Để cứu sự sa sút nói chung của cầu thủ, các đội phải vung tiền thuê mướn VĐV nước ngoài. Theo thống kê từ ban tổ chức đã có 21 tay đập nước ngoài tham gia giải. Trong đó hơn chục VĐV đến từ Thái Lan! Ái chà, thế là bóng chuyền đã bám đuổi bóng đá quyết liệt trên con đường gọi là chuyên nghiệp hóa! Một kiểu chuyên nghiệp hóa rất ư là thể thao Việt Nam, đó là chăm chăm thuê mướn ngoại binh mà không quan tâm nhiều đến chuyện trồng cây non để hái quả.
Ngồi chung với vài người bạn yêu thích thể thao bàn luận chuyện tràn ngập ngoại binh ở bóng đá, bóng chuyền, có người chợt nêu câu hỏi: Mỗi năm chúng ta tốn bao nhiêu ngoại tệ (cụ thể là đồng USD) cho khoản thuê mướn VĐV nước ngoài?
Nhẩm tính bên bóng đá vào khoảng 100 cầu thủ, trung bình mỗi người 5.000 USD/tháng. Trời, mỗi năm tốn đến 6 triệu USD! Còn bóng chuyền không trả lương suốt năm như bóng đá mà chỉ theo thời vụ nên chỉ tròm trèm nửa triệu USD/năm.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn mà mỗi năm tốn hơn 6 triệu USD cho khoản thuê mướn VĐV ngoại thì quả là không nhỏ. Và càng không nhỏ nữa khi hiệu quả mang lại cho xã hội xem ra cũng chẳng lớn. Bằng chứng là sự quan tâm của khán giả - thể hiện trên khán đài - khá thấp!
Đau hơn nữa, lực lượng ngoại binh đến với bóng chuyền, bóng đá Việt Nam không phải ai cũng ngon lành. Bên bóng đá không ít ngoại binh chơi rất vật vờ, còn bóng chuyền thì không ít lão tướng đã “rửa tay gác kiếm” ở Thái Lan.
Vì vậy, gọi là chảy máu ngoại tệ có lẽ cũng không quá lời!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận