Phóng to |
Ông Tư Phú đã có nửa đời người tìm cách trị phèn trên đồng ruộng - Ảnh: D.T.Hùng |
Kỳ 1: Nữ tập đoàn trưởngKỳ 2: Làm giàu trên vùng đất hoangKỳ 3: Chinh phục vùng đất chếtKỳ 4: Ba Hạo khai trí trồng khoai
Một phen vác cuốc ra đồng
Quê gốc Tân Châu (An Giang), năm 1978 ông Tư Phú - Châu Thành Phú - có mặt ở vùng đất phèn khu 4 (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Ở đây, ông vừa khai phá đất phèn làm ruộng, vừa chạy ghe chở lúa gạo buôn bán xuôi ngược miền Tây - Sài Gòn. Năm 1988, nghe theo tâm nguyện của mẹ, ông về quê mua đất làm ruộng vì muốn con cháu ăn chắc mặc bền, tránh cảnh bon chen phố chợ. Và ông chọn một góc tứ giác Long Xuyên này (cầu số 10, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang) dừng chân lập nghiệp.
Bữa đầu tiên đậu ghe vô, nhìn màu nước phèn đỏ quạch như cau khô, cá tép không con nào sống nổi, ông biết mình đang phải đối mặt với thiên nhiên đầy khắc nghiệt. Bữa sau vô đồng toàn vùng bao la rộng lớn chỉ thấy cỏ và cỏ, thấp thoáng trong đó mấy chiếc máy cày đang vỡ đất hoang, mà chỉ thấy mui chứ không thấy máy, xung quanh cỏ cao lút đầu người, ông cảm thấy lòng mình thêm trĩu nặng. Rồi lại thấy cảnh người dân đi kinh tế mới khai hoang thất bại, rủ nhau bán đất bỏ của chạy lấy người ông càng thêm nản chí.
Trên đồng ruộng lúc đó hầu như lúa không có cơ hội sống sót với màu phèn đỏ quạch. Sau vài mùa khai hoang rồi xuống giống, người dân bỏ đất hoang trở lại bởi ai nấy đều lỗ lã, tiền của đổ vô như gió thổi vào nhà trống. Trong tình cảnh đó, đêm nằm suy nghĩ ông đã có ý định rút lui. Nhưng lại nhớ câu hát: Một phen vác cuốc ra đồng, Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai, vậy là ông quyết tâm trụ lại. Ông bắt đầu kêu người bán đất cho mình.
Nghe ông kêu mua đất người ta mừng quýnh. Ai nấy cũng xúm tới năn nỉ ông lấy giùm, khỏi cần trả giá, thậm chí trả dần cũng được. Rồi ông xuống giống. Vụ một, vụ hai… Ông cũng có chút ít kinh nghiệm trị phèn hồi ở Đồng Tháp Mười, cũng xẻ kênh, bơm nước rạch vô. Nhưng phèn ở Đồng Tháp Mười không ác liệt bằng ở đây. Năm 1989, sau khi thất bại vụ 2 ông trở nên kiệt quệ, gia tài sự sản đều đội nón ra đi, chỉ còn duy nhất chiếc ghe tải là có giá trị. Ông đã tính tới chuyện “bỏ của chạy lấy người” như bao nông dân khác, trở về sống nghề ghe sông nước như cũ.
Phóng to |
Ông Tư Phú (bìa phải) tư vấn cho các nhà nông trẻ học cách trị phèn - Ảnh: D.T.Hùng |
“Nuôi đàn bà đẻ”
Nhưng ông nói “trước khi chết con nào cũng vùng vẫy”, vậy nên ông quyết chí đánh bạc lần cuối với phèn, chấp nhận “nhất chín nhì bù”. Tận dụng những “kinh nghiệm xương máu” có được từ nước phèn, ông làm một thí nghiệm: múc một thùng nước phèn đầy, bỏ vô đó hai nắm vôi. Lập tức nước búng bọt lên sôi ùng ục rồi lắng xuống. Đợi chừng hai giờ, ông bỏ thêm hai nắm vôi nữa. Nước cũng búng bọt rồi lắng xuống. Lần này thì màu nước từ đỏ chuyển sang trắng đục. Ông hớp thử thì vị không còn chát chua như trước. Ông nghĩ sao mình không xử lý nước phèn như vầy xong lấy nó trồng lúa!
Rồi ông bơm nước phèn vô ruộng. Cứ một cữ nước từ sáng tới chiều ông thả vô 350kg vôi. Ông dùng nước vôi đó ngâm trong đất cả buổi rồi xả ra, cho phèn trong đất được xả theo. Ông nói đó là cách “súc chai”, cứ dùng vôi hạ phèn rồi lấy nước đó “súc” ruộng năm lần bảy lượt cho tới khi sạch phèn mới thôi. Cuối cùng thì có nước không phèn, có thể trồng lúa được. Ngoài ra, ông cũng học được phương pháp sạ ngầm trên đất phèn, tức là gieo hạt lúa khi mặt ruộng ngập nước - tới nửa vế hay ngang đầu gối là vãi - so với trước đây nông dân vẫn gieo lúa trên ruộng khô. Cách làm này ông học được của Trung tâm Khuyến nông An Giang qua nhiều lần đi dự tập huấn, hội thảo khoa học về đất phèn.
Như thấy được ánh sáng cuối đường hầm, ông quyết định bán rẻ chiếc ghe, tài sản duy nhất còn lại với giá phân nửa giá trị: 6,5 lượng vàng. Ông đánh canh bạc chót với đất phèn. Vụ mùa năm 1990, trong đồng lúc đó chỉ duy nhất ruộng ông là lúa sống. Dù vậy lúa cũng không tốt lắm, nơi vàng vọt, chỗ đứng lá. Ông nhổ một bụi lúa coi thử thấy rễ không phát triển, ông biết nó bị ngộ độc phèn. Ông coi tài liệu thấy nói “phân super lân cắt cơn, vôi giải độc” liền dùng hai loại phân này rải đều trên ruộng.
“Nhưng mà không phải đụng đâu rải đó nghen - ông phân tích - phải lựa lúc cây lúa bệnh ra sao, thần sắc thế nào, nước nôi tới đâu, cao hay thấp, chua hay ngọt… mới cho toa bốc thuốc, giống như chăm sóc đàn bà đẻ vậy. Cây lúa bị ngộ độc phèn sức lực suy yếu, bộ rễ bị quéo giống như bà đẻ bị lở cái miệng, đâu ăn uống gì được. Mình cứ ép ăn, tức là bón phân đạm vô cũng như không. Lúc đó phải trị cái gốc là giải độc phèn trước, cho uống nước, ăn cháo từ từ. Cơ thể khỏe mạnh rồi mới bón thúc cho trổ bông. Bà đẻ khỏe mạnh mới ăn được nhiều, mới có sữa cho con bú…”.
Với cách “nuôi đàn bà đẻ” áp dụng vô cây lúa, năm đó ruộng ông lần đầu tiên lúa trổ bông rồi chín vàng. Tuy năng suất còn thấp, 5 tấn/ha, nhưng người ta đổ xô tới coi như có phép lạ. Ông nghĩ bụng: “Mình hết chết rồi”. Tới vụ mùa kế tiếp chẳng những gieo hết đất nhà, ông còn kêu máy cày khắp ruộng nào bỏ hoang, xuống giống lấp đầy diện tích hơn 50ha. Năng suất những năm sau tiếp tục tăng lên 6 tấn, 7 tấn, 8 tấn rồi 10 tấn/ha/vụ đông xuân. Dân trong vùng gọi ông là “vua trị phèn” từ đó.
“Đâu có phèn là ông cứ đi”
Ông Tư Phú luôn sẵn lòng giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn trong làm lúa. Tuần rồi tôi đi gặp ông để viết bài này, vừa tiếp chuyện tôi, ông vừa lật đật vô đồng tiếp chuyện bốn anh nông dân ở tận huyện Châu Phú qua “cầu thầy”. Họ nhờ ông chỉ giúp cách trị bệnh đạo ôn đang hoành hành trên 50 công ruộng. Ông dẫn bà con vô ruộng mình chỉ cách làm mẫu, rồi chạy qua tận ruộng đang bệnh của bà con cách đó hơn chục cây số để chỉ cách chữa trị.
Hỏi: “Sao ông không tư vấn qua điện thoại?”, ông trả lời: “Có vụ “bệnh nhẹ” chỉ qua điện thoại được. Vụ này trầm kha rồi, giống như ung thư giai đoạn cuối vậy, phải trực tiếp chữa mới hết”. Rồi ông hối hả đội nón phóng xe gắn máy vọt thiệt lẹ. “Nhớ về sớm nghe. Tối nay ông còn phải coi tài liệu để sáng mai lên truyền hình tư vấn trong chương trình Nhịp cầu nhà nông nữa”, bà Nguyễn Thị The - vợ ông - nói với theo lúc bóng ông vừa khuất.
Bà kể ông bây giờ là người của xã hội rồi. Nay chỗ này, mai chỗ kia để tư vấn, chỉ cách cho nông dân trong vùng kỹ thuật trồng lúa. Ngay cả mấy thầy ở trường đại học cũng lên đây hỏi ông đủ thứ rồi ghi ghi chép chép cẩn thận, nghe nói làm đề tài gì đó về kinh nghiệm trên đất phèn.
Từ khi thành công trên đất phèn, ông bắt đầu đi khắp đồng ruộng trong vùng, “đâu có phèn là ông cứ đi”. Mà có bổng lộc, lương lậu gì đâu, toàn ăn cơm nhà, uống trà đá, nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kỹ thuật, thậm chí cầm tay chỉ việc, ở luôn trong đồng người ta cho tới khi xong việc… tất cả đều miễn phí với mọi nông dân trong vùng.
_________________
Dân trong vùng lũ thấy ông Hai Tân trồng dưa lấy làm lạ hỏi: “Bộ hết chuyện làm hay sao mà vô đây trồng dưa? Không thấy người ta chết dài dài vì dưa thất đó sao? Ở đây lúa còn chết huống gì dưa”. Nhưng ông quyết tâm làm liều: trồng dưa vào mùa lũ!
Kỳ tới: An Tiêm trong vùng lũ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận