Phóng to |
Ảnh: K.Luân |
Chủ đề “Thành phố trong tôi” mà Báo Tuổi Trẻ đưa ra khá có tính thách thức đối với các thi - sĩ - bút - mới, vì vừa đời thường song lại vừa mang yếu tố “chính trị”, theo cái nghĩa là tự thân bài viết phải hay mà cả cái thành phố mình muốn phản ánh - một khi đi vào thơ - cũng phải có nét “hay” gì đó!
Ắt hẳn nhận biết điều đó - và cộng với yếu tố ngắn hạn của cuộc thi, có cảm giác các cây bút mới đã phải... hối hả “cưỡi” lên thơ tự do - như một phương tiện thuận lợi nhất - nhằm… rào rào vượt qua thách thức!
Nói có vẻ cứng như vậy chẳng qua là để chia sẻ với cái sự khó (muôn đời) của những người làm nghề “phu chữ”, chứ thật ra đề tài thành phố - cụ thể hơn, hình ảnh thành phố - trong con mắt nhanh nhạy, yêu đời của tuổi trẻ bao giờ cũng mở ra nhiều cảm nhận phong phú, đa chiều như chính không khí, cảnh sắc những ngả đường lớn nhỏ, ngược xuôi hoặc lung linh sáng chói hoặc nồng nã khói bụi của bản thân nó.
Chưa kể người viết không chỉ ở giữa thành phố hiện tại mà viết, nhiều người trong số họ mang theo còn nóng hổi trong cảm thức của mình về một thành phố quá khứ mới rời xa, một vùng quê ký ức chưa nguôi nhớ..., tất cả được đem ra “cọ xát” với thực tại để có một thành-phố-trong-thơ vừa thật vừa ảo tô bồi thêm vẻ đẹp cho cái thành phố nơi mình đang sống bây giờ.
Ví dụ, đây này, một hoài niệm nhỏ của Song May: Con gái quê đi trọ chốn thị thành xa xôi. Cái xóm ngụ cư nghèo khiến mỗi lần ngước lên khoảnh trời bỗng biết mình đánh mất mảnh trăng chật chội. Cái xóm ngụ cư những chiều nhớ mẹ bỗng nhiên nghe nhức nhối. Thèm nghe ru hời. Cơn gió thoảng hút rồi vẫn chưa kịp thổi cái chao lắc hai phía vành nôi…
Trong thơ của Đỗ Thanh Vân có câu thơ như một lời thốt: Em Sài Gòn hơn anh! “Sài Gòn” đã hóa một tính từ! Đó là câu kết của những dòng thơ tình đậm chất sinh viên dễ thương: Em giấu quên vào phố. Con đường nào ít đi. Mặc cho mưa ướt nắng. Niềm yêu em thiên di. Anh chẳng hề biết đến. Bước qua miền nhớ em. Phố buồn không níu nổi. Vòng bánh xe ướt mèm. Em là cơn gió biển. Về xao động thị thành. Đôi lần anh ái ngại: Em Sài Gòn hơn anh!
Thành phố được nhìn từ nhiều góc độ, nhưng Tạ Thanh Lan chọn một cách nhìn có phần độc đáo: Tôi áp má vào cửa kính nghe mát lạnh. Những cô gái, những chàng trai đẹp như manơcanh. Lướt qua tôi để lại tiếng cười về một ngày mưa. Tiếng cười trẻ quá trong cơn mưa dường như già cỗi… Cơn mưa vẽ nhập nhòe thành phố trên cửa kính xe. Tôi lại thấy tôi trong muôn ngàn giọt nước.
Hệt một họa sĩ - nhưng hiếm hoi hơn các họa sĩ, Tạ Thanh Lan vẽ bằng chất liệu... mưa, nhờ “chất liệu” đó, thành phố hiện lên trên “tấm toan - cửa kính” một hình ảnh ướt át, lay động và trẻ trung đến có phần nghịch ngợm, chưa kể với lối thi pháp này, Tạ Thanh Lan nói lên được sự gắn kết chân dung tuổi trẻ thế hệ mình với toàn cảnh chân dung lớn của thành phố: Tôi lại thấy tôi trong muôn ngàn giọt nước.
Hơi lạm bàn như thế, để thấy chủ đề “Thành phố trong tôi” của cuộc thi thơ Bút Mới lần này, dù có hơi khó, vẫn là một chủ đề “mở”. Nó “chính trị” nhưng thơ cũng là nó. Đặc biệt, thể thơ tự do dịp này có vẻ “tung hoành” thỏa sức với “ngang dọc” phố!
Song, nói thật, thơ tự do là mới, nhưng các cây bút mới có thật sự làm mới được cho thơ mình hay chưa, hay chỉ là anh lính mới trong thơ mới, đó là chuyện còn sẽ phải bàn… qua một cuộc thi mới khác!
Cuộc thi thơ Bút Mới lần 6 “Thành phố trong tôi” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức từ ngày 1-2 đến 30-4-2005 đã kết thúc với 982 bài thơ dự thi (chỉ kể những bài hợp lệ) của 374 tác giả trẻ từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Ngày 27-5, ban giám khảo gồm các nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Vị Thượng và nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương đã họp và bình chọn kết quả sau đây: * Giải 1:Song May (1982 - TP.HCM) với các bài Phù sa xưa, Ở trọ Sài thành, Ru phố, Những trầm tích mang vết thiên di. * Giải 2:- Đỗ Thanh Vân (1985 - ĐH KHXH & NV TP.HCM) với các bài Khoảng lặng của gió, Pha lê em, Liệu còn kịp đêm nay. - Tạ Thanh Lan (1985 - Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai) với các bài Trở về, Qua cửa kính xe. * Giải 3:- Y Mai (1985 - ĐHKT TP.HCM) với các bài Nơi thả những nỗi buồn, Nhìn qua đôi vai, Khi chiều đã trở thành xa vắng. - Tú Trinh (1983 - TP.HCM) với các bài Trần tình nơi duyên hải, Câu chuyện rời của phố.- Thanh Xuân (1981 - TP.HCM) với các bài Chiều phố, Ngày thành phô. * 10 giải khuyến khích:- Văn Thị Hạnh Thủy (1980 - TP.HCM): với bài Con đường lạ, Miền của phố. - Trần Hoàng Nhân (1980 - TP.HCM): Phố của tình yêu, Dời nhà. - Đinh Nga (ĐH KHXH & NV TP.HCM): Hẻm phố đời người. - Tùng Quân (TP.HCM): Thơ cho phố. - Nguyễn Phong Việt (TP.HCM): Nhật ký hẻm nhỏ. - Thanh Huyền (1982 - TP.HCM): Sài Gòn lạ và quen, Sài Gòn ô quan. - Bình Nhiên (1987 - Phú Yên): Ngủ muộn, Sài Gòn phố gió. - Thiên Tùng (ĐHDL Hồng Bàng, TP.HCM): Cảm nhận trái dấu. - Nguyệt Phạm (1982 - ĐH KHXH & NV TP.HCM): Sau cơn bão lớn.- Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM): Về phương đông, Phố quên. Buổi lễ trao giải và giới thiệu tác giả, đọc thơ giao lưu sẽ được diễn ra tại hội trường A Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào lúc 19g30 ngày 17-6-2005 (sẽ có thư mời riêng đến từng tác giả trúng giải). Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM và CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn tổ chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận