18/06/2005 05:01 GMT+7

Khi các nhân vật trong truyện "bước ra" ngay trước mắt mình...

TÚ ANH (Trường trung học Phát thanh truyền hình 2)
TÚ ANH (Trường trung học Phát thanh truyền hình 2)

TT - Mười tập Kính vạn hoa đầu tiên đã khép lại vào ngày 16-6. 10 tập - như một khúc dạo đầu suôn sẻ - đã để lại những dư âm rất đẹp trong lòng khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi trong dịp hè 2005...

Nv5buv3O.jpgPhóng to
Từ trái sang: các diễn viên nhí Anh Đào, Vũ Long, Ngọc Trai và Huy Anh với diễn xuất tự nhiên đã để lại nhiều bất ngờ cho người xem - Ảnh: Hoài Nam
TT - Mười tập Kính vạn hoa đầu tiên đã khép lại vào ngày 16-6. 10 tập - như một khúc dạo đầu suôn sẻ - đã để lại những dư âm rất đẹp trong lòng khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi trong dịp hè 2005...

Năm 1995, khi đang là học sinh cấp I, tôi đã thích đọc truyện Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Và đâu chỉ mình tôi mà có hẳn Câu lạc bộ “Những người yêu thích Kính vạn hoa” nữa chứ. Cầm quyển truyện trên tay, các độc giả nhỏ tuổi mặc sức được tưởng tượng, chìm đắm vào thế giới muôn màu muôn vẻ xung quanh của bộ ba “văn võ song toàn”: Quý “ròm”, Hạnh “quân sư” và Tiểu Long.

Theo ông Mạnh Hùng, trưởng phòng khai thác phim truyện HTV, nếu Kính vạn hoa được đông đảo khán giả yêu cầu xem lại thì chắc chắn HTV sẽ phát lại. Tuy nhiên vì các chương trình đã lên kế hoạch nên phải ít nhất sau một tháng mới có thể phát sóng.

45 tập truyện liên tục khuấy động tâm hồn chúng tôi bằng sự vui tươi, nhí nhảnh, hồn nhiên của tuổi học trò...

Mười năm sau, hè 2005, bộ truyện Kính vạn hoa lại “tái ngộ” những ai từng yêu thích và “làm quen” với một lớp thiếu niên mới qua HTV9 với 10 tập phim đầu tiên. Thích thú làm sao khi các nhân vật trong truyện lại “bước ra” ngay trước mắt mình!

Các diễn viên Ngọc Trai, Vũ Long, Anh Đào... đã hóa thân thành Quý “ròm”, Tiểu Long và nhỏ Hạnh khá tự nhiên và sinh động. Một Quý “ròm” thông minh, tinh quái nhưng nhát gan lại trở thành “ông thầy nóng tính” khi phải giảng giải bao nhiêu lần cho Tiểu Long hiểu thế nào là hình bình hành, hình thoi…

D0BhLPD9.jpgPhóng to

Quý "ròm" đang dạy học cho cô bé nghịch ngợm Quỳnh Như - Ảnh tư liệu

Bên cạnh những mặt mạnh mà phim đã đạt được, vẫn còn một số điểm chưa hợp lý lắm trong phim. Lấy ví dụ tập Khách sạn hoa hồng: nhân vật Tiểu Long và Quý “ròm” đi theo dõi một đối tượng khả nghi đang ở một nơi xa thành phố thì bước sang cảnh sau là một trung tâm mua sắm quen thuộc của thành phố.

Hay chi tiết lá thư đe dọa tống tiền gia đình của Bá - bạn cùng lớp với nhóm - lại xuất hiện trong ngôi nhà khi vắng chủ, cửa khóa chặt...

Những chi tiết ấy tuy nhỏ nhặt, không đáng chú ý nhưng khó mà qua mắt được các khán giả nhí như đứa em họ mới 7 tuổi của tôi.

Hi vọng rằng đạo diễn chú ý hơn trong việc “chắt lọc” các chi tiết trong truyện sao cho phù hợp với một bộ phim truyền hình.

Một Tiểu Long to con, dũng cảm khi đối mặt với những tên cướp nhưng… thật thà, chậm chạp khi tiếp thu bài học… Một Hạnh “quân sư” rất nữ tính, rất bình tĩnh khi đối mặt với những khó khăn, thử thách, đầu óc thông thái với hàng trăm kiến thức phổ thông…

Bên cạnh diễn viên “đàn anh, đàn chị” còn có các diễn viên nhí của đội kịch Tuổi Ngọc, của các nhà thiếu nhi vào vai Oanh, Diệp, Mạnh… hồn nhiên, trong sáng, đôi khi đưa ra những câu nói hay câu hỏi gây bực mình, lúng túng cho anh Quý, anh Long.

Khi đọc truyện, tôi cứ nghĩ ngôi nhà của Quý “ròm”, của Tiểu Long và của Hạnh nằm trong những khu phố chật chội, con hẻm ngoằn ngoèo của một thành thị đông đúc, vì thế khi xem phim tôi bị bất ngờ. Đạo diễn đã đặt các bối cảnh của phim trong một mảng không gian xanh rộng mở: cảnh vật thoáng đãng, ở những nơi xa thành phố ồn ào; có vườn cây, có đồng cỏ xanh và lũ trẻ chăn trâu khi bộ ba về quê Tiểu Long chơi; có rừng nguyên sinh với hàng ngàn loại thực vật khi cả nhóm lạc giữa rừng sâu…

Mảng không gian xanh này như làm dịu bớt cái nắng hè oi bức, đưa thế giới tuổi nhỏ trở về với thiên nhiên, tạo ý thức giữ gìn môi trường tự nhiên quanh mình. Nhờ bộ phim này, những bài học giáo dục đến với các khán giả nhí thật nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đưa vào Kính vạn hoa những mảng màu rất tự nhiên, chân thật từ cuộc sống sinh hoạt, học tập thường ngày của lứa tuổi học trò nghịch ngợm... Điều này đã giúp bộ truyện trở thành loại sách “best-seller” lúc bấy giờ và nay thì chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ vào lúc 17g45 hằng ngày.

Ai cũng tìm thấy một chút của chính mình đâu đó trong phim, từ em học sinh tiểu học đến anh chị sinh viên đại học. Ai cũng cảm thấy “tiếc nuối” khi một giờ đồng hồ trôi nhanh làm sao, chỉ mong sao cho tập phim cứ dài ra mãi.

gXeOarmR.jpgPhóng to
Đạo diễn Minh Chung (phải) đang chỉ đạo diễn xuất cho hai diễn viên nhí Anh Đào và Vũ Long trong một cảnh quay - Ảnh: Hoài Nam
Mười tập Kính vạn hoa đầu tiên đã khép lại nhưng cũng để lại những dư âm rất đẹp trong lòng khán giả, đặc biệt là các em thiếu nhi trong dịp hè 2005. Chúng ta lại phải chờ đợi mùa hè sang năm để được tiếp tục “tận hưởng” phút giây thư giãn thoải mái và bổ ích từ những câu chuyện mới lạ hơn, hấp dẫn hơn xung quanh ba nhân vật chính Quý “ròm”, Hạnh và Tiểu Long đáng yêu, hóm hỉnh…

Các khán giả cũng hi vọng ngày càng có nhiều bộ phim hay, vừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục nhẹ nhàng cho lứa tuổi học trò với muôn màu muôn vẻ như Kính vạn hoa.

TÚ ANH (Trường trung học Phát thanh truyền hình 2)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên