![]() |
Người dân đến làm thủ tục giấy tờ tại trung tâm hành chính quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Theo nghị định này, thời hạn xem xét cấp các giấy tờ liên quan đến hộ tịch (xác nhận các sự kiện: sinh, kết hôn, chết, nuôi con nuôi, nhận cha mẹ, xác định lại giới tính, dân tộc...) được rút ngắn đáng kể.
Cụ thể UBND cấp xã khi xem xét cấp các giấy tờ nói trên phải hoàn tất trong vòng năm ngày kể từ ngày người dân nộp đủ giấy tờ hợp lệ và trong trường hợp cần phải xác minh thì cũng chỉ được kéo dài không quá năm ngày.
Giảm bớt giấy tờ đối với đăng ký khai sinh
Đối với đăng ký khai sinh, không đòi hỏi nhất thiết phải có giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của người làm chứng (đối với trường hợp trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế và không có người làm chứng) mà chỉ cần làm giấy cam đoan về việc sinh là có thật.
Ngoài ra, yêu cầu về giấy đăng ký kết hôn của cha, mẹ trẻ em cũng không phải là bắt buộc và cán bộ tư pháp hộ tịch nếu biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em có thể không yêu cầu người đăng ký khai sinh cho trẻ xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cha, mẹ trẻ em...
So với qui định trước đây, khi làm khai sinh đã giảm bớt những yêu cầu về sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú của người mẹ, đồng thời giảm bớt các điều kiện đối với người làm chứng cho việc sinh trẻ em (theo nghị định 83/1998, người làm chứng bắt buộc phải trên 18 tuổi, có năng lực và hành vi dân sự, không có quyền lợi và lợi ích liên quan).
Việc khai sinh phải được cha, mẹ (hoặc ông, bà, người thân) làm trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra. Nếu quá thời hạn này, giấy khai sinh cũng sẽ vẫn được cấp nhưng sẽ ghi rõ trong sổ khai sinh là “đăng ký quá hạn”.
Đối với giấy khai sinh bản chính bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều được cấp lại bản chính giấy khai sinh nếu sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được và sẽ do UBND cấp huyện nơi giữ sổ đăng ký khai sinh thực hiện.
Tương tự, việc đăng ký khai tử sẽ do UBND cấp xã nơi người chết cấp và việc khai tử sẽ do thân nhân của người chết chịu trách nhiệm. Trong trường hợp người chết không có thân nhân thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử và thời hạn đi khai tử là 15 ngày, kể từ ngày chết.
Quá thời hạn này, việc khai tử vẫn được tiến hành nhưng trong sổ đăng ký khai tử sẽ ghi rõ “đăng ký quá hạn”.
Không giới hạn ngày phải đăng ký kết hôn
Thủ tục đăng ký kết hôn cũng chỉ yêu cầu hai bên nam, nữ nộp tờ khai (theo mẫu qui định) và xuất trình giấy chứng minh nhân dân. So với trước đây, qui định mới đã xóa bỏ yêu cầu phải có giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế đối với trường hợp nghi ngờ một bên hoặc hai bên mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức được hành vi của mình hoặc mắc bệnh hoa liễu.
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ do UBND cấp xã nơi cư trú của người đăng ký kết hôn cấp (đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang thì việc này sẽ do thủ trưởng của đơn vị đảm nhiệm).
Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động tại nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, phải có xác nhận của cơ quan ngoại giao, lãnh sự VN tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có hiệu lực đến 60 ngày (trước đây chỉ 30 ngày), đồng thời không giới hạn thời hạn đăng ký kết hôn (trước đây phải đăng ký kết hôn trong bảy ngày kể từ khi UBND cấp xã thông báo cho cho hai bên nam nữ biết hồ sơ đã đủ điều kiện đăng ký kết hôn). Các qui định về lễ đăng ký kết hôn cũng không còn.
Thay đổi giới tính: kết luận của cơ quan y tế là căn cứ quyết định
Một trong những điểm mới đáng chú ý của nghị định 158 là việc qui định khá cụ thể về các trình tự thủ tục và căn cứ cho việc xác định lại giới tính trong hộ tịch. Theo đó, chỉ cho phép xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận