22/05/2010 19:54 GMT+7

Khách, chủ tiệm photo đều phải trả tiền sao chép

Theo báo Pháp Luật TP.HCM
Theo báo Pháp Luật TP.HCM

Mỗi ấn phẩm chỉ được photo dưới 30% số trang. Học sinh, sinh viên, nhà báo, thẩm phán… phải đóng tiền sao chép hằng năm.

Chủ cửa hàng photo phải “đóng thuế” sao chép. Người sao chụp tư liệu trái phép với số lượng lớn vì mục đích thương mại có thể bị phạt tù.

Đại hội thành lập Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam nhiệm kỳ I (2010-2015) đã diễn ra tại Hà Nội hôm qua, 21-5. Hiệp hội đã bầu GS Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục Việt Nam, làm chủ tịch; bà Đoàn Thị Lam Luyến làm phó chủ tịch. Theo quyết định thành lập, Hiệp hội có nhiệm vụ: Tập hợp ủy thác quyền để quản lý vốn tác phẩm của hội viên; thực hiện đàm phán, cấp phép sử dụng độc quyền sao chép tác phẩm dưới hình thức sao chụp và sử dụng số trên cơ sở hợp đồng ủy thác của hội viên; thiết lập biểu giá về tiền thù lao; thu và phân phối tiền thù lao cho hội viên; hợp tác các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ quyền sao chép…

Đây là hoạt động khá mới mẻ và có liên quan đến nhiều người, Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu những dự kiến của Hiệp hội.

* Phóng viên: Thưa bà, đối tượng nào sẽ được Hiệp hội bảo vệ thu tiền?

- Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả, tác phẩm văn học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam: Tất cả tác phẩm văn học, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, các tác phẩm âm nhạc… đã được bảo hộ, cấp phép. Hiệp hội sẽ đại diện cho các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu quyền tác giả khai thác kinh tế của các tác phẩm mà họ ủy quyền, thông qua việc cho phép sử dụng dưới hình thức sao chụp bằng máy photo hay sao chép số trên Internet.

Đóng tiền để trong sạch về pháp luật

* Người sử dụng tài liệu (người đi photo) sẽ được lợi gì khi phải trả phí quyền sao chép?

- Thông qua Hiệp hội, người sử dụng được đảm bảo rằng việc sử dụng của họ là trong sạch về mặt pháp luật và không phải đối mặt với nguy cơ có thể khiếu kiện về hành vi xâm phạm bản quyền tác giả. Ví dụ khi làm luận văn về tác giả Xuân Quỳnh, bạn tham khảo một tuyển tập có khoảng 50 nhà thơ. Vì tiền có hạn nên chỉ cần 15% tác giả trong cuốn sách tham khảo đó thôi. Và theo luật, bạn cũng chỉ được photo từng ấy tác phẩm thôi. Nếu photo hơn, đó là vi phạm pháp luật.

* Thưa bà, quyền sao chép với người sử dụng tài liệu được thực hiện như thế nào?

- Về cơ bản, Hiệp hội có quyền cho phép thu tiền người sử dụng sao chép dưới 30% số trang của một tác phẩm. Muốn photo nhiều hơn 30% số trang, người sử dụng phải xin phép và trả phí cho nhà xuất bản.

* Có thừa không bởi chúng ta đang có ba tổ chức bảo vệ quyền tác giả, thưa bà?

- Hiện nay chúng ta đang có ba tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc, ghi âm và văn học. Chúng ta chưa có tổ chức quản lý nào hoạt động trong lĩnh vực sao chép và sử dụng số.

rp5pkTWR.jpgPhóng to
Tới đây, người sao chụp tư liệu với số lượng lớn vì mục đích thương mại có thể bị phạt tù - Ảnh minh họa

* Theo bà, việc sao chép tác phẩm đang trở thành một vấn đề xã hội để phải quản lý?

- Đúng vậy. Theo khảo sát của nhiều tổ chức, có tác giả bị xâm phạm tới 50 lần. Chứ con số một tác phẩm bị sao chép 3-4 lần hoặc 10 lần là rất nhiều. Ví dụ như truyện Harry Potter mới chẳng hạn, khi NXB còn đang đóng gáy, bọc bìa thì trên mạng đã có hết rồi. Vì vậy, NXB đã giảm từ 1 triệu bản xuống còn 1.000 bản. Tất cả đều do không được bảo vệ bản quyền.

Chủ phpto phải nộp “thuế khoán”

* Vậy làm thế nào có thể kiểm soát máy photo đó “in thừa” tài liệu đó? Ai sẽ là người đứng ra bắt quả tang trong khi tình trạng máy photo tràn lan như hiện nay?

- Từ đây đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát mức độ sử dụng việc in sao chép tại các máy photo như thế nào rồi phối hợp các cơ quan nhà nước ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể đối với những hành vi xâm phạm trong việc sao chép trên. Hiệp hội sẽ yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quyền tác giả chấm dứt hành vi này, đồng thời thực hiện nghĩa vụ dân sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

* Vậy chủ của những chiếc máy photo có bị liên đới không, thưa bà?

- Chủ chiếc máy photo một tác phẩm không được phép cũng như một cơ sở in lậu, họ phải chịu trách nhiệm, thậm chí tội hình sự nếu như in rất nhiều tài liệu có tính thương mại. Người xâm phạm có thể bị buộc chấm dứt hành vi xâm phạm, phạt hành chính, buộc bồi thường thiệt hại, thậm chí xử lý hình sự và phạt tù (nếu sao chụp toàn bộ tư liệu với số lượng lớn). Với mức phạt như vậy, chủ máy photo không dám in toàn bộ cuốn sách. Như vậy tình trạng photo cả cuốn sách bày bán trên thị trường để thu lợi bất chính sẽ dần chấm dứt.

Học sinh, giáo viên, nhà báo, thẩm phán cũng phải nộp

* Còn với người nào chuyên đi photo sẽ bị đánh thuế? Liệu có quá khó không khi những nhóm người này thường xuyên thay đổi địa điểm photo?

- Giáo viên, học sinh thường đi photo các tác phẩm để phục vụ cho việc giảng dạy; cơ quan công quyền, kinh tế, tổ chức hành chính hay những đơn vị chuyên tổ chức hội thảo, hội nghị. Khi xử lý vụ án, nếu ông chánh án đi photo tài liệu cũng phải trả tiền. Nhà báo cũng là đối tượng thường photo. Chúng tôi sẽ khảo sát 1-3 tháng tổng ấn phẩm tại một cửa hàng photo là bao nhiêu, rồi lọc ra những ấn phẩm nào đang được bảo hộ để tính mức thu khoán hằng năm và kết hợp với cơ quan chủ quản hoặc hội nghề nghiệp để kết hợp thu.

Chúng tôi chỉ thu được 5% dự kiến

Việc ra đời Hiệp hội là rất cần thiết với những người sáng tác như chúng tôi. Tuy nhiên, làm thế nào để tất cả máy photocopy phải đăng ký, làm thế nào thu tiền thì phải có nhân sự, điều này không đơn giản. Như bên tôi, năm nay đòi được 30 tỉ (chiếm 5%). Còn lại 95% số tiền khác bị mất (kể cả cơ quan nhà nước cũng “quỵt” chúng tôi).

Nhạc sĩ Phan Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam

* Cách thu đối với học sinh, sinh viên, giáo viên sẽ thực hiện như thế nào? Mức thu sẽ như thế nào?

- Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới thì Hiệp hội sẽ kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để áp dụng mức thu khoán hằng năm với các đối tượng này.

Theo tính toán của chúng tôi, bình quân mỗi người có trình độ đại học trở lên trả 10.000 đồng tiền sao chụp/năm; học sinh THPT và THCS là 5.000 đồng/năm. Trong khi so với nước Na Uy, bình quân một người phải trả 7,13 USD/năm tiền sao chụp. Ở Thụy Sĩ, số tiền này là 10,5 euro.

* Kế hoạch trong thời gian tới của Hiệp hội sẽ như thế nào, thưa bà?

- Năm 2010, Hiệp hội chính thức đi vào hoạt động nhưng chưa có nguồn thu, chủ yếu tập trung việc phát triển hội viên. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nắm được các giáo trình có tác giả nước ngoài đang được giảng dạy để có thể trả được thù lao cho họ sau khi thu hồi được từ người sao chép. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng không đơn giản mà phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra văn hóa. Ngoài ra cũng phải tuyên truyền cho người dân ý thức tự kiểm soát và phát hiện sai phạm như một người cầm trên tay một cuốn sách mới được phôtô là bất hợp pháp.

* Việc thực hiện quyền sao chép với các ấn phẩm điện tử sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Đây là lĩnh vực đặc thù, chúng tôi sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu và phối hợp thực hiện.

. Xin cảm ơn bà.

Hoạt động của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (dự kiến)

Năm 2010, 2011: Phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất, nhân sự và thu tiền cấp phép sử dụng số cho một số công ty kinh doanh sách trực tuyến và thư viện tổng hợp hoặc chuyên ngành (trong nước) sẽ được khoảng 1 tỉ đồng.

Năm 2012: Thương lượng, ký kết hợp đồng sử dụng và thu tiền thù lao từ việc sử dụng sao chụp của giáo viên, học sinh (từ hệ THPT trở lên) với 500 đồng/người sẽ thu được 2,7 tỉ đồng và cấp phép sử dụng là 1,5 tỉ đồng.

Năm 2014: Tiền thù lao thu được từ việc sử dụng trong môi trường điện tử là 7 tỉ đồng. Tổng thu tiền cấp phép sử dụng hai nguồn này đến năm 2015 sẽ đạt 18,5 tỉ đồng.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên