04/09/2013 07:01 GMT+7

Kêu gọi vốn tư nhân đầu tư hạ tầng

NHƯ BÌNH thực hiện
NHƯ BÌNH thực hiện

TT - Với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư (PPP), cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị đang được xem là ưu tiên hàng đầu.

mml7sA3w.jpgPhóng to
Công nhân thi công những hạng mục cuối của tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài để kịp thông xe vào ngày 28-9. Đây là dự án do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) - Ảnh: Thuận Thắng
HyshufWm.jpg

Bà Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: N.B.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong giai đoạn 2004-2012, TP.HCM có 25 dự án đầu tư theo hình thức BOT, BOO, BT đã và đang được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư ước tính gần 74.000 tỉ đồng. Trong đó, một số dự án tiêu biểu đã hoàn thành theo hình thức BOT là dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, Nhà máy nước Thủ Đức (BOO). Hiện nay, thành phố đã xây dựng một danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT trong giai đoạn sắp tới gồm 42 dự án với tổng mức đầu tư ước tính trên 158.000 tỉ đồng.

* Kế hoạch thu hút vốn vào hạ tầng của TP.HCM sắp tới như thế nào, thưa bà?

- Hiện nay vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách thành phố chiếm khoảng 12%/năm, giảm nhiều so với tỉ lệ 20% trước đây, điều đó cho thấy TP.HCM rất chú trọng việc kêu gọi vốn đầu tư hạ tầng ngoài ngân sách. Hiện trong thu hút vốn nước ngoài, thành phố đang tiếp nhận nguồn vốn từ Cơ quan Phát triển Pháp dành cho các chính quyền địa phương (AFD) và Ngân hàng Thế giới (World Bank). Đây là nguồn vốn để tư nhân, các thành phần kinh tế không thuộc Nhà nước vay.

Trong đó, AFD tập trung vào dự án công trình phúc lợi, bệnh viện..., còn World Bank dành nhiều cho hạ tầng. Đây là hai nguồn vốn lớn thành phố đã huy động và thực hiện trong nhiều năm qua. Vừa rồi TP.HCM cũng đã hoàn thiện dự án 50 triệu USD về cơ sở hạ tầng đúng kế hoạch năm năm theo cam kết giữa TP.HCM và World Bank, đồng thời đang chuẩn bị đề án để nhận nguồn vốn tiếp theo từ tổ chức này.

* TP.HCM đã chuẩn bị gì cho việc thu hút nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng thông qua mô hình PPP?

- Mô hình PPP hiện đại nhấn mạnh đến sự tham gia của nhà nước trong các hợp đồng từ vốn đến quản lý vận hành. TP.HCM hiện đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đa dạng hóa các hình thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước, trong đó sẽ đẩy mạnh mô hình PPP “kiểu mới”. Đối với mô hình PPP, TP.HCM phải học hỏi nhiều từ các nước nhưng không có nghĩa bê nguyên xi mà căn cứ vào tình hình thực tế. Ngoài việc phải hoàn thiện khung pháp lý, còn phải rút kinh nghiệm từ các nước.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có những cách làm mới tăng hiệu quả của mô hình này. Cụ thể, tổ công tác mô hình PPP của TP.HCM vừa được thành lập vào năm 2012 với nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo thành phố về cơ chế chính sách, quy định thu hút đầu tư, kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP.

TP.HCM đề xuất 6 dự án đầu tư PPP

TP.HCM vừa trình Bộ Kế hoạch - đầu tư danh mục sáu dự án kêu gọi đầu tư PPP để trình Chính phủ thông qua, đưa vào danh mục các dự án thí điểm thực hiện theo hình thức PPP của cả nước. Ước tính tổng giá trị của các dự án khoảng 13.800 tỉ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giảm thất thoát nước.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, việc triển khai thực hiện các dự án theo mô hình PPP hiện đại còn rất nhiều thử thách, đặc biệt trong 10 năm tới khi một số dự án BOT “truyền thống” được chuyển giao lại cho thành phố, các ưu khuyết điểm của hình thức này mới được nhận diện hoàn chỉnh. Hiện nay để thúc đẩy mô hình PPP, TP.HCM thành lập tổ công tác PPP, đẩy mạnh cơ chế một cửa.

Tận dụng nguồn vốn, chuyên môn tư nhân

Tại hội thảo về hợp tác công tư (PPP) do Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM tổ chức ngày 3-9, bà Claire Phillips, giám đốc Cơ quan hợp tác địa phương (IUK), cho biết mô hình PPP đã được phát triển tại Vương quốc Anh hơn 20 năm qua khi chính phủ nước này nhận thấy cần có một sự chuyển mình trong công tác đấu thầu, thu mua và cạnh tranh nhiều hơn từ lĩnh vực công thay vì để nhà nước làm tất cả. Ngoài ra, những người làm chính sách cũng muốn chống tư duy nhiệm kỳ trong các công trình, đảm bảo tính minh bạch.

Trong quá trình triển khai, Vương quốc Anh cũng phải vừa học vừa làm, dần dần thay đổi điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Tại Anh, không phải tất cả khoản đầu tư đều xoay quanh PPP và PFI (hình thức sáng kiến tài chính tư nhân), chiếm khoảng 10% trong lĩnh vực đầu tư công. PPP là công cụ tốt nếu làm đúng, nhưng không phải là cây đũa thần để áp dụng tất cả lĩnh vực, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật vì có những rủi ro về công nghệ lạc hậu. Các lĩnh vực PPP đang được các nước lựa chọn là giao thông vận tải, xây dựng nhà tù, y tế, nhiều bệnh viện, phòng khám quy mô nhỏ, giáo dục, xử lý chất thải.

Theo bà Claire Phillips, PPP cũng có nghĩa nhà nước chuyển giao phần nào rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân, vì vậy phải tính đến nhà đầu tư được gì khi cùng tham gia. Bà Claire Phillips cho rằng mỗi hình thức có một ưu điểm riêng và đóng vai trò nhất định trong từng giai đoạn. Mô hình PPP mang tính tích hợp hơn nhiều, nhà nước tận dụng được chuyên môn sâu và nguồn vốn của nhà đầu tư tư nhân, hạn chế được rủi ro “ăn xổi ở thì” của lãnh đạo.

Theo chuyên gia Lương Văn Lý, tháng 11-2010 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 71/2010/QĐ-TTg, ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, tuy nhiên quyết định này chưa cung cấp cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để thực hiện dự án công tư hợp tác. Tinh thần chung theo nghị định 71 là Nhà nước tham gia với một số vốn ban đầu bằng 30% tổng số vốn đầu tư dự án, sau khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ quản lý dự án theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”.

NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên