15/02/2014 03:05 GMT+7

Khai thông tuyến đường thủy rồi... bỏ đó

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - TP.HCM đầu tư vốn cho một dự án công trình giao thông thủy kéo dài hàng chục năm, nhưng khi đưa vào sử dụng lại không phát huy hiệu quả vì tàu bè không lưu thông được do cầu có tĩnh không thấp.

kCtP8vri.jpg
Sà lan chở cát trên 300 tấn phải neo đậu bên ngoài cầu Giồng Ông Tố cũ rồi dẫn đường ống nhựa bơm cát cho một dự án ở quận 2, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Dự án nạo vét luồng “Khai thông tuyến đường thủy nối từ ngã ba Đèn Đỏ đến Nhà máy ximăng Hà Tiên 1” (Q.2, TP.HCM) dài 5,2km đã làm xong năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Đứng trên luồng rạch Giồng Ông Tố này, chúng tôi không thấy bóng dáng con tàu chở hàng hóa nào xuôi ngược mà chỉ có vài ba chiếc xuồng nhỏ của người dân đi lại. Ông Ngô Quang Mãnh - giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM - nhìn nhận từ khi khai thông tuyến giao thông thủy trên đến nay tàu bè vẫn không đi được vì cầu Giồng Ông Tố cũ có độ tĩnh không thấp đã chắn ngang rạch Giồng Ông Tố. Theo ông Mãnh, chỉ khi nào xây dựng mới cầu Giồng Ông Tố để nâng cao tĩnh không cầu thì tuyến giao thông này mới hết ách tắc. Như vậy, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 33 tỉ đồng (trong đó vốn xây lắp khoảng 12 tỉ đồng, phần còn lại là tiền đền bù giải tỏa...) đã không phát huy hiệu quả sau khi dự án hoàn thành. Bởi vì mục tiêu khai thông tuyến đường thủy này là nhằm cho tàu, ghe có trọng tải 300 tấn lưu thông để giảm bớt số lượng phương tiện thủy đi trên sông Sài Gòn (đang quá tải) đã không được thực hiện.

Chưa kể dự án trên lập cách đây khoảng 10 năm đã xác định khơi thông luồng cho tàu, ghe, sà lan có trọng tải 300 tấn lưu thông, nhưng phần lớn doanh nghiệp đầu tư tàu, sà lan có trọng tải trên 1.000 tấn. Ông Mãnh cho biết tuyến đường thủy này cho tàu 300 tấn lưu thông 24/24 giờ, còn với các tàu có trọng tải lớn hơn thì chờ nước lớn để lưu thông.

Khu Quản lý đường thủy nội địa TP.HCM đã mất hơn 10 năm trong việc làm các thủ tục đầu tư dự án “Khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn-sông Đồng Nai qua ngả Rạch Chiếc (Q.Thủ Đức)”. Kinh phí đầu tư cho dự án này lên đến 119,8 tỉ đồng và đang triển khai đền bù. Thế nhưng dự án này cũng xác định mục tiêu khi hoàn thành chỉ cho tàu có trọng tải 300 tấn lưu thông. Theo ông Ngô Quang Mãnh, có thể điều chỉnh dự án nạo vét cho tàu có trọng tải 1.000 tấn lưu thông nhưng kinh phí đầu tư sẽ tăng cao gấp vài chục lần vì tiền đền bù giải tỏa nhiều và quy mô giải tỏa lớn làm phá vỡ quy hoạch của địa phương.

Nhận định về các dự án khai thông tuyến đường thủy ở TP.HCM chỉ cho tàu có trọng tải 300 tấn lưu thông, một cán bộ Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng dự án như vậy sẽ không mang lại hiệu quả vì thực tế có rất ít tàu, sà lan loại nhỏ đi lại.

Vị cán bộ trên cho rằng TP cần rút bài học lãng phí hàng trăm tỉ đồng xây dựng cảng sông Phú Định (Q.8) với việc xây dựng 11 cầu cảng có trọng tải 300-375 tấn. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp vận tải đường thủy có tàu, sà lan từ 1.000 tấn trở lên đều từ chối cập cảng này vì luồng đường thủy không cho tàu có sức chở lớn lưu thông và cầu cảng Phú Định quá nhỏ cũng không cho tàu, sà lan có sức chở lớn cập cầu cảng.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên