Phóng to |
Thùng thư “Điều em muốn nói” đã được thực hiện vài năm nay tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Cô Phạm Trần Anh Tú - hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh) - bày tỏ: “Những lời tâm sự của các em khiến người lớn phải giật mình nhìn lại...”.
Tại sao lại thế?
“Mỗi khi đi học về, mẹ hỏi con có điểm 10 nào không? Có thì mẹ khen. Nhưng mỗi khi có một con 7 thì tối đó con lại được nghe “vầng trăng cổ nhạc”, những câu lý ai oán, những câu hò sướt mướt, những bài hát nghe “đen đét” mà bà mẹ, ông bố nào cũng biết, hàng xóm láng giềng đều nghe hết…” - một HS Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) viết. Em cho biết trong khi đó, cuối học kỳ 1, các môn của em đều là điểm 9-10.
Còn một HS lớp 5 Trường tiểu học Đông Ba, Q.Phú Nhuận “nỗi niềm”: “Em sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng trọng nam khinh nữ. Em luôn cảm thấy tự ti vì mình là con gái. Ba em là con đầu và cũng là tộc trưởng của họ. Vì vậy mọi người đều thương và cưng anh em hơn. Khi anh đậu đại học thì chú thưởng một ngàn đô với đôi giày hơn 10 triệu đồng cho anh ấy.
Em luôn cố gắng để không khóc, luôn cố gắng chịu đựng dù đau và buồn tủi . Những lúc như vậy, trông em thật giống một con ngốc.
Em ước ba mẹ sẽ nhận ra ưu điểm của em. Vì con gái cũng có những nét đáng yêu riêng. Chú em sẽ không ghét em nữa. Em rất mong trong xã hội này sẽ không còn việc trọng nam khinh nữ…”.
Những điều các em viết khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ. Như lá thư của một HS lớp 3 Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh: “Con muốn nói với cô hiệu trưởng là con rất buồn vì ba mẹ không quan tâm đến con. Cả ngày con đã học ở trường, tối về con mong muốn được gần gũi ba mẹ nhưng cô ơi, mỗi lần con sà vào lòng ba thì ba đẩy con ra và bảo: “Đi chỗ khác chơi, ba đang bận đọc báo”. Mỗi lần con ôm chân mẹ định kể chuyện trường, lớp cho mẹ nghe thì mẹ bảo mẹ chưa có thời gian nghe, mẹ còn cả núi công việc chưa làm”.
Bố ơi, đừng như thế nữa!
Phóng to |
Cứ tưởng các em nhỏ, nhưng trong gia đình, các em đã có quan sát và có những suy nghĩ riêng về hành xử của người lớn. Và điều đó đã tác động đến cuộc sống các em.
Một HS lớp 5 Trường tiểu học Đông Ba, Q.Phú Nhuận viết: “…Em sinh ra trong một gia đình khá giả. Nhưng có điều gia đình em thường rất hay lục đục, bất hòa vì bố em thường uống rượu. Mỗi khi uống rượu, bố em trở thành con người hoàn toàn khác. Mẹ em dường như đã mất tình cảm đối với bố khi bố uống rượu. Không những thế, những lúc đó mẹ em còn coi bố như kẻ thù. Việc bố uống rượu không những làm gia đình lục đục mà còn làm cho hàng xóm ghét nhà em.
Bây giờ em xin nói ra nguyện vọng mà cả đời em mong muốn là bố em sẽ mãi mãi bỏ rượu, để gia đình em luôn luôn và mãi mãi hạnh phúc”.
Cũng về bố, một em HS lớp 5 Trường tiểu học Giồng Ông Tố, Q.2 than thở: “Điều em muốn nói là buổi sáng phải dậy sớm đi học và đến trưa ra về em thấy rất mệt. Về tới nhà, ăn cơm xong, mẹ đi làm, chị đi học, chỉ em và em của em ở nhà mà thôi. Mẹ và chị đi xong, em phải xuống tắm cho em, ru nó ngủ rồi rửa chén, dọn dẹp nhà, quét nhà. Xong xuôi hết rồi học bài, tới chiều phải đi nấu cơm, mẹ về giặt đồ, nấu ăn. Ăn cơm xong, mẹ, chị, em và em của em phải chuẩn bị tinh thần bởi ba em sắp về, có buổi say rượu rồi quậy bốn mẹ con em. Buổi không say thì ba nói lảm nhảm đủ thứ. Ngày ngày cứ trôi qua, thật mệt và chán”.
Con thương mẹ…
Trẻ em ngày nay đâu phải không biết, không hiểu những gì đang xảy ra trong gia đình mình. Những lá thư học trò đã khiến người lớn phải xem lại cách mình nghĩ về con trẻ. Một HS Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh tâm sự qua trang giấy: “Gia đình con trước kia là một gia đình hạnh phúc. Vậy mà đùng một cái chị con thông báo: ba mẹ sẽ chia tay nhau. Từ ngày gia đình con tan vỡ, con đến trường mà lòng không vui, chỉ muốn ngồi khóc một mình. Nhìn các bạn được mẹ đến đón, con chỉ muốn khóc thôi…”.
Và cũng có những lá thư tràn đầy yêu thương chân thành mà người ta khó tưởng được là do một HS lớp 4 Trường Đông Ba viết trong ngày sinh nhật của mình: “Mẹ thương yêu! Hôm nay là sinh nhật của con. Trong ngày vui này người mà con nhớ đến nhiều nhất là mẹ. Con được 10 tuổi có nghĩa là mẹ đã phải vất vả nhọc nhằn 10 năm. Ngay từ lúc con lọt lòng mẹ đã chăm chút lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Có lúc con bệnh mẹ thức suốt đêm để chăm sóc con, khi con buồn mẹ rơi nước mắt. Mẹ thương yêu con là thế. Ấy vậy có nhiều lúc con không ngoan, có lúc con hỗn hào làm mẹ buồn lòng khiến những nếp nhăn như càng hằn sâu.
Hôm nay con dùng những kiến thức con được học, được mẹ vun đắp từ những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt để viết lên tình cảm yêu thương mà con dành cho mẹ, chỉ để nói lên một câu: con thương mẹ nhiều lắm. Có thể những câu, những chữ mà con viết trên trang giấy không thể cho mẹ thấy được hết tình cảm mà con dành cho mẹ. Con hứa sẽ cố ngoan hơn, chăm học hơn để mẹ không còn phải lo lắng nữa”.
* Cô Phạm Trần Anh Tú - hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh: Phụ huynh giật mình Tùy từng nội dung mỗi lá thư, nếu là những góp ý về phương pháp giảng dạy, cách cư xử của giáo viên, ban giám hiệu trường sẽ làm việc ngay với giáo viên; nếu là những lời than thở về gia đình, thư sẽ được chuyển cho giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đọc. Trường hợp lá thư của một em học sinh lớp 3 tâm sự: “Ba mẹ con lúc nào cũng bận, không quan tâm đến con”, phụ huynh xem thư giật mình bảo rằng không ngờ chuyện nhỏ thế lại quan trọng với con mình như vậy. Sau đó một thời gian, cô bé lại viết thư kể cho cô hiệu trưởng: “Đợt này ba mẹ quan tâm đến con nhiều lắm, rất hay hỏi han và lắng nghe con kể chuyện. Con rất vui…”. Hoặc như câu chuyện của cô bé có ba mẹ ly dị, phụ huynh xem và nói dù rất thương con nhưng hai vợ chồng không thể sống chung với nhau. Giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên nói chuyện với em, đề nghị một cách thiết tha là “hãy xem cô như người mẹ thứ hai của con”. Sau một thời gian, cô bé mới bình phục… * Cô Dương Thị Cần - hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Ba, Q.Phú Nhuận: Giá như phụ huynh hiểu… Đọc thư của HS tiểu học mới thấy các em có nhiều suy tư, trăn trở khác nhau, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc. Giá như phụ huynh hiểu được những việc mình làm sẽ ảnh hưởng đến con mình đầu tiên. Khổ nỗi, không phải tất cả thư phản ánh về gia đình chúng tôi đều có thể đưa phụ huynh đọc. Phải xem nội dung thế nào và tìm cách góp ý tế nhị. Chứ nhiều khi là chuyện riêng của gia đình người ta, mình làm không khéo phụ huynh sẽ tự ái… * Ông Lê Ngọc Điệp - trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM: Nơi các em giãi bày và nhận lại Hộp thư “Điều em muốn nói” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án giáo dục về quyền trẻ em cho HS tiểu học. Trước đây, trẻ em biết nghe lời người lớn được gọi là ngoan, nhưng nay trẻ được bày tỏ ý kiến của riêng mình về mọi vấn đề xung quanh, người lớn phải lắng nghe và tôn trọng những ý kiến ấy. Sau nhiều năm thực hiện, hộp thư “Điều em muốn nói” đã mang lại tác dụng tốt đối với công tác dạy và học trong nhà trường: những góp ý của HS đối với nhà trường được chấn chỉnh kịp thời, các em có dịp giãi bày tâm tư, tình cảm với thầy cô, được thầy cô chia sẻ, động viên thì sẽ tin cậy vào nhà trường hơn, tinh thần học tập phấn chấn hơn. Qua đó giáo viên cũng hiểu học trò của mình hơn để có cách đối xử phù hợp. |
(*) Vì lý do tế nhị, chúng tôi không ghi tên học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận