09/11/2013 03:17 GMT+7

Khắc phục tính ăn vạ ở trẻ

THS NGUYỄN THỊ DIỆU ANH(khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1)
THS NGUYỄN THỊ DIỆU ANH(khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1)

TT - Bé A., 3 tuổi, được ba mẹ đưa đến khám tâm lý vì bé hay giành đồ chơi của bạn, không cho bạn chơi cùng. Nếu không được đáp ứng, bé sẽ giãy giụa, gào khóc, thậm chí nôn ói, ba mẹ đành phải đáp ứng.

Đòi hỏi của A. ngày càng tăng, hành vi ngày càng quá sức chịu đựng của ba mẹ.

Vì sao trẻ ăn vạ?

Hành vi ăn vạ được hình thành theo mô hình phản xạ có điều kiện như sau: trẻ muốn ăn bánh nên khóc, ba mẹ thấy khóc liền cho bánh, khi cho bánh thì trẻ nín khóc. Điều này lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ hiểu rằng chỉ cần có hành vi khóc sẽ được bánh, cha mẹ cũng hiểu rằng chỉ cần cho bánh trẻ sẽ nín khóc.

Ăn vạ là hành vi của một số trẻ khi không được đáp ứng nhu cầu. Những biểu hiện thường gặp như la khóc, giãy giụa, gào thét, nằm lăn ra sàn, đập đầu vào sàn hoặc tường, móc miệng cho nôn ói... nhằm gây sự chú ý, quấy rối cha mẹ hòng đòi cho được điều trẻ đang muốn. Trong những tình huống này, rất nhiều phụ huynh đáp ứng ngay để trẻ hết ăn vạ và hi vọng lớn lên trẻ sẽ tự hết. Tuy nhiên, trẻ có thể không hiểu những điều không được phép làm, gây khó khăn cho trẻ khi đi học hoặc sinh hoạt bên ngoài. Chưa kể nếu hành vi này không thay đổi, trẻ sẽ có xu hướng gây hấn, chống đối khi lớn lên.

Thay đổi cách ứng xử với trẻ

1. Cho giới hạn ngay từ bé:

Đặt giới hạn là giúp trẻ biết điều gì được và không được làm. Ví dụ, khi trẻ đòi chơi điện thoại di động của ba mẹ mà ba mẹ không muốn, cần nói cho trẻ hiểu đây là điện thoại của ba mẹ, điện thoại của con là món đồ chơi nằm ở kia. Đừng đợi đến khi trẻ có hành vi tiêu cực mới ra giới hạn. Mỗi ngày, trong mỗi tình huống, cha mẹ đều có thể làm, nhất là khi trẻ đòi gì đó cha mẹ thấy không hợp lý.

Nếu trẻ đòi hỏi không hợp lý, cha mẹ cần giải thích nhẹ nhàng và dứt khoát lý do không đáp ứng. Sau đó, hướng trẻ sang mối quan tâm khác. Trường hợp trẻ vẫn nằng nặc đòi hỏi, cha mẹ cần cương quyết không đáp ứng với vẻ mặt nghiêm hơn, giọng nói dứt khoát hơn và có thể lơ đi.

2. Cho giới hạn khi trẻ xuất hiện hành vi ăn vạ:

Nếu trẻ xuất hiện hành vi ăn vạ, phụ huynh cần thực hiện kỹ thuật phớt lờ, không chú ý đến hành vi tiêu cực của trẻ như sau:

- Không nhìn trẻ.

- Không nói chuyện, không tranh luận, không bàn cãi, không giải thích, không la mắng.

- Không bộc lộ cảm xúc.

- Để ý đến việc khác (nhưng vẫn trông chừng đến trẻ mà không để trẻ thấy, để kịp thời nắm bắt hành vi tốt của trẻ lúc đó).

- Thống nhất giữa các thành viên trong gia đình, thống nhất trong các tình huống.

Thực hiện kỹ năng này rất cần sự kiên nhẫn và dứt khoát vì trẻ có thể sẽ ăn vạ và lôi kéo phụ huynh suốt nhiều giờ liền. Phớt lờ còn có thể sử dụng với những hành vi tiêu cực nhẹ khác như nghịch đồ ăn, ném đồ chơi, leo trèo...

THS NGUYỄN THỊ DIỆU ANH(khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên