17/10/2008 10:52 GMT+7

Khi các quốc gia... phá sản

THANH TUẤN (Theo Reuters, CNN)
THANH TUẤN (Theo Reuters, CNN)

TT - Phá sản là chuyện thường xảy ra với các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Đến thời kỳ khủng hoảng thì chính các quốc gia cũng có thể lâm vào tình trạng phá sản.

IX01kR9U.jpgPhóng to

Người Iceland phản đối cách điều hành kinh tế của chính phủ. Hàng chữ trên ngực người đàn ông: “Các ngân hàng không quan tâm đến chúng tôi” - Ảnh: IHT

Trong cơn lốc của cuộc khủng hoảng tín dụng, Iceland là quốc gia đầu tiên bị coi là rơi vào tình trạng phá sản. Chính phủ nước này từ hôm 9-10 đã phải đóng cửa thị trường tài chính và tiến hành quốc hữu hóa gần như toàn bộ hệ thống ngân hàng. Đối với một doanh nghiệp hay một tổ chức, phá sản xảy ra khi tổ chức đó không còn khả năng thực hiện các nghĩa vụ chi trả đối với các nhà cung cấp tín dụng.

Với một quốc gia, tình trạng phá sản là khi một quốc gia không thể trả tiền nợ, hay không còn khả năng huy động ngoại tệ để chi trả cho các hoạt động nhập khẩu của mình. Về mặt kinh tế học, tình trạng này được coi là “khủng hoảng cán cân thanh toán”. Tình trạng phá sản đối với các quốc gia đã từng xảy ra trong lịch sử, điển hình nhất là trường hợp của Mexico những năm 1980 hay gần đây nhất là Argentina 2001-2002.

Vì sao Iceland?

Điểm mạnh của hệ thống ngân hàng Iceland là đầu tư ra thị trường nước ngoài, từ thị trường tín dụng, thế chấp cho đến thời trang, thậm chí cả bóng đá. Trong thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, chiến lược này giúp người dân Iceland có thu nhập đầu người thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Tuy nhiên khi tình hình thay đổi, cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu xảy ra thì đất nước này là nước đầu tiên gánh hậu quả.

Nợ nước ngoài của các nước thường chỉ xấp xỉ với quy mô nền kinh tế của mình như Mỹ, Ý. Một số nước cao hơn như Pháp và Đức là vào khoảng 140-150%. Mức nợ của các ngân hàng Iceland (100 tỉ USD) là vượt quá tầm so với quy mô nhỏ của nền kinh tế (14 tỉ USD). Đồng krona của Iceland liên tục mất giá trong những tháng gần đây và việc phá sản khiến đồng tiền này hoàn toàn không có giá trị trên thị trường thế giới. Và việc không có đồng tiền nội tệ có giá trị, Iceland sẽ không có tiền để thanh toán các khoản nhập khẩu và không có cách nào để kiểm soát lạm phát. Hậu quả của việc này có thể là một nền kinh tế siêu lạm phát như tình trạng đang xảy ra ở Zimbabwe.

Bốn ngân hàng lớn nhất của Iceland hiện có số nợ lên tới hơn 100 tỉ USD, lớn gấp nhiều lần so với GDP hằng năm của nước này chỉ ở mức 14 tỉ USD. Khủng hoảng tài chính gần như quét sạch tiền của các ngân hàng nước này. Chỉ trong một tuần, 313.000 dân của một đất nước giàu có, thịnh vượng đang trở thành đất nước trên bờ phá sản.

Theo Reuters, cho đến đầu tuần trước, chính quyền đã phải tiến hành tiếp quản hầu hết hệ thống ngân hàng, thả nổi đồng nội tệ, ngưng tất cả các giao dịch chứng khoán. Bộ trưởng ngoại giao Iceland Ingibjorg Solrun Gisladottir cho biết: “Về ngắn hạn, cách phòng thủ của chúng ta sẽ là hợp tác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và về dài hạn sẽ trở thành thành viên của EU sử dụng đồng euro và nhận sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)”.

IMF ra tay, Nga ghi điểm

Từ cuối tuần trước, IMF đã cử nhân viên của mình tới Iceland theo dõi tình hình. Trong trường hợp phá sản như thế này, thường các nước sẽ cầu cứu nguồn tiền vay từ IMF hoặc từ các nước khác. Nếu không có nguồn quỹ này, đất nước sẽ không có tiền để nhập khẩu các mặt hàng và dịch vụ cần thiết - điều đặc biệt khó khăn cho các nước như Iceland, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Trong lịch sử, IMF thường sử dụng các khoản vay này để ép các nước thành viên tiến hành các thay đổi về chính sách kinh tế và tài khóa - với nhiều nước thì những đòi hỏi này đôi khi là những liều thuốc rất đắng. Một số nhà phân tích chỉ trích IMF bị ảnh hưởng quá nhiều với tư duy thị trường tự do mà ít chú ý đến hoàn cảnh riêng của mỗi nước.

Kể từ ngày 9-10, IMF đã kích hoạt chương trình hành động khẩn cấp của mình để có thể cung cấp tiền cho các nước đang trong tình trạng khủng hoảng. Cơ chế đặc biệt này sẽ cho phép IMF ra quyết định cho vay nhanh chóng trong 5-10 ngày. Đến ngày 13-10, Iceland hiện đã tiếp cận chính thức IMF để yêu cầu viện trợ.

Ngoài IMF, một trong những nước Iceland tiếp cận đầu tiên chính là Nga, nước đã đề nghị cho Iceland vay khẩn cấp 4 tỉ euro (5,5 tỉ USD). Các nhà phân tích quan hệ quốc tế cho rằng những diễn biến mới đã giúp Nga ghi được thêm điểm trên mặt trận đối ngoại với phương Tây, sau những căng thẳng quanh cuộc xung đột tại Gruzia hồi tháng tám. Philip Hanson, một nhà nghiên cứu về Nga, gọi đây là “một cuộc đảo chính về mặt tuyên truyền cho nước Nga. Họ muốn nói với thế giới là: Hãy nhìn xem chúng tôi có thể làm gì này.”

Danh sách... phá sản

Những nạn nhân tầm quốc gia của cuộc khủng hoảng tài chính chưa phải là hết. Sau Iceland đã có thông tin Pakistan hiện cũng đang trên bờ phá sản do đồng rupee của nước này mất giá. Giới tài chính nước này nói hiện dự trữ tài chính của Pakistan đã cạn kiệt trong khi đồng rupee mất 21% giá trị kể từ đầu năm tới nay. Hiện Ngân hàng Trung ương Pakistan còn cầm giữ chưa đến 8 tỉ USD.

Theo Times, nếu tính cả các nghĩa vụ trả nợ, dự trữ ngoại tệ của nước này thực tế còn khoảng 3 tỉ USD, chỉ đủ tiền nhập lương thực và nhiên liệu trong một tháng. Tình hình chính trị bất ổn suốt một năm nay còn có tác động mạnh hơn với Pakistan. Một nguồn tin cho biết Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari gần đây nói với tờ Wall Street Journal rằng nước này cần khoảng 100 tỉ USD tiền cứu trợ từ các nước khác để tránh phá sản.

Đến ngày 14-10, IMF cảnh báo các nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania cũng đang trong tình trạng dễ bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng. Sau khối Baltic, Argentina, Ukraine và Kazakhstan là những nước bị coi là có nguy cơ. Tuy vậy, giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn nói các nước vùng Baltic là thành viên đầy đủ của EU và có thể kêu gọi khối giúp đỡ. Theo IMF, cuộc khủng hoảng tài chính vẫn đang tiếp diễn và danh sách các quốc gia nạn nhân có thể còn kéo dài hơn nữa.

THANH TUẤN (Theo Reuters, CNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên