắn gõ vào khung chống lật kiểm tra và kiểm tra dây an toàn. Những chiếc xe gầm rú phóng như đâm vào con dốc dựng đứng. Có những lúc 2/3 xe bị hất lên không trung rồi mắc vắt vẻo ngay đỉnh dốc, và có lúc xe lao lên gần đỉnh dốc thì tuột xuống lại.

Đỉnh điểm của hồi hộp là khi chiếc xe của tay lái Nguyễn Trung Kiên, CLB ôtô địa hình TP.HCM, lật ngửa trong tư thế của cú nhảy santo thất bại. “Rầm”, khán giả như nín thở với tiếng động mạnh kèm theo tiếng cửa kính vỡ. Sau vài giây im lặng, tiếng vỗ tay vang lên khi Kiên tự chui ra khỏi buồng lái trước khi nhân viên cứu hộ tiếp cận.

Trong lúc đội cứu hộ xịt bình cứu hỏa chống cháy xe thì Kiên vẫn bình thản. Anh bảo không có chỗ cho sợ hãi ở môn chơi này: “Đây không phải lần đầu tiên xe tôi lật sau năm năm tập luyện, và tôi đều thoát nạn nhờ khung chống lật đúng tiêu chuẩn”. Kiên nhìn chiếc xe méo mó của mình rồi khẳng định: “Đã từng bầm giập nhiều lần nhưng chưa lần nào thấy khó khăn như địa hình đua của Đam B’ri. Đây là cuộc chơi không dành cho những cái đầu quá nóng”.

Yêu động cơ, tin đồng đội

Sau cú lật xe của Trung Kiên, nhiều tay đua trở nên cẩn thận hơn. Thay vì dùng sức mạnh của động cơ để thử dốc thì họ chọn cách dùng tời trợ lực buộc vào gốc cây từ từ vượt dốc. Thành viên ban tổ chức Đỗ Hữu Duy Đức cho biết trong lúc thiết kế đường đua, nhiều người đã tranh cãi nên loại bỏ “dốc tử thần” vì lý do an toàn cho vận động viên và xe. Tuy nhiên chúng tôi quyết định giữ lại “dốc tử thần” vì xét thấy kết cấu xe đều đảm bảo an toàn đúng quy định.

Quan trọng hơn, ông Đức nói: “Chúng tôi muốn gửi đến các tay đua tinh thần của môn ôtô địa hình thông điệp đây không phải là cuộc chơi của tốc độ, mà là cuộc chơi của sự tỉnh táo và tính đồng đội. Ở những đoạn đua nguy hiểm, cả hai yếu tố trên sẽ bộc lộ”. Ông Đức phân tích cú ngã của tay đua Kiên: “Anh Kiên nôn nóng thử nghiệm chiếc xe loại “khủng” nhất trong cuộc thi nên quên mất sự hỗ trợ của lái phụ”.

Ban tổ chức cuộc đua chỉ hỗ trợ sửa chữa động cơ giúp các tay đua trước vòng đua, đến khi vào cuộc các tay lái phải tự làm chủ động cơ của mình. Chiếc xe Jeep của tay lái Vũ Thanh Xuân khi vào cuộc thì trở chứng vì xăng không đều. Anh và lái chính bỏ bữa ăn trưa để chữa bệnh cho “khủng long đất”. Đến chiều chú “khủng long” khó chịu đã leo “dốc tử thần” ngon lành trong khi chủ của nó mặt mày lấm lem dầu nhớt. Xuân nói: “Đội đua phải hiểu động cơ thì mới đua tốt được, không phải cứ đạp hết ga là thắng cuộc. Phải hiểu động cơ xe “làm nũng” ở chỗ nào thì mình sẽ tính toán được cách đua, vừa an toàn vừa chắc thắng”. Xuân bảo phải yêu động cơ vì không có xe nào tham gia cuộc chơi địa hình là nguyên bản, tất cả đã được là chế, “độ” và rất đỏng đảnh.

Bên lề cuộc đua, nhiều lần khán giả đã dành những tràng pháo tay cho tinh thần đồng đội. Tay lái Nguyễn Đỗ Trung nói về người lái phụ: “Khán giả chỉ biết đến lái chính nhưng lái phụ không hề phụ chút nào, anh ấy quyết định 80% cách lái của tôi”. Lái chính cầm tay lái ngồi trong xe điều khiển, nhưng lái phụ chẳng mấy khi ngồi cùng lái chính, xe lội xuống hồ thì anh phải lội cùng để dò đường rồi ra lệnh cho lái chính đi theo. Anh Trung bảo: “Nếu không làm vậy thì xe sa lầy ngập luôn buồng máy là vô phương cứu chữa”. Và trên đường rừng, lái phụ là người đi tìm những cây chắc chắn để neo tời trợ lực cho xe tiến lên. Sau mỗi lần lội suối băng rừng, lái phụ trầy xước y hệt chiếc xe. Anh Trung cười: “Để rồi xem, chiếc xe vô địch cuộc đua là chiếc xe có lái phụ bầm giập”.

[box]Sẽ là sản phẩm du lịch của ĐamB’ri 

Đó là khẳng định của ông Ngô Đình Hiếu, phó chủ tịch HĐQT khu du lịch thác ĐamB’ri. Ông cho biết các nhà thiết kế địa hình hai cuộc đua vừa qua đều khẳng định địa hình Đam B’ri rất phù hợp cho những cuộc đua chuyên nghiệp hằng tháng hoặc chu kỳ  hai tháng/lần.

Ông Hiếu nói: “Đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm mới cho du lịch Lâm Đồng trong thời điểm đa số sản phẩm du lịch đều đã cũ”. Theo ông Hiếu, cuối tháng 4 giải đua xe môtô địa hình - dirt bike sẽ được tổ chức tại khu du lịch và tháng 10 sẽ là giải đua ôtô địa hình quốc tế có sự tham gia của liên đoàn xe địa hình các nước Đông Nam Á. Những ngày diễn ra cuộc đua, giá vé vào cổng tăng gấp ba lần nhưng lượng khách cũng tăng tương tự.[/box]

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên