30/03/2009 08:11 GMT+7

Khám chữa bệnh theo Luật Bảo hiểm y tế: "Khỏe" tuyến trên, "oải" tuyến dưới!

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Theo quy định của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ 1-7, tại TP.HCM sắp tới sẽ có hàng triệu người đang đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh phải trở về… tuyến y tế cơ sở (quận huyện, phường xã). Điều gì sẽ xảy ra?

Hb9uGZg6.jpgPhóng to
Mặc dù chưa đến giờ khám bệnh nhưng các bệnh nhân diện BHYT đã tập trung trước để lấy số chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp ngày 25-3) -Ảnh: T.T.D.

Theo quy định này, trừ những trường hợp được Bộ Y tế quy định, tại TP.HCM những người đang đăng ký KCB ban đầu tại chín BV tuyến tỉnh (thuộc Sở Y tế TP) như An Bình, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, 115, Gia Định, Trưng Vương, BV Đa khoa khu vực Củ Chi, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức và BV Điều dưỡng - phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp TP sẽ quay về tuyến y tế cơ sở đăng ký KCB ban đầu khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Ngoài ra, người có thẻ BHYT tại bảy BV thuộc các bộ, ngành khác cũng sẽ không được tiếp tục đăng ký KCB ban đầu tại những BV này.

Tuyến dưới sẽ quá tải!

Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, TP có trên 3 triệu người tham gia BHYT (tính đến quý 1-2009). Hơn 3 triệu người này đang đăng ký KCB ban đầu tại 100 cơ sở y tế đóng trên địa bàn TP. Trong đó có khoảng 1,4 triệu người đã đăng ký KCB ban đầu tại 24 BV quận huyện, gần 1,3 triệu người đăng ký KCB ban đầu tại 16 BV công lập tuyến tỉnh, trên 370.000 người đăng ký tại 60 phòng khám đa khoa, BV đa khoa tư nhân và trạm y tế cơ quan. Đến nay, tại TP.HCM không có trường hợp nào đăng ký KCB ban đầu tại các trạm y tế phường, xã!

Do chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn Luật BHYT và bộ trưởng Bộ Y tế cũng chưa có quy định cụ thể đối tượng nào được đăng ký KCB ban đầu tại BV tuyến tỉnh nên chưa biết chính xác bao nhiêu người sẽ phải quay về tuyến cơ sở. Tuy nhiên, những trường hợp theo quy định của Bộ Y tế chắc chắn sẽ không nhiều. Do đó, có thể có hàng triệu người đang đăng ký KCB ban đầu tại các BV tuyến tỉnh ở TP.HCM phải quay về đăng ký ở tuyến cơ sở sau khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng.

Theo Bảo biểm xã hội TP, tại TP.HCM người dân hầu như không ai muốn đăng ký KCB ban đầu ở trạm y tế phường, xã. Khi thực hiện Luật BHYT cũng không hi vọng người dân sẽ về trạm y tế phường xã đăng ký. Do đó, hàng triệu người đang đăng ký KCB ban đầu tại 16 BV tuyến tỉnh sẽ đổ về 24 BV quận huyện. Trước thực tế này, ngay từ đầu năm 2009, Bảo biểm xã hội TP đã có văn bản gửi giám đốc các BV quận huyện đề nghị cho biết khả năng có thể tiếp nhận được bao nhiêu thẻ BHYT trong năm 2009. Các BV quận huyện đã báo tối đa chỉ có thể tiếp nhận hơn 2,1 triệu thẻ, tăng thêm 700.512 thẻ so với số thẻ đang tiếp nhận hiện nay.

Bác sĩ Phạm Bảo Lâm - giám đốc BV Bình Thạnh - cho biết BV Bình Thạnh đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, nhiều bệnh nhân BHYT phải xếp hàng khám bệnh từ 4g-5g sáng, BV phải tăng cường khám cho bệnh nhân BHYT cả ngày thứ bảy và đang chuẩn bị triển khai khám cả ngày chủ nhật. Nếu số thẻ BHYT ở tuyến dưới trên dồn về tuyến dưới quá nhiều e rằng BV không kham nổi.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Hữu Nghĩa - giám đốc BV Q.3 - cho hay dù chật hẹp nhưng BV vẫn cố gắng tiếp nhận KCB ban đầu cho hơn 62.000 người có thẻ BHYT, BV phải tận dụng cả hành lang để có nơi làm việc và tiếp nhận BN mà cũng không đủ chỗ. BV Tân Phú còn chật hẹp hơn cả BV Q.3. BV này phải tận dụng từng ô cầu thang, hành lang để làm nơi tiếp nhận và KCB cho dân. Năm qua, BV Tân Phú “gồng” được hơn 98.000 lượt bệnh nhân BHYT đến KCB (chưa kể bệnh nhân thường). Quý 1-2009 có khoảng 50.000 người đăng ký KCB ban đầu tại đây.

Tuyến trên: đỡ lỗ, bớt áp lực

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nếu các BV tuyến trên không phải tiếp nhận KCB ban đầu cho người có thẻ BHYT sẽ “khỏe” hơn, đỡ lỗ hơn, bớt áp lực hơn, tạo điều kiện cho BV đầu tư chuyên khoa sâu.

Bác sĩ Lê Thanh Chiến - giám đốc BV cấp cứu Trưng Vương - cho biết năm 2008 BV tiếp nhận hơn 228.000 lượt khám BHYT, số bệnh nhân này chiếm gần 57% tổng số người đến khám bệnh. Tổng số bệnh nhân BHYT điều trị nội trú năm qua chiếm đến 34% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại BV. Năm 2008, kinh phí nhà nước cấp cho BV Trưng Vương là 30 tỉ đồng, viện phí thu được 100 tỉ (trong đó thu từ BHYT 47 tỉ đồng). Nếu không có nguồn thu từ BHYT thì BV sẽ có kế hoạch điều chỉnh tăng hoạt động KCB dịch vụ để bù lại. Theo bác sĩ Lê Thanh Chiến, thời gian qua người bị bệnh nhẹ hay nặng cũng đến BV Trưng Vương khám bệnh. Thành ra các bác sĩ giỏi, bác sĩ chuyên khoa sâu hằng ngày phải khám bệnh... cảm cúm thông thường như tuyến y tế cơ sở.

Theo bác sĩ Lý Lệ Thanh - giám đốc BV Nguyễn Trãi, thật ra càng khám cho bệnh nhân BHYT thì BV càng lỗ vì BHYT trả công khám chỉ 3.000 đồng/lần. Nếu không còn tiếp nhận KCB ban đầu cho bệnh nhân BHYT, BV sẽ “khỏe” hơn nhiều.

Bác sĩ Hà Văn Lợi - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhân dân 115 - cho hay 50% bệnh nhân nội trú của BV là người bệnh BHYT, 60-70% bệnh nhân ngoại trú cũng là đối tượng BHYT. Nếu không tiếp nhận đăng ký KCB ban đầu cho người có thẻ BHYT thì BV sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân BHYT chuyển viện từ các BV khác về. Tuy nhiên, thông thường bệnh nhân chuyển viện bao giờ cũng được bác sĩ tuyến trên điều trị “rộng” tay hơn. Khi đó, kinh phí phát sinh cao hơn (do BV tuyến dưới chi trả), liệu BV quận huyện có chịu cho bệnh nhân chuyển viện không?

Còn nhiều băn khoăn

Một giám đốc BV cho rằng mua thẻ BHYT là mua dịch vụ KCB, là dịch vụ thì người mua phải được quyền chọn lựa nơi KCB ban đầu mà họ tin tưởng nhất. Trong khi 24 BV quận huyện có cơ sở vật chất không đều nhau, nhân lực, trình độ chuyên môn, trang thiết bị chênh lệch nhau, sao lại có thể buộc người mua phải đến nơi này hoặc nơi khác đăng ký? Chắc chắn người dân sẽ chọn những BV quận huyện họ tin cậy. Còn các trạm y tế phường xã càng không hi vọng dân sẽ về đó đăng ký KCB. Vì thế, sẽ xảy ra tình trạng có BV quá tải bệnh nhân BHYT nhưng cũng có nơi không có bệnh nhân đăng ký KCB ban đầu.

Nhiều BV quận huyện cho rằng hằng năm họ phải chuyển viện 10.000-20.000 bệnh nhân BHYT lên BV tuyến trên điều trị. Có nơi tỉ lệ chuyển viện lên đến 10-13%. Nguyên nhân chuyển viện là do BV không điều trị được hoặc do bệnh nhân đòi chuyển vì không tin tưởng BV, ngoài ra còn có những loại bệnh mà BV chữa được nhưng không có thuốc vì bị khống chế bởi danh mục thuốc của Bộ Y tế. Cụ thể, danh mục thuốc của Bộ Y tế cho BV tuyến trung ương được sử dụng 1.049 loại thuốc, BV tuyến tỉnh được sử dụng 1.033 loại. Thế nhưng, BV quận huyện chỉ được 672 loại thuốc, còn trạm y tế phường xã chỉ được 334 loại. Cũng có giám đốc BV nói rằng họ rất ngại chuyển viện vì BV tuyến trên hay “phóng tay” không cần thiết trong khi BV tuyến dưới phải chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi phí.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên