20/12/2004 21:28 GMT+7

Khi "giọt máu đào" không "hơn ao nước lã"

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Để có được một chỗ ở phù hợp điều kiện bản thân, vừa thoải mái vừa không phải nhờ vả ai là mong ước của không ít các bạn sinh viên ở tỉnh ra. Tuy nhiên, thực tế không ít chuyện "cười ra nước mắt" của những bạn trẻ ở trọ nhà người thân...

2mfagb3X.jpgPhóng to
Minh họa: DAD
Để có được một chỗ ở phù hợp điều kiện bản thân, vừa thoải mái vừa không phải nhờ vả ai là mong ước của không ít các bạn sinh viên ở tỉnh ra. Tuy nhiên, thực tế không ít chuyện "cười ra nước mắt" của những bạn trẻ ở trọ nhà người thân...

101 lý do để ở nhà người quen

"Trước khi thi ba mẹ mình rất lo về chuyện ăn ở, học hành của mình nếu đậu vào đại học. Lúc đầu cũng tính đến chuyện ở KTX nhưng sau thấy nhiều bất tiện quá nên thôi. Hiện tại mình ở với ba mẹ nuôi gần được 5 năm rồi. Mọi chuyện đều rất tốt", N.T (ĐH GTVT TP.HCM). Có lẽ không nhiều sinh viên có cơ hội tốt và được may mắn như trường hợp của N.T. Đa phần những sinh viên ở nhờ nhà người quen hoặc người thân là vì lý do tài chính. K.D (ĐH Kinh tế) vì không muốn trở thành gánh nặng cho ba mẹ nên đã chọn sống nhờ nhà cô từ ngày đầu: "Ở KTX tuy rẻ nhưng không phải ai cũng vào được, nhà trọ thì đắt quá. Ở nhà cô, mình tiết kiệm được nhiều".

Một số trường hợp khác, các bậc cha mẹ lại tỏ ra ít tin tưởng con cái khi không đồng ý cho họ ở KTX hay ở ngoài như trường hợp của T. (ĐH Ngoại thương): "Mẹ mình hay lo nên chỉ muốn mình ở với cậu, vừa gần trường vừa có người giám sát". Thậm chí, đôi lúc chuyện ở nhà người thân hoặc người quen xuất phát từ một số lý do khá nhạy cảm mà P.T (ĐH Kinh tế) là một ví dụ: "Cả gia đình ngoại mình đều ở đây, mình mà ở ngoài thì kỳ lắm. Vì vậy, dù rất hiểu nhưng ba mẹ vẫn khuyến khích việc mình ở với dì".

Sinh viên ở với người quen, người thân bao giờ cũng có vẻ tốt, thuận tiện cho sinh hoạt, học hành hơn là ở một mình tự lo lấy mọi chuyện.

Những chuyện khó nói

Mọi vướng mắc, khó xử có lẽ đều bắt đầu và xoay quanh những việc lặt vặt thường ngày trong gia đình mà người ở nhờ đôi khi phải cáng đáng. Có người quét nhà, lau nhà, có người đưa rước, chỉ dạy em út học hành hay giặt giũ quần áo... Từ nội trợ đến việc phụ giúp buôn bán trong gia đình, quan tâm đến những thành viên trong nhà... những việc mà theo bạn K.D (ĐH Kinh tế) thì: "Mấy chuyện này khó nói lắm, thấy việc gì nên làm thì làm chứ chẳng ai phân công rạch ròi cả".

Sẽ là bình thường nếu sự việc dừng lại ở đó. Nhưng không, thực tế cho thấy câu chuyện "biết điều" còn dẫn đến nhiều điều phức tạp, tế nhị hơn. "Hồi đầu mình luôn tự nhắc nhở bản thân phải luôn ý tứ trong mọi chuyện. Càng về sau, có một số việc lẽ ra mình không phải làm lại trở thành bổn phận, bắt buộc mình từ lúc nào không rõ", P.H (ĐH GTVT) cho biết: "Có lần mình phải bỏ ra cả tiếng đồng hồ để làm một món ăn theo sở thích của con cô mình. Sau đó, người đó chẳng thèm đụng tới lấy một miếng".

Cùng chung những bức xúc như vậy, một bạn gái khác (ĐHDL Kỹ thuật công nghệ) kể: "Mình ở chung phòng với con gái bác. Hai đứa cùng tuổi mà mình cứ như là người ở bất đắc dĩ vậy. Người ta có quyền bày bừa mọi thứ còn mình phải có nghĩa vụ dọn dẹp lại chứ không được phép có ý kiến". Khác với chuyện của 2 sinh viên trên, cuộc sống hằng ngày của K.D quả là một cuộc "ngoại giao" đòi hỏi nhiều tính toán khéo léo khi vừa phải làm sao không làm phật lòng người cô lớn tuổi vừa phải "bịt miệng" người làm để tránh những lời đơm đặt điều tiếng. Vào thành phố gần 3 năm nhưng đến nay D. vẫn chỉ biết đi từ trường về nhà và loanh quanh một số nơi quen thuộc. Bạn bè cũ trách cô ham chạy theo những mối quan hệ mới, có ai biết cô vẫn ao ước được một lần tham gia hội trại đồng hương hằng năm nhưng không được.

"Giun xéo" nhưng khó "quằn"

Hậu quả tất yếu của những điều kể trên nhẹ thì kiểu thỉnh thoảng không kiềm chế nổi bản thân, nặng thì bị ức chế tâm lý, stress hay mắc chứng trầm cảm. Đó là kết quả của những bức xúc được dồn nén lâu ngày mà không được giải tỏa. Đối với người trong cuộc, việc kể cho gia đình nghe là chuyện rất hiếm bởi đa phần họ không muốn ba mẹ lo lắng. Tâm sự với bạn bè thì cũng chỉ thỉnh thoảng hoặc kiểu "10 phần kể 1", bởi chuyện tế nhị đâu phải ai cũng kể được. Cách giải quyết tức thời tốt nhất đối với họ thường là đi dạo hoặc đi đâu đó cho qua cơn bức xúc rồi thôi. Một ngày bình thường của họ bắt đầu với những giờ học ở lớp hoặc ở thư viện từ sáng sớm và kết thúc sau những giờ học ngoại khóa vào tối mịt.

Không phải họ trốn tránh hay có ý gì khác mà chỉ không muốn lãng phí những giây phút quý giá vì những chuyện không đáng hay không muốn chịu đựng không khí ngột ngạt trong nhà. P.T giải thích: "Nhiều hôm mình cũng muốn ở nhà lắm nhưng nếu ở nhà mình sẽ chẳng học hành được gì cả, đôi lúc cũng không phải làm gì mà chỉ là vì ồn quá hoặc mọi người qua lại nhìn ngó với ánh mắt khó chịu". Trường hợp "tức nước vỡ bờ" kiểu dọn ra ngoài ở cũng rất thường gặp. Nhưng để làm được điều đó không dễ mà cần có một lý do chính đáng và thích hợp chứ không phải cứ muốn là đùng đùng xách vali ra đi. "Cuối năm thứ 3 nhà cậu mình xây lại. Lúc đó mình quyết định xin mẹ cho ra ngoài. Giờ nghĩ lại mình vẫn còn thấy sợ, nếu lúc đó không ra chắc giờ vẫn còn nhiều chuyện...", T. (cựu sinh viên ĐH GTVT) nhớ lại.

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên