30/04/2010 18:17 GMT+7

Kẹt xe, kẹt phà do khách đi chơi lễ tăng mạnh

N.ẨN - N.HẬU - N. ĐÔNG - L.GIANG - D.QUẤT - PH.NGUYÊN - N.P.TUẤN - K.V.TRƯỜNG
N.ẨN - N.HẬU - N. ĐÔNG - L.GIANG - D.QUẤT - PH.NGUYÊN - N.P.TUẤN - K.V.TRƯỜNG

TTO - Ngày 30-4, nhiều nơi đã xảy ra kẹt xe do du khách đi chơi lễ ùn ùn đổ về. Đường, phà bị kẹt vì đông người đi. Các bến xe "bể kế hoạch"... Phóng viên Tuổi Trẻ Online tường trình.

Sáng 30-4, nhiều khu vực tuyến cửa ngõ TP.HCM đã xuất hiện ùn tắc kẹt xe. Khu vực kẹt xe trầm trọng nhất là tuyến xa lộ Hà Nội khu vực Suối Tiên. Ôtô và xe gắn máy ùn tắc kéo dài hàng cây số.

Tại cầu vượt Ngã tư Thủ Đức, lượng xe từ bến xe Miền Đông ra xuống cầu vượt hòa vào dòng phương tiện chiều từ cầu Sài Gòn đi ra quá đông khiến lưu thông bị ùn ứ. Hơn nữa, lượng khách đi bộ rất đông dàn hàng trên tuyến quốc lộ từ trạm xe buýt để vào khu du lịch Suối Tiên cũng khiến tình trạng ùn tắc trở nên trầm trọng tại khu vực này.

Tương tự, khu vực ngã tư cầu Vượt Gò Dưa cũng xuất hiện tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài do mật độ xe đông.

Trong ngày, lượng hành khách đi xe buýt cũng tăng đột biến, nhất là các tuyến Bến xe An Sương - Khu du lịch Suối Tiên, Bến xe Miền Đông – Khu Chế xuất Nhơn Trạch...

Từ 7g sáng 30-4, tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), lượng khách tập trung rất đông và bến xe hầu như không có đủ xe để đáp ứng nhu cầu của hành khách.

tG89VYjS.jpgPhóng to
Hành khách đi bộ tràn cả xuống lòng đường khu vực trước Suối Tiên cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng ùn tắc kẹt xe khu vực này - Ảnh: Ngọc Hậu

Chị Nguyễn Thị Mai cho biết: “Tôi đến bến xe từ 8g nhưng đến 11g vẫn chưa mua được vé xe đi Vũng Tàu. Nãy giờ mọi người xếp hàng chờ những vẫn chưa có mấy người mua được vé”. Tương tự, nhiều hành khách mua vé về các tuyến Bình Thuận, Đà Lạt… cũng xếp hàng 2 -3 tiếng đồng hồ nhưng không thể có vé để đi.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, giám đốc bến xe Miền Đông, cho hay trong ngày 29-4, lượng khách tập trung về bến quá đông, bến xe phải giải quyết bố trí xe trên các tuyến đến 23g30 mới hết khách.

Ngoài ra, bến xe cũng đã phải tăng cường thêm 33 xe buýt để giải tỏa hành khách. Chính vì vận chuyển lượng khách khá đông, đến 23g30 lượng xe còn lại trong bến chỉ khoảng 100 chiếc để vận chuyển hành khách trong ngày 30-4. Do lượng xe đi ngày 29-4 quay đầu về chậm do ùn tắc, kẹt xe trên tuyến đường xa lộ Hà Nội khu vực trước Suối Tiên và kẹt xe khu vực Trảng Bom (Đồng Nai) nên sáng 30-4, bến xe Miền Đông không đủ xe để vận chuyển hành khách.

Theo ông Thừa, các nhà xe thông báo kẹt xe trên đường nên lượng xe về không kịp để giải tỏa khách. Thậm chí trong chiều 29-4, do ùn tắc kẹt xe, nhiều xe phải mất hơn 2,5 giờ mới đi từ Suối Tiên về đến bến xe Miền Đông, bình thường tuyến này chỉ mất hơn 1 giờ.

Tính đến 11g ngày 30-4, bến xe miền Đông đã xuất bến 900 xe chở khoảng 20.000 hành khách và phải tăng cường đến hơn 40 xe buýt để giải tỏa khách. Tuy nhiên, lượng khách trong bến chờ xe các tuyến Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết và các tỉnh Tây Nguyên… vẫn còn rất nhiều.

h2vMkJvm.jpgPhóng to
Xe chưa có, hàng trăm hành khách vẫn chờ mua vé đi Vũng Tàu, các tỉnh Tây Nguyên, Đà Lạt - Ảnh: Ngọc Hậu

Từ 7g đến 11g30 ngày 30-4, toàn bộ bến xe miền Tây chật cứng với hàng chục ngàn khách mua vé về 13 tỉnh miền Tây.

6FRUHzgN.jpgPhóng to
Chen lấn mua vé tại bến xe - Ảnh: Ngọc Ẩn

Trong thời gian trên có hàng ngàn khách đã không vào bến mà ra đứng trên đường Kinh Dương Vương đón xe về các tỉnh. Trong bến xe, ở tất các quầy vé xe đò thương hiệu và quầy vé xe đò ủy thác (doanh nghiệp nhờ bến xe bán vé hộ) đều chật cứng người xếp hàng chờ mua vé. Mỗi khi quầy mở cửa bán vé, hàng chục hành khách xếp hàng xô đẩy nhau để được mua. Nhiều hành khách than phiền đã đứng chờ 2 đến 3 giờ mới mua được vé xe.

Theo ông Huỳnh Hải Oanh - phó giám đốc bến xe miền Tây, năm nay thời gian nghỉ lễ kéo dài nên bà con ở TP.HCM về thăm quê nhà ở các tỉnh miền Tây tăng cao với khoảng 45.000 khách. Thế nhưng, việc điều xe buýt tăng cường vào bến rước khách quá chậm vì các đơn vị vận tải đưa xe đến muộn. Bên cạnh đó, bến xe cũng “bể kế hoạch” vì dự kiến tăng cường 40 xe buýt nhưng số lượng xe này đã không đáp ứng yêu cầu. Đến 11g30 cùng ngày bến xe đã yêu cầu các đơn vị vận tải tăng cường lên 67 xe buýt mới giải tỏa được lượng khách ứ đọng ở bến xe.

Trong suốt gần 5 giờ liền (từ hơn 7g đến 12g ngày 30-4), bến phà Cát Lái (Q.2, TP.HCM) -huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã xảy ra kẹt phà do dòng người và xe từ TP.HCM hướng về tỉnh Đồng Nai quá đông. Hàng ngàn người đi xe gắn máy và ô tô đã xếp hàng chờ đợi dưới ánh nắng gay gắt khoảng 1 giờ mới được lên phà. Đa phần hành khách đi phà Cát Lái để đến các điểm du lịch ở Nhơn Trạch hoặc ra biển Vũng Tàu.

aBmLRAZ4.jpgPhóng to
Hàng đoàn xe chờ phà ở bên phà Cát Lái - Ảnh: Ngọc Ẩn

Theo ông Trần Minh Thành - giám đốc Xí nghiệp phà Cát Lái, bến đã huy động tất cả 6 phà vào chở khách và chấp nhận cho phà chạy không có khách từ phía Nhơn Trạch về TP.HCM rước khách. Tuy nhiên, do bến phà chỉ có 2 phà 100 tấn và 4 phà 60 tấn là các phà nhỏ không đáp ứng yêu cầu nên đã xảy ra ùn ứ khách ở bến phà. Hơn nữa, vào buổi sáng dòng sông gặp nước ròng (nước cạn) nên mỗi lần chỉ cho phép 2 phà cập bến chở khách, lúc nước lớn cho cặp bến cùng lúc 4 phà. Vì vậy, đến 12g trưa cùng ngày khi dòng sông có nước lớn bến đã cho cặp cùng lúc bốn phà nên giải tỏa được lượng khách ứ đọng ở bến phà.

Từ 9g đến 11g ngày 30-4, do bến phà Cát Lái bị ùn tắc nên dòng xe ôtô và dòng người đi xe gắn máy nối dài trên đường Liên tỉnh lộ 25B đã bít đường vào cổng Tân cảng Cát Lái. Do đó, hàng trăm xe tải và xe container đã bị kẹt trên đường liên tỉnh lộ 25B vì không vào được cổng Tân Cảng Cát Lái và hàng trăm xe tải và container trong cảng cũng không ra được đường Liên tỉnh lộ 25B.

Cùng ngày 30-4, có khoảng 41.000 khách đi lại ở bến phà Bình Khánh (Nhà Bè - Cần Giờ) tăng khoảng 10% so với dịp lễ năm trước. Đa phần bà con đến du lịch ở bãi biển Cần Giờ. Theo ông Trịnh Phương Thái - giám đốc bến phà Bình Khánh, trong thời gian từ 7g30 đến 10g cùng ngày là cao điểm có số khách đi qua phà đông nên hành khách phải chờ 15-20 phút mới được lên phà. Bến phà Bình Khánh có phà 200 tấn nên giải tỏa nhanh lượng khách chờ phà.

Đến chiều 30-4, hàng nghìn khách vẫn đang mắc kẹt tại các bến xe của thủ đô Hà Nội. Hàng ngàn người lỉnh kỉnh túi xách, đồ đạc đứng chờ xe tại đường Giải Phóng, đường đi Pháp Vân - Cầu Giẽ để chờ xe về quê nhưng hầu hết các xe đều đã chật kín, không thể “ép” thêm người.

msH6rqth.jpgPhóng to

Cảnh chen chúc tại bến xe Giáp Bát (ảnh chụp lúc 16h chiều 30-4) - Ảnh: Nguyễn Đông

Nhiều xe bus phải bỏ tuyến vì quá đông khách.

Bác Nguyễn Thị Huệ, 56 tuổi, bắt xe từ bến xe Giáp Bát về Thanh Hoá cho biết: “Tôi ra bến xe từ lúc 9giờ sáng nhưng len mãi cũng không bắt được xe vi hầu hết các xe khi ghé bến đã đông khách, phần vì thanh niên họ khoẻ hơn nên chen chân lên được, mình già rồi, đành chịu”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong phòng chờ của bến xe Giáp Bát không còn một ghế trống, nhiều người tranh thủ ngồi lên bậc thang, tựa lưng vào cột hoặc kiếm một chỗ trống rồi ngồi lên hành lý của mình.

Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát, Hà Nội - cho biết từ chiều 29 đến trưa ngày 30, bến xe Giáp Bát đã giải toả được hơn ba vạn lượt khách nhưng do số học sinh sinh viên về quê đông nên dù đã huy động xe đường dài chưa có lịch xuất bến, xe bus tới hỗ trợ nhưng vẫn khó có thể giải quyết nhanh cho hành khách.

Xe chật nhưng tâm lý ai cũng muốn về quê cho kịp ngày nghỉ lễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, nghẹt thở. Theo ghi nhận trên xe Tiến Dũng từ bến xe Giáp Bát về Thanh Hoá, có tới trên 150 khách đứng, ngồi chen chúc. Tài xế cho biết: hồi sáng xe còn đông hơn, khoảng 170 khách, buổi chiều không dám nhận thêm khách vì xe chỉ có… 50 ghế.

17 giờ, lượng xe ùn ùn đổ về bến Nước Ngầm khiến tình hình ùn tắc càng thêm căng thẳng. Đường đi Pháp Vân inh ỏi với tiếng còi xe, khói bụi mù mịt khiến cho không khí ở Hà Nội càng thêm ngột ngạt. Hai bên đường, nhiều người đứng chờ xe tỏ ra mệt mỏi.

Ngày 30-4, lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Bình đạt mức kỷ lục từ trước đến nay: hơn 10.000 lượt người. Điểm đến đông nhất vẫn là trung tâm du lịch hang động Phong Nha và khu du lịch sinh thái suối Nước Moọc (Phong Nha-Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch).

jJyh4Jdn.jpgPhóng to
Khách du lịch nườm nượp tới tham quan động Phong Nha trong ngày 30-4

Theo ông Hoàng Văn Đại - giám đốc Trung tâm du lịch văn hóa sinh thái Phong Nha, đội thuyền chở khách ở xã Sơn Trạch với hơn 330 chiếc đã phải huy động toàn bộ để đưa hết lượng khách trên 7.000 người vào tham quan động Phong Nha và Tiên Sơn.

Hàng trăm du khách khác cũng vào nghỉ ngơi, tham quan khu du lịch sinh thái suối Nước Moọc, cách động Phong Nha khoảng 16km.

Dự kiến ngày 1-5, lượng khách đến Phong Nha còn có thể tăng cao hơn nữa.

Cùng với Phong Nha, gần 3.000 lượt khách đã đến với biển Nhật Lệ và các di tích lịch sử văn hóa ở TP Đồng Hới. Đặc biệt hàng trăm học sinh đã đến tham quan khu du lịch văn hóa sinh thái lịch sử Vực Quành (bảo tàng ngoài trời về chiến tranh chống Mỹ) ở xã Nghĩa Ninh.

Do lượng người đi bằng xe máy qua hầm Hải Vân vào dịp nghỉ lễ tăng đột biến nên dịch vụ trung chuyển qua hầm bị quá tải.

vlZ99LEH.jpgPhóng to
Tình trạng quá tải ở trạm trung chuyển hầm Hải Vân phía Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 30-4) - Ảnh: Dung Quất

Mặc dù Xí nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Hải Vân đã tăng cường xe và tăng thêm thời gian trung chuyển từ 5 giờ cho đến 24 giờ mỗi ngày từ ngày 29-4 đến 2-5, nhưng tình trạng quá tải ở trạm trung chuyển phía nam hầm Hải Vân vẫn diễn ra.

Cho đến sáng 30-4, lưu lượng xe và người qua khu vực trung chuyển vẫn còn rất đông. Nhiều người phải chờ hơn 30 phút nhưng vẫn không có xe để qua hầm. Các xe trung chuyển phải hoạt động hết công suất, nhiều xe phải chạy không từ trạm phía Thừa Thiên - Huế vào để đưa đón khách.

Lượng khách du lịch nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã bắt đầu đến Nha Trang từ sáng sớm 30-4. Từ sáng 30-4, lực lượng công an giao thông cũng đã ra quân nhằm chấm dứt tình trạng các xe du lịch, taxi chở khách lấn lòng đường, tràn ngập trên đường Trần Phú, thả khách bừa bãi gây ách tắc giao thông. Nhờ thế tình trạng xe đậu bỏ khách bừa bãi tại khu vực này đã giảm. Tuy nhiên, lại xảy ra hiện tượng các loại xe du lịch, taxi sau khi bỏ khách lại leo lên lề đường... trú ẩn.

BGh20bEw.jpgPhóng to
Một xe chở khách trên lề đường Trần Phú, trước nhà hàng Ngọc Sương - Ảnh: Khuê Việt Trường

Không giống như năm trước và dịp Festival hoa vừa diễn ra đầu tháng 1, khi các phòng nghỉ khách sạn đã kín từ hơn 1 tháng trước thì năm nay nhiều khách sạn vẫn treo bảng “còn phòng” để chờ du khách.

2rGVgrkX.jpgPhóng to
Treo bảng "còn phòng" tại nhiều khách sạn ở Đà Lạt - Ảnh: Ngô Phước Tuấn

Rảo qua các con đường lớn ở trung tâm Đà Lạt vào sáng nay, nơi tập trung nhiều khách sạn nhất như Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, 3-2, Trần Phú… nhiều chủ khách sạn ngồi trước cổng, mỗi khi thấy khách lại niềm nở chào hỏi và ra giá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những khách sạn này còn rất nhiều phòng vì tâm lý “găm phòng” tháng trước để thuận lợi cho việc nâng giá. Nhưng khi không có khách đặt phòng thì các chủ khách sạn lại treo phòng để đón khách lẻ. Những khách sạn vừa vẫn còn phòng lẻ, các khách sạn nhỏ chủ yếu là những phòng tập thể nhiều người. Giá dao động 1 người/150.000/đêm.

Cho đến sáng nay 30-4 vẫn còn nhiều khách sạn còn phòng. Một chủ khách sạn lâu năm trên đường Bùi Thị Xuân cho biết vì dịp Festival hoa đầu năm du khách đã lên Đà Lạt rất nhiều nên lượng khách đã giảm đáng kể vào dịp lễ này.

Trong khi đó, hiện nay khi hồ Xuân Hương đã cạn nước nên khu nội ô thành phố không còn hấp dẫn du khách, kèm theo một số con thác xuống cấp, dịch vụ ít đổi mới, không thu hút được sự trở lại của du khách.

Khoảng 11g trưa nay 30-4, lượng khách từ các tỉnh phía bắc sông Hậu đổ về Cần Thơ rất đông. Một phần du khách muốn xem cầu Cần Thơ và một phần người dân đi xem giải đua môtô 125cc tại sân vận động Cần Thơ lúc 14g.

fXnjiaJd.jpgPhóng to
Biển cấm ôtô đặt ngay ngã rẽ được chỉ dẫn vào nội ô thành phố đã khiến nhiều tài xế phương xa không biết đường xử lý, trong khi chẳng có biển hướng dẫn giao thông nào khác - Ảnh: Phương Nguyên

Do lượng ôtô rất lớn nên cơ quan chức năng đã dựng biển tạm thời cấm ôtô vào nội ô thành phố Cần Thơ theo hướng đường Quang Trung.

Từ cầu Cần Thơ đổ dốc xuống có hai biển chỉ dẫn vào nội ô thành phố Cần Thơ, nhưng tại hai ngã này đều bị cấm. Điều đáng nói là các biển cấm ôtô tạm thời này được dựng sát lề, thấp và khuất vào trong nên các tài xế không nhìn thấy từ ban đầu, đến khi xe đã quẹo vào rồi mới nhìn thấy biển báo. Tài xế ôtô ở xa tới muốn đi vào nội ô thành phố nên rất lúng túng, sợ bị công an phạt vạ nên quay đầu ngược trở lại ngay tại ngã tư khiến tình trạng ùn tắc cục bộ đã xảy ra. Nhiều xe khác không biết nên xử lý thế nào đã ngừng tần ngần ngay tại chốt đèn đỏ. Ngoài các biển báo cấm ôtô này thì cơ quan chức năng không hề cắm một biển báo hướng dẫn giao thông nào khác để hướng dẫn lối nào vào nội ô thành phố.

N.ẨN - N.HẬU - N. ĐÔNG - L.GIANG - D.QUẤT - PH.NGUYÊN - N.P.TUẤN - K.V.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên