24/12/2019 09:20 GMT+7

Kết luận về bãi cọc Cao Quỳ: Cần cẩn trọng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sau thông tin phát lộ bãi cọc dự đoán liên quan đến cuộc chiến trên sông Bạch Đằng của nhà Trần năm 1288 (Tuổi Trẻ 22-12), một số nhà nghiên cứu lên tiếng cho rằng cần phải rất bình tĩnh và cẩn trọng trong các kết luận về lịch sử.

Kết luận về bãi cọc Cao Quỳ: Cần cẩn trọng - Ảnh 1.

Những chiếc cọc được dự đoán là dấu tích của trận đánh quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288 - Ảnh: T.Đ.

Viện Khảo cổ học Việt Nam và UBND TP Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ với kết quả dự đoán "có thể liên quan đến cuộc chiến trên sông Bạch Đằng của nhà Trần năm 1288".

Hân hoan

Kết quả trên được đưa ra sau hai tháng khai quật 3 hố với tổng diện tích gần 1.000m2, phát hiện 27 cọc đường kính

10-40cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến và lim; cùng với kết quả giám định đồng vị phóng xạ cacbon 14, đối chiếu tư liệu lịch sử.

Nhiều nhà nghiên cứu và cả đại diện Cục Di sản văn hóa đã cùng đề xuất Hải Phòng sớm xây dựng hồ sơ công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích, có thể kết hợp cùng với di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng của Quảng Ninh để trở thành khu phức hợp di tích quốc gia đặc biệt. Một số đại biểu còn tin rằng có nhiều khả năng xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho khu phức hợp này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải cẩn trọng hơn trong các kết luận. Ông Lê Văn Sinh - nguyên giảng viên bộ môn phương pháp luận sử học tại khoa lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội - cho biết còn quá sớm để đưa ra khẳng định rằng các cọc gỗ kia thuộc về sự kiện cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba năm 1288.

"Tôi mong sao các suy đoán ấy trùng khớp sự thật lịch sử. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng để nhận thức của chúng ta tiệm cận chân lý khách quan, nhà nghiên cứu phải rất cẩn trọng khi sử dụng sử liệu. Nghĩa là sử liệu phải được phê khảo đúng phép tắc, trả lời hàng loạt câu hỏi về tính xác thực và độ tin cậy của thông tin do sử liệu cung cấp" - ông Lê Văn Sinh nói.

Và nghi ngại...

Ông Lê Văn Sinh dẫn ra một ví dụ "kinh điển" về một kết luận sai lầm trước đây liên quan tới các cọc Bạch Đằng, được cố GS Trần Quốc Vượng đưa vào bài giảng Cơ sở khảo cổ học trước đây. 

Những năm 1960, Việt Nam đã gửi mẫu nhờ các nhà khoa học Cộng hòa dân chủ Đức và Trung Quốc giám định niên đại các cọc gỗ Bạch Đằng bằng phương pháp C14. Kết quả là tuổi các cọc gỗ ấy không trùng với sự kiện lịch sử xảy ra được ghi lại bởi sử liệu chữ viết. 

Kết quả này khiến người ta phải đặt ra vấn đề về tính xác thực của cọc Bạch Đằng được trưng bày tại một số bảo tàng ở Hà Nội khi đó.

Giảng viên phương pháp luận sử học nói nghiên cứu lịch sử là một quá trình nhận thức thông qua các phán đoán khoa học, dựa trên các thao tác có tính kỹ thuật của nhà nghiên cứu, tránh những phán đoán chủ quan. 

Việc chỉ ra niên đại của các cọc bằng giám định đồng vị phóng xạ cacbon 14 chỉ mới đi được một nửa chặng đường. Người nghiên cứu còn phải chứng minh những cây cọc ấy đúng là cọc đóng trên sông để phá tàu giặc hay không và đây mới là khâu quan trọng nhất.

TS Mai Thanh Sơn (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng khẳng định kết luận của Viện Khảo cổ học Việt Nam liên quan tới bãi cọc mới phát lộ là quá sớm.

Theo ông Sơn, ngoài xác định cacbon phóng xạ thì phải mời các chuyên gia địa mạo học, địa chất vào khoan thăm dò xác định sự dịch chuyển biến động đường bờ, sự dịch chuyển các dòng sông, xem ở đó trước đây có phải là một dòng sông hay không.

Các quan điểm có thể được điều chỉnh

Trước những phản hồi này, TS Nguyễn Gia Đối - quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho biết sử học còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về cuộc chiến chống quân Nguyên của nhà Trần, nhưng sự hiện diện của bãi cọc cùng kết quả giám định niên đại phóng xạ tuyệt đối khiến viện tin tưởng bãi cọc liên quan chặt chẽ đến trận thắng quân Nguyên Mông lần 3 năm 1288.

Ông Đối cho rằng lịch sử có lẽ ghi chép nhiều chuyện khác nhau, nhưng thực tế chiến trận có thể diễn ra ở nhiều vùng khác nhau vì đây là chiến dịch lớn. Vì vậy việc xác định vùng nào là quan trọng có thể dựa vào nghiên cứu khảo cổ học và những nghiên cứu khác nữa. Những phát hiện khảo cổ học mới có thể ít nhiều điều chỉnh quan điểm cũ về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược của triều Trần.

Ngoài các chứng cứ khảo cổ, ông Đối cũng cho biết ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng - nơi bãi cọc vừa được phát hiện - cũng có nhiều ghi chép và hệ thống di tích dày đặc thờ cúng các vị tướng triều Trần, cùng với những địa danh liên quan tới trận đánh Trúc Động mà sử sách đã ghi như Lưu Kiếm, Lưu Kỳ vẫn còn đến ngày nay.

"Khảo cổ học là chứng cứ hiện diện rõ ràng nhất. Còn các quan điểm có thể điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu" - TS Nguyễn Gia Đối nói.

Theo TS Mai Thanh Sơn, cần phải mời các nhà văn hóa học khảo sát những đền, chùa, những thần tích, thần phả, những truyền thuyết ở địa phương để tìm ra những hạt nhân gì hợp lý khẳng định bãi cọc ở Cao Quỳ là bãi cọc liên quan tới trận đánh quân Nguyên năm 1288.

Các nhà nghiên cứu cũng cần phải tìm hiểu thêm về phương pháp đóng hay chôn cọc (điều mà các nhà khảo cổ chưa trả lời được), cũng như đưa ra những giả định khác về công năng của cọc chứ không thể vội vàng mặc định đây là cọc được cắm xuống lòng sông để ngăn chiến thuyền quân xâm lược nhà Nguyên.

Ông Lê Văn Sinh cũng cho rằng nếu chỉ bằng suy đoán, ông cũng có thể đoán các cọc này được dùng vào nhiều việc khác như cột neo thuyền, cột nhà hay giá đóng thuyền...

Sớm đưa bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục đề xuất xếp hạng di tích Sớm đưa bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục đề xuất xếp hạng di tích

TTO - Thêm một bãi cọc ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vừa phát lộ được dự đoán là bãi cọc của chiến địa đánh quân Nguyên Mông lần thứ ba năm 1288, mang đến một hình dung sống động hơn về "hào khí Đông A".

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên