18/01/2008 01:28 GMT+7

Khám phá sông Đà (Kỳ 2): Người lái đò sông Đà

BINH NGUYÊN - ĐỖ HỮU LỰC
BINH NGUYÊN - ĐỖ HỮU LỰC

TT - Đã từ lâu, chúng tôi luôn muốn diện kiến người lái đò sông Đà, người ăn sóng nói gió luôn chiến thắng thần sông, thần đá, đưa con thuyền "vút qua cổng đá” với thân hình "to cao, gọn quánh như chất sừng chất mun..." như trong bút ký của nhà văn Nguyễn Tuân.

Kỳ 1: Dòng sông cổ tích

vhgjCXT5.jpgPhóng to

Ảnh: Binh Nguyên

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Và trong suốt cuộc hành trình ngược sông Đà, những người lái đò sông Đà đã là tình thân, sống chết với chúng tôi hiện ra với nhiều tính cách.

Những "kẻ vượt thác"

Đi dọc sông Đà từ hạ lưu đến thượng nguồn bằng đường thủy, những người lái đò sông Đà mà chúng tôi gặp hầu hết là dân sông nước nối đời.

Anh lái đò Lê Văn Căn, 37 tuổi, ở xã Cổ Đô, Ba Vì (Hà Tây) mưu sinh dọc đoạn sông Đà từ ngã ba Hồng Đà đến thủy điện Hòa Bình, cho biết gia đình anh gắn bó với sông Đà bao đời anh cũng không thể biết được, chỉ biết rằng khi anh sinh ra đã thấy ông nội anh, cha anh lái đò trên sông Đà rồi. Căn kể ngày xưa con sông Đà phía hạ lưu khủng khiếp không kém thượng nguồn. Căn lớn lên giữa ba lần sông Đà dìm đắm con thuyền bé nhỏ của gia đình mình.

Cũng như bao trẻ thơ làng chài dọc sông Đà, Căn biết bơi từ năm lên bốn, lên năm và biết điều khiển mái chèo khi lên sáu, mà theo anh đó là những kỹ năng sinh tử của cư dân làm nghề đưa đò sông Đà. Và cũng giống phần nhiều trẻ em làng chài dọc sông Đà, sự học hành bao giờ cũng là chuyện xa vời, Căn chỉ mới học hết lớp 2, đến bây giờ không nhớ nổi mặt chữ.

Hỏi Căn làm sao thi được bằng máy trưởng để điều khiển con thuyền, anh thật thà: Tôi "chạy". Nhưng với Căn, bằng cấp anh để mốc meo trong gầm tủ từ lâu lắm rồi, chính kinh nghiệm cha ông truyền lại để đối mặt với dòng sông hung hãn bậc nhất này mới là quan trọng.

3PR6hEKO.jpgPhóng to
“Kẻ vượt thác” Lò Văn Chính (áo sẫm): “Dòng sông đã chọn tôi” - Ảnh: Xuân Trường
Còn với Lò Văn Chính, 40 tuổi, dân tộc Thái, ngụ tại xã Mường Tè, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), người được mệnh danh là "kẻ vượt thác", cũng kế nghiệp cha truyền con nối nghề sông nước. Cho dù giờ đây với một tiệm bách hóa lớn nhất nhì xã Mường Tè có thể nuôi gia đình sung túc, nhưng anh vẫn chọn cái nghiệp sông nước mưu sinh, mà lại chọn ngay đoạn sông hiểm trở nhất Đà giang: Mường Tè - Pắc Ma.

Trong đêm vượt qua con thác Hát Vá khủng khiếp để lên được đồn biên phòng biên giới, anh Chính tâm sự: "Nhiều người bảo hết cách sống trên bờ mới mò xuống sông Đà chạy thuyền đò là không hiểu nghề này. Sông Đà chọn người chứ không phải người chọn sông Đà”. Đã bao đồng nghiệp của Chính gửi xác lại thác Hát Vá, Kẻng Mỏ, Hát Loóng, Hót Gió..., riêng anh vẫn một đời sông nước vì anh chính là người mà dòng sông đã chọn.

Sông chọn người

Mới 25 tuổi nhưng Chu Huy Toản đã có bảy năm lái thuyền xuôi ngược dọc sông Đà đoạn từ Mường Lay (Điện Biên) về bến Hủa Loón (Mường La, Sơn La). Cha của Toản đã cho anh tập lái thuyền máy từ năm lên 10 tuổi. Thay cho những bài học ê a, làm văn làm toán là những bài học xương máu tránh đá ngầm, tránh xoáy nước và vượt thác ghềnh.

Suốt những ngày từ Pá Vinh, Sơn La lên Mường Lay, Điện Biên, chúng tôi luôn tự hỏi đã bao nhiêu lần Toản cứu cả đoàn qua cơn nguy khốn khi rơi vào những vực nước xoáy?

Mới qua đến bến Hủa Loón chừng 3km, thuyền chúng tôi đã đối mặt ngay với con thác đầu tiên. Từng làn tung bọt tràn qua những tảng đá nằm gần kín hết khúc sông như một "trận địa" ngầm, chỉ một chút sơ sẩy là con thuyền có thể vỡ tung khi lọt vào "trận địa" này.

Toản rất bình tĩnh cho thuyền đi chậm lại và len lỏi lách qua những tảng đá. Có lúc tưởng chừng như xoáy nước đã cuốn con thuyền vào mỏm đá đen sì, nhưng với tư thế lái rất cừ khôi bằng hai tay và một chân, anh như nghệ sĩ làm xiếc giữa dòng sông để đưa cả đoàn vượt thoát cạm bẫy chết người một cách ngoan cường.

Klti8zKr.jpgPhóng to
Những người lái đò tí hon trên sông Đà - Ảnh: X.T.

Nếu không nói ra không ai tin Cà Văn Nghiệp đã từng là một sĩ quan quân đội trước khi trở thành người lái đò sông Đà. Nghiệp có đến 13 năm phục vụ trong quân đội với quân hàm trung úy, đã từng chỉ huy tác chiến tiễu phỉ Vàng Pao khắp các đỉnh núi, cánh rừng Mường Tè, Mường Nhé, Mù Cả... Nghiệp là người kiệm lời nhưng rất tháo vát, không chỉ lái đò mà anh còn tình nguyện giúp chúng tôi trong việc dựng lán trại, nấu cơm, lên rừng tìm củi... những khi đoàn chúng tôi phải ngủ lại giữa mom sông hoang vắng.

Trong một đêm trời đầy sao chúng tôi dựng lều qua đêm trên bãi hoang gần Hủa Loón, Nghiệp tâm sự: "Ban đầu cũng định phục vụ quân đội lâu dài, nhưng thương vợ ở Mường Lay heo hút đợi chồng, tôi xin ra quân vào năm 2006, vợ mở quán, còn tôi xuống sông phụ người ta lái đò. Được cái mùa lũ không chạy thuyền thì lên bờ ai kêu gì làm nấy để được gần vợ và lo cho thằng cu mới 10 tuổi. Sông Đà không bao giờ từ chối những người chăm chỉ như tôi".

Có lẽ người lái đò sông Đà làm tôi ngạc nhiên nhất là chú bé Nguyễn Văn Quyết, 16 tuổi - người đưa chúng tôi trong chặng hành trình thứ hai từ Hòa Bình lên Sơn La. Khi có ai đó hỏi giấy phép lái thuyền thì Quyết luôn chống chế: "Cháu đã có bằng rồi nhưng cất ở nhà”. Quyết chỉ lái phụ cho anh Giang, nhưng anh Giang thường ngủ và nấu cơm, còn chú vẫn cầm lái suốt. Vậy mà anh Giang vẫn chưa tỏ tường về người phụ việc này: "Có người gửi nó xuống thuyền học việc, tôi cũng chẳng biết nó tên gì, nhà ở đâu".

Quyết có biệt tài lái thuyền bằng chân và phán đoán hướng đi trong đêm. Quyết xuống thuyền HB 0228 hai năm rồi và đã từng làm mọi nghề ở bến cảng Bích Hạ, từ khuân vác, chạy chợ đến trông thuyền cho chủ... Vậy mà giờ đây chú đã là một trong số ít người rành đường nhất để có thể đưa thuyền từ thủy điện Hòa Bình lên tới công trình thủy điện Sơn La.

Quyết tâm sự: "Ước mơ lớn nhất của cháu là có đủ tiền sắm một con thuyền nhỏ do mình làm chủ thôi". Hầu như không ai biết được gia cảnh, cha mẹ Quyết, bởi theo nhiều người, Quyết là một đứa trẻ đường phố và cuộc sống trên bờ đã từ chối nó. Nhưng những ngày lênh đênh cùng Quyết, chúng tôi hiểu sông Đà đã chọn chú bé.

________________

Chúng tôi "bước" lên nấc thang đầu tiên của sông Đà cao hơn 100m, rồi phải vượt qua đập thủy điện cao 128m, để từ đó vượt qua hơn 70 ghềnh thác "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”.

Kỳ tới: Lên thác, xuống ghềnh

BINH NGUYÊN - ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên