31/12/2011 02:07 GMT+7

Khi có con

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TT - Kể từ khi có con, vợ không còn gọi chồng bằng anh, chồng không còn gọi vợ là em mà đổi thành ba và má...

Tôi đã nghe họ gọi nhau như thế và mỉm cười. Đó là khi tôi ghé nhà cô Hỷ Khương (nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương), chú Thùy, chồng cô, ra mở cửa rồi gọi vào nhà: “Má ơi, có khách tìm má nè”. Cô Hỷ Khương bước ra và bảo: “Để má tiếp khách, ba vô pha trà cho má với”. Chao ôi là ngọt ngào, là dễ thương, dẫu cô chú đã bước qua tuổi bảy mấy gần tám mươi. Gọi như vậy miết thành quen, kể từ khi có con cái đến chừ. Quen. Cái thói quen gọi như thế “cho con” là một cách để khẳng định “chúng tôi đã có con rồi” và cũng là để con bắt chước gọi má, gọi ba khi bắt đầu tập nói!

Hồi còn ở quê, tôi nghe chú Sáu, thím Sáu kế bên nhà nói chuyện với nhau thường dùng cụm từ “má thằng cu” và “ba thằng cu” để chỉ cho vợ và chồng. Những câu nói tôi nhớ mãi đến bây chừ: “Má thằng cu sáng ni đi chợ về trễ để tui ngó chừng mỏi cả mắt” hoặc “Hôm qua ba thằng cu uống say, về tới nhà là ngả ra ngủ tới nửa buổi”. Giận nhau hay thân thiết cũng nói như thế để nhận diện mình đã là má, là ba...

Tôi ngẫm nghĩ và thấy thương, thấy cái cách gọi nhau ấy là để “làm gương” cho con gọi theo là rất hay, như thể khi con gọi, người mẹ “dạ” để ai gọi con, con cũng sẽ “dạ”, đó là phương tiện. Đồng thời gọi “má, ba” còn để nhắc nhau rằng: “Hai vợ chồng mình đã “lên chức” má, ba rồi nên phải sống gương mẫu hơn, không được dễ dãi, không được cãi lộn quá đà làm con cái không vui, làm nhà cửa không ấm êm...”.

Và tôi còn thấy đằng sau cách gọi ấy còn là một cách để minh chứng cho việc vì con, sống cho con của những bậc làm cha, làm mẹ. Kể từ khi có con cái, hai vợ chồng có chung một giềng mối tình thâm với “đối tượng” thứ ba: con cái, có cùng mục đích: hết lòng lo cho con khôn lớn thành người...

Chính vì vậy mà sợi dây gia đình càng trở nên gắn bó, bền chặt!

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên