![]() |
Thuyền của ngư dân thị trấn Gành Hào (Bạc Liêu) nhộn nhịp trên sóng nước những ngày đầu năm - Ảnh: TẤN ĐỨC |
“Người ta nói biển giã khó lường, nhưng nếu mình biết tính toán đường đi nước bước, dò tìm bãi cá và chịu khó theo dõi thông tin dự báo thời tiết để né bão thì mỗi chuyến ra khơi cầm chắc phần thắng tới tám chín phần. Dù trải qua một năm có không ít khó khăn, nhưng ngư dân tụi tôi vẫn sẽ bám biển và tin tưởng những điều tốt đẹp trong năm mới” - ngư dân Đặng Văn Hòa (Bảy Hòa) ở ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu, bắt đầu câu chuyện về những dự định của mình vào đầu xuân Tân Mão.
Tin vui từ biển
![]() |
Tàu vào cảng cá Gành Hào - Ảnh: Tấn Đức |
Ông Mai Hoàng Nên (phó giám đốc cảng cá Gành Hào, một trong những cảng lớn nhất ven biển Tây Việt Nam): Ăn nên làm ra Trước đây có lúc ngư dân lao đao vì nhiên liệu tăng giá, ngư trường cạn kiệt, không ít người lâm cảnh nợ nần phải bán tàu, bán ghe chuyển đổi nghề. Nhưng gần đây tình hình có khả quan hơn, riêng trong năm 2010 lượng ghe tàu cập cảng bốc dỡ sản phẩm khai thác đạt mức bình quân 122 chiếc/tháng, bao gồm cả tàu của các tỉnh miền Tây và vùng duyên hải, miền Trung. Lượng hàng hóa qua cảng trong năm cũng đạt gần 10.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ ngư dân đang ăn nên làm ra... Đây là một tin vui đối với nghề khai thác hải sản trong năm mới giúp ngư dân vững tin bám biển, bám nghề. |
Ông Bảy Hòa (50 tuổi) là dân gốc Bến Tre. Năm 1974, cha mẹ ông đưa cả mười anh chị em của ông xuống chiếc ghe bầu căng buồm xuôi về cực Nam. Đi mãi hơn bốn ngày đêm thì tới vàm sông Gành Hào, thấy ưng bụng nên tấp ghe lên bãi, dựng chòi sinh cơ lập nghiệp.
Trên vùng đất mới, mấy anh em ông Bảy Hòa người đi mò cua bắt ốc, người “đi bạn” (ngư dân) cho mấy chủ tàu ở địa phương. “Tính ra thời gian tui ở trên biển nhiều hơn trên mặt đất, vì từ năm 14 tuổi đã bước chân lên tàu, rồi được chủ tin tưởng giao làm tài công (cầm lái) con tàu gần 100 CV, dọc ngang khắp vùng biển Tây. Đi miết nên tui thuộc lòng từng luồng lạch, từng bãi cá như người ta thuộc từng vị trí đồ vật trong nhà mình” - ông Bảy Hòa khoe.
Năm 1987 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Bảy Hòa, khi gia đình ông được Nhà nước bán cho một máy nổ công suất 33 CV, chi phí mua trả dần bằng sản phẩm khai thác được.
Ban đầu, ông Bảy Hòa đánh bắt bằng lưới vây, sau đó chuyển qua cào xiêm (cào đơn). Kinh nghiệm đi biển truyền từ đời ông nội, cộng với cái đầu biết tính toán đã giúp ông Bảy Hòa luôn cầm chắc phần thắng mỗi bận ra khơi.
Tỉ như tính ngày, tính tháng, tính con nước lớn ròng để chọn bãi, chọn loại cá bán được giá cao; rồi phân chia hành trình sao cho khi đánh bắt được nửa tàu thì quay vào bờ, đường về cũng qua mấy mỏ cá để thả lưới, nhằm tiết kiệm nhiên liệu (chứ không phải đánh đầy tàu mới quay về như người khác).
Không đầy hai năm sau, ông Bảy Hòa đã trả dứt nợ tiền máy, lúc ấy trị giá bằng 14 tấn tôm. Có dạo xăng dầu tăng giá, ven bờ cạn kiệt cá tôm, không ít ngư dân vùng biển Tây lâm nợ phải bán tàu, bỏ biển, nhưng gia đình ông Bảy Hòa vẫn ăn nên làm ra nhờ biển. Từ một con tàu công suất nhỏ, giờ đây ông đã tự đóng mới được bốn con tàu, công suất từ 280-400 CV, tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng để tiến ra biển lớn.
Hai năm trở lại đây, ông Bảy Hòa không trực tiếp cầm lái nữa mà ngồi nhà, qua Icom điều khiển tài công nhằm những mỏ cá mà tiến và cắt đặt công việc cho 24 ngư dân trên tàu. Cách mười bữa nửa tháng ông lại cầm sổ ra cảng cá Gành Hào đón tàu về và cân cá, đếm tiền. Gặp lại ông Bảy Hòa ngày đầu năm mới, ông phấn khởi khoe: “Trúng mùa, trúng giá chú em ơi. Mực tươi vựa ăn 60.000-70.000 đồng/kg, còn cá chim bàng loại 1 lên tới 250.000 đồng/kg, chim trắng cũng 200.000-220.000 đồng/kg. Đà này chỉ qua một mùa cá là tui thu hồi vốn hai con tàu mới đóng”.
Không chỉ có ông Bảy Hòa, một tín hiệu vui đang đến với nhiều ngư dân Gành Hào và vùng biển Tây Tổ quốc. Những ngày tết vừa qua, xóm biển nằm phía sau chợ trung tâm thị trấn Gành Hào khang trang hẳn lên, trúng đậm nhất là gia đình các ngư dân Hai Bánh Bao, Năm Đời, Hai Huân, Năm Chứa, Sáu Chan, Chín Chấm...
Trừ hết chi phí xăng dầu, muối, đá chượp và tiền phần trăm chia cho ngư dân, người nào cũng rủng rỉnh cả trăm triệu đồng sau chuyến ra khơi non một tháng. Nhiều ngư dân hào hứng nói đây là một dự báo đầy khởi sắc cho những chuyến đánh bắt hải sản trong năm 2011.
Liên kết để ra khơi
![]() |
Ngư dân thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) trúng đậm mùa khai thác cá - Ảnh: Tấn Đức |
Ông Bảy Hòa xòe tay tính: “Cứ 10 tàu đánh bắt xa bờ thì 7 tàu có lời. Đây là những chủ tàu có kinh nghiệm đi biển, có vốn để nâng cấp trang thiết bị, mua sắm máy công suất lớn để ra xa hơn. Số còn lại do thiếu vốn, phải vay nóng để ra khơi, khi bán sản phẩm bị chủ vựa mua ép giá thấp để trừ nợ hoặc do tàu ra khơi gặp thiên tai, dông bão, đi không trúng luồng cá...”.
Cùng suy nghĩ này, ngư dân Lâm Văn Tới (ở ấp 3, thị trấn Gành Hào) cho biết: “Gia đình tôi có một chiếc tàu công suất 35 CV, đánh lưới vây, sau chuyển qua cào đơn, rồi câu mực cũng không ăn thua, vì mình tàu nhỏ, máy yếu, không đuổi theo kịp đàn cá.
Cũng vì tàu nhỏ, chỉ ra xa bờ chừng vài chục hải lý nên không bắt được các loại cá lớn, có giá trị cao, trong khi tỉ lệ cá phân (cá tạp, nhỏ) có khi lên tới 20-30%, bán xô 8.000-9.000 đồng/kg nên thường xuyên bị lỗ. Thấy người ta ra biển mà phát thèm, ao ước sao có vốn để đóng tàu lớn, đi xa hơn, trúng đậm là cái chắc”.
Khắc phục tình trạng thiếu vốn, mới đây ngư dân huyện Đông Hải đã tự liên kết để làm ăn. Mô hình hai người có ghe nhỏ, đánh bắt bằng cào đơn góp lại làm cào đôi để khai thác hiệu quả hơn. Tại ấp 1, thị trấn Gành Hào đã có người cùng nhau góp vốn để đóng mới đôi tàu hơn 2 tỉ đồng và ngay trong lần ra khơi đầu tiên vào những ngày cận tết đã thu về hơn 80 tấn hải sản, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng.
Thống kê của UBND huyện Đông Hải cho biết hiện tại đã có 19 tổ liên kết khai thác thủy sản với hơn 100 tàu được thành lập. “Liên kết để hỗ trợ ngư trường khai thác, hỗ trợ vốn, tổ chức tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, kết nối thông tin giữa tàu với tàu và giữa tàu với đất liền... Đây là một hướng làm ăn mới mà chính quyền và ngư dân địa phương đang kỳ vọng sẽ thành công trong thời gian tới” - ông Võ Chí Độ, phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải, khẳng định.
Đó cũng là hướng mở cho ngư dân mà nhiều địa phương trong cả nước đang nhắm tới. Từng là một tài công ôm thuyền dọc ngang trên biển, nhưng tết này ông Trần Văn Út (ở làng chài Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cứ thẫn thờ đứng ngóng ra biển. Cuối tháng 8 năm ngoái, trong hành trình trở về đất liền sau 15 ngày trên biển, con tàu 65 CV của ông bị chết máy trôi lênh đênh.
Khi được tàu cứu hộ ra lai dắt vào bờ, tàu ông Út lại bị đứt dây rồi chìm, ông cùng với chín ngư dân trôi dạt trên biển suốt 50 giờ mới được một tàu cá vớt lên. Từ một chủ tàu mỗi lần bán sỉ hàng chục tấn hải sản, giờ đây vợ chồng ông Út phải ra chợ ngồi mua bán từng con cá để mưu sinh. Con tàu với toàn bộ trang thiết bị gồm 600m lưới, máy phát điện, máy dò cá, máy định vị, Icom... trị giá gần tỉ đồng giờ đã chìm sâu vào lòng biển, để lại cho ông món nợ hơn trăm triệu đồng đã ứng trước của vựa cá để làm chi phí cho chuyến ra khơi.
Ông Út tâm sự: “Biết là biển giã khó lường nhưng mà xa biển thì nhớ không chịu được. Cái nghề này gắn với tụi tôi từ nhiều đời. Đây không chỉ là cái nghề mưu sinh mà đã trở thành tình cảm thiêng liêng gắn với biển cả. Không sớm thì muộn tui cũng sẽ tìm cách trở lại với biển. Nếu không có đủ vốn để tự mua sắm tàu, tui dự định trong năm mới sẽ đứng ra vận động mấy người bạn cùng nhau góp vốn, gầy dựng lại sản nghiệp”.
Bình Định: gần 2.300 ngư dân ra khơi đánh bắt đầu năm Ngày 7-2, theo tin từ trạm kiểm soát biên phòng Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định), sau nhiều ngày nằm bờ do biển động và đón tết, từ mồng 2 tết đến nay, hàng trăm tàu cá của ngư dân trên địa bàn huyện đã đồng loạt ra khơi mở đầu cho mùa biển mới. Hiện nay có khoảng 250 tàu cá đánh bắt xa bờ, với 2.300 ngư dân sau khi chuẩn bị đầy đủ từ nhiên liệu, đá lạnh đến ngư cụ đã ra khơi tham gia khai thác và đánh bắt cá ngừ đại dương tại các ngư trường xa bờ, trong đó chủ yếu tập trung tại ngư trường truyền thống là quần đảo Trường Sa. Trong dịp tết vừa qua có 91 tàu cá cùng 789 ngư dân của Hoài Nhơn đón tết trên biển do đang trong mùa khai thác không kịp vào bờ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận