![]() |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Trưa 4-8-2006, tại quán cà phê Vườn Xoài thuộc ấp 4, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh xảy ra một vụ mất trộm hai chân bàn bằng sắt. Chủ quán là ông Huỳnh Văn Tỷ và con trai Huỳnh Hữu Lợi cùng Nguyễn Hữu Thảo (bạn của Lợi) tổ chức đi tìm. Đến một vựa thu gom phế liệu gần đó cả ba phát hiện hai chân bàn bị mất nằm ở đây. Chủ vựa ve chai cho biết mua hai chân bàn này của một thanh niên mặc áo trắng.
Cha con ông Tỷ và Thảo bèn đi tìm đối tượng ăn trộm theo đặc điểm mà chủ vựa ve chai mô tả. Họ đã bắt nhầm hai anh Phan Đình Vọng và Đoàn Thanh Tùng đưa về vựa ve chai cho chủ vựa nhận diện, đồng thời gọi điện cho công an đến giải quyết. Trong quá trình bắt giữ, Vọng và Tùng bị trói và bị một số người dân tưởng là trộm thật nên đánh. Khi Công an xã Bình Chánh đến giải quyết thì mới biết kẻ trộm thật sự không phải là Vọng và Tùng mà là một thanh niên khác.
Mất hồ sơ chính, sử dụng hồ sơ photo
Vụ án được khởi tố. Huỳnh Văn Tỷ, Huỳnh Hữu Lợi và Nguyễn Hữu Thảo bị truy tố, xét xử về tội “bắt người trái pháp luật”. Tòa án huyện Bình Chánh (do thẩm phán Trương Công Huấn làm chủ tọa) tuyên phạt Thảo và Lợi mỗi người 1 năm tù, Huỳnh Văn Tỷ 9 tháng tù nhưng cho cả ba được hưởng án treo.
Sau khi xử sơ thẩm, bị cáo Huỳnh Hữu Lợi kháng cáo và gửi đơn khiếu nại nhiều nơi để kêu oan, cho rằng mình không tham gia bắt anh Vọng và Tùng. Vụ án được đưa ra TAND TP.HCM để xét xử phúc thẩm. Khi xem xét hồ sơ vụ án, HĐXX mới phát hiện ra chuyện động trời: phần lớn hồ sơ, chứng cứ của vụ án đều chỉ là các bản photo. Tất cả tài liệu quan trọng có giá trị buộc tội các bị cáo như: biên bản ghi lời khai nhân chứng, biên bản hỏi cung bị can, biên bản nhận dạng, các bản tường trình... đều là bản photo, không có bản chính.
Những bản photo này được “hợp thức hóa” bằng chữ ký và con dấu của phó thủ trưởng cơ quan điều tra Công an Bình Chánh. Ngoài ra, tất cả hồ sơ từ giai đoạn điều tra, truy tố đáng lẽ phải do các cơ quan điều tra, VKS xây dựng nhưng cũng đều được đóng dấu “bút lục” của Tòa án huyện Bình Chánh. Điều này chứng tỏ hồ sơ này do Tòa án huyện Bình Chánh lập.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Sau khi thụ lý hồ sơ do VKS chuyển sang, TAND huyện Bình Chánh đã làm thất lạc toàn bộ hồ sơ này. Tòa đành “phục hồi” hồ sơ bằng cách photo lại các hồ sơ do cơ quan điều tra và VKS lưu giữ. Theo lãnh đạo TAND TP.HCM, người làm thất lạc hồ sơ đã bị xử lý kỷ luật. Vấn đề đặt ra là việc tòa án sử dụng bộ hồ sơ photo để buộc tội bị cáo có đúng qui định tố tụng hay không?
Theo luật sư - tiến sĩ luật Phan Trung Hoài, dù những bản photo đã được điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký tên, đóng dấu hợp thức hóa, thậm chí được tòa sơ thẩm đóng dấu bút lục... thì cũng không phải là chứng cứ trong tố tụng hình sự. Việc đóng dấu và đánh bút lục hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố đã được thông tư liên ngành của VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng qui định rất chặt chẽ. Theo hướng dẫn này, để tránh xảy ra mất mát, thất lạc thì từng trang tài liệu trong hồ sơ phải được đóng dấu bút lục của cơ quan điều tra và kèm theo bản kê đầy đủ tên tài liệu, số trang từng tài liệu và lưu trong hồ sơ vụ án.
Trong quá trình khởi tố, điều tra, tài liệu của cơ quan điều tra hoặc VKS thu thập đều phải đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng. Sau khi kết thúc điều tra, các tài liệu trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra thống nhất đánh số thứ tự (bút lục) một lần (không được tẩy xóa, đánh đi đánh lại nhiều lần), lập bảng kê đầy đủ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Sau khi VKS nhận hồ sơ vụ án thì những tài liệu do VKS thu thập ở giai đoạn truy tố phải được đánh số thứ tự tiếp theo số tài liệu của cơ quan điều tra.
Trong vụ án này, vẫn theo luật sư Hoài, cần làm rõ có hay không chỉ đạo về việc hợp thức hóa hồ sơ vụ án bằng bản photo. Tùy theo mức độ có thể xem xét trách nhiệm hành chính hoặc nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án theo qui định tại điều 300 Bộ luật hình sự.
Theo nhận định của HĐXX phiên tòa phúc thẩm, bản photo chỉ có giá trị tham khảo, không thể dùng để kết tội bị cáo. Chính vì vậy, TAND TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh để giải quyết lại từ giai đoạn điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận