![]() |
Tìm lại tích xưa
Một bài báo đã lên tiếng gay gắt: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt là bản quyền của người dân VN, Nguyễn Quang Dũng (đạo diễn bộ phim-TT&VH) không có quyền làm anh hàng thịt để băm nát”. Và kiến nghị: “Bộ VH-TT, Hội Văn nghệ dân gian cần phải có ý kiến loại bỏ thứ phim xu này ra khỏi đời sống nghệ thuật nước nhà để lớp trẻ không hiểu sai về Hồn Trương Ba, da hàng thịt vẫn tồn tại từ rất lâu trong đời sống văn hoá Việt”.
Thật bất ngờ là khi được hỏi về tích chuyện, hầu hết người được hỏi đều biết chuyện một anh giỏi đánh cờ (Trương Ba) nhờ phép thần thông của Đế Thích mà sống lại trong thân xác một anh hàng thịt, song kết thúc câu chuyện như thế nào thì không ai nhớ. Ngay cả hai tiến sĩ giáo sư nghiên cứu sâu văn hoá dân gian là TS Lê Ngọc Trà và GS Chu Xuân Diên cũng không nhớ được, phải chờ tra cứu.
Theo thông tin từ GS Chu Xuân Diên, hiện ở VN đang tồn tại hai câu chuyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt với hai cái kết hoàn toàn khác nhau.
Trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt đang phổ biến như một truyện cổ tích, được Nguyễn Đổng Chi ghi trong bộ Kho tàng truyện cổ tích VN thì, sau khi được tiên Đế Thích làm cho sống lại, Trương Ba trong xác hàng thịt đi thẳng về nhà mình, vợ Trương Ba được Đế Thích báo trước nên vui vẻ đón “chồng” vào nhà, trong lúc vợ anh hàng thịt chạy theo đòi lại. Vụ việc này được đưa lên quan xét xử. Quan hỏi vợ Trương Ba lúc sống chồng thường làm gì, bảo “chỉ thạo đánh cờ”. Lại hỏi vợ hàng thịt ngày thường chồng chị làm gì, bảo “chỉ quen mổ lợn”. Quan sai đem lợn ra, anh hàng thịt (xác) lóng ngóng không biết làm gì, nhưng đưa bàn cờ tới lại đánh rất giỏi. Quan xử cho người hàng thịt về với vợ Trương Ba.
Song trong một số tài liệu khác lại ghi đây như một “thần tích”. Thần tích kể chuyện xảy ra ở làng Liên Hạ, tỉnh Hải Dương (còn có đền thờ) có Trương Ba là một nho sĩ đời Lý, giỏi đánh cờ, sau cũng xảy ra chuyện hai nhà kiện nhau vì một người mà ai cũng cho là người thân của mình. Quan thử thách tương tự câu chuyện trên nhưng kết truyện, vợ Trương Ba thấy vợ hàng thịt khóc lóc thảm quá, lại thấy hình thức chồng mình là chồng người ta nên bàn bạc để Trương Ba (hồn) cưới vợ hàng thịt làm vợ hai luôn thể!
Cũng theo GS Chu Xuân Diên thì dường như motif này đã xuất hiện trong bộ sách Liêu trai chí dị của tác giả Bồ Tùng Linh (Trung Quốc). Ở truyện xác công tử hồn ông sư kể chuyện một ông sư tu hành đắc đạo, khi chết hồn nhập vào một công tử con quan đang trên đường đi săn chẳng may ngã ngựa mà chết. Công tử mang hồn ông sư về lại ngôi chùa cũ, các tăng ni tưởng công tử bị loạn trí, phải tới khi công tử - nhà sư kể lại mọi chuyện cũ họ mới tin, từ đó công tử ở lại chùa…
Motif hồn nọ xác kia trong các câu chuyện dân gian, theo các nhà nghiên cứu văn hoá, là khá phổ biến ở nhiều nền văn hoá, phản ánh quan niệm tín ngưỡng của người nguyên thủy. Ban đầu là như vậy, nhưng các câu chuyện dân gian bao giờ cũng mang trong nó những ý nghĩa mở, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, người ta có thể thấy trong đó những bài học sâu sắc gần gũi nhất với mình.
Cũng vì lẽ này, tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã được tác giả Lưu Quang Vũ và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đưa lên sàn diễn từ thập niên 80 của thế kỷ trước và trở thành một trong những vở diễn kinh điển của kịch nói Việt Nam.
Khá tôn trọng tích truyện cũ (từ danh phận, tính cách nhân vật) nhưng triết lý của vở kịch không còn nằm lại ở chuyện tái sinh, hồn này xác nọ, mà trở thành cuộc vật lộn đau đớn khi “hình thức này lại chứa đựng một nội dung không phải của nó”.
Tác giả Lưu Quang Vũ và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã thổi một sức sống mới vào tích cũ và cho tới nay nhiều người vẫn cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện cổ này qua của vở kịch chứ không phải qua nguyên bản.
Như vậy nói cho chính xác, phim Hồn Trương Ba, da hàng thịt của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chỉ lấy cảm hứng từ truyện cũ. Dòng phim “lấy cảm hứng” từ các điển tích khá phổ biến trên thế giới, tuy nhiên lại hiếm xuất hiện ở VN.
Trương Ba không còn là nho sĩ
![]() |
Shakespeare, kịch tác gia cổ điển hàng đầu thế giới dường như là người được các “đạo diễn nhái” thời hiện đại quan tâm nhất. Tác phẩm rất nổi tiếng của ông - Romeo và Juliet được đạo diễn người Australia Baz Luhrmann dựng lên thành Romeo+Juliet 96, hay Romeo và Juliet tân thời, trong đó Romeo xuất hiện như một tay chơi với áo mở nút phanh ngực trần, tay cầm súng và lái xe thiện nghệ. Cha xứ trong phim này xăm lưng như một tay gangster thứ thiệt. Ngay lúc phim ra đời nó cũng nhận rất nhiều lời chỉ trích, tuy nhiên giới trẻ lại cực kỳ mê thích hình ảnh Romeo và Juliet hiện đại như vậy. Phim đã giúp đạo diễn nhận giải thưởng Bafta của Viện hàn lâm Điện ảnh Anh quốc, trong đó có giải Kịch bản chuyển thể!
Một năm sau đó, năm 2000, hoàng tử Hamlet của kịch tác gia người Anh này lại bị biến thành con trai một ông chủ tập đoàn lớn ở Đan Mạch đang điều tra vụ sát hại cha anh trước khi công ty rơi vào tay người chú, cũng là cha kế và là kẻ đứng sau cái chết của cha Hamlet - tình tiết này hoàn toàn giống như trong vở kịch gốc, chỉ khác về bối cảnh.
Một tác phẩm nổi tiếng khác của Shakespeare là Othello cũng được Hollywood biến hoá thành phim O, nên nó còn có tên gọi khác là Othello 2001. Trong bộ phim “nhái” O, Othello là Odin James, ngôi sao bóng rổ trong một trường trung học ở Mỹ, được nhiều người yêu mến trong đó có cô gái xinh đẹp nhất trường. Và tên lago xấu xa giờ đây là Hugo, cũng với trái tim đen tối tìm cách hãm hại Odin, loại anh ra khỏi đội bóng rổ của trường và chiếm đoạt bạn gái.
Một “điển tích” rất nổi tiếng ở châu Âu là Anh em Grimm, người đã sưu tầm bộ Truyện cổ Grimm đầy nhân ái, thế nhưng trong bộ phim mới ra mắt gần đây Brother Grimm (Anh em nhà Grimm) lại chỉ là hai tên lừa đảo mua thần bán thánh. Hay bộ phim hoạt hình Hoodwinked nói về chuyện cô bé quàng khăn đỏ. Trong phim này, sói là một phóng viên điều tra, cô bé quàng khăn đỏ là võ lâm cao thủ, còn bà ngoại là… vận động viên thể thao!
Nhưng không phải chỉ ở Hollywood, nơi mà điện ảnh “không có gì là không dàm làm” mới phổ biến dòng phim “nhái” như thế. Ở phương Đông, nơi được xem là khắt khe về tư tưởng, điện ảnh ở đây cũng khá cởi mở với xu hướng phim này.
Một “di sản văn hoá” của người Trung Quốc là Tây du ký đã được “chế” đủ kiểu. Mới đây, năm 2005 câu chuyện bốn thầy trò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh được điện ảnh Hong Kong “chế” thành Tình điên đại thánh. “Điên” thật vì trong phim này, không phải Đường Tăng gặp nạn mà ngược lại, ba đồ đệ bị nạn và Đường Tăng đi cứu, trên đường gặp và yêu một cô gái xấu xí. Trong các pha chiến đấu giải thoát các đồ đệ có cả phép thuật lẫn súng và đĩa bay! Kết thúc chuyến đi, Đường Tăng từ chối thành tiên thành Phật mà quay trở lại thiên đình để cứu người yêu vốn là một yêu quái. Đường Tăng bắt cả Ngọc Hoàng làm con tin và cuối cùng chấp nhận cái chết… vì tình!
Phim này ra mắt cùng với Vô Cực của Trần Khải Ca nhưng doanh thu vượt cả Vô cực. Ngay cả Trần Khải Ca, một tên tuổi lẫy lừng của điện ảnh Đại lục cũng “cho” Lữ Bố đánh chưởng “như ai” trong Lữ Bố hí Điêu Thuyền của ông.
Danh sách dòng phim kiểu này có thể còn rất dài. Có giới hạn nào không trong việc “đi khác”, “nghĩ khác” những giá trị đã trở thành điển tích ? Câu trả lời là: Không.
Không có giới hạn, nhưng thách đố với dòng phim dễ “động chạm” này cũng vô cùng lớn (trên thực tế không có nhiều phim thành công và thường được xếp vào dòng phim giải trí). Vì “đi khác” để tới đâu, “nghĩ khác” như thế nào mới là quan trọng chứ “đi khác” chỉ là đi lung tung thì phí cả thì giờ của cả mình lẫn của khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận