![]() |
Dầu sau khi chiên vẫn có thể dùng lại. Tôi thường đựng dầu đã chiên một lần trong hũ chứa đặc biệt ngăn ánh sáng - Ảnh do bà Kikuko Henmi cung cấp |
Tôi sống ở tỉnh Shiga, nằm về phía tây của Nhật Bản. Có lẽ vì Shiga có một cái hồ lớn là hồ Biwa, chiếm đến 1/6 diện tích tỉnh, nên người dân rất nhạy trước vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Các học sinh tiểu học, theo yêu cầu môn học, thường đến tham quan nhà máy lọc nước hoặc đến thăm con suối, hồ nước gần nhà. Rồi kiểm tra chất lượng nước ở nhiều điểm để xem sự khác nhau và xem chúng ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao.
Còn nói về môi trường, tại Tokyo, với khẩu hiệu “Chấm dứt thời gian để không”, các chuyến xe buýt công cộng được cải tạo để động cơ tự động tắt máy nếu dừng chờ đèn đỏ quá lâu. Như các bạn biết, khí thải từ xe cộ gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp tiết kiệm xăng. Bản thân tôi cũng thường làm như thế (tắt máy xe) khi bị kẹt xe. Nó tốt cho túi tiền của tôi lẫn môi trường.
Dùng giẻ xử lý vết dầu mỡ
Người Nhật rất thích ăn những món tẩm bột chiên trong chảo ngập dầu như Tempura hoặc Ton-katsu. Dầu sau khi chiên vẫn có thể dùng lại. Tôi thường đựng dầu đã chiên một lần trong hũ chứa đặc biệt ngăn ánh sáng, vì ánh sáng sẽ làm giảm chất lượng dầu. Sau vài lần sử dụng, dầu ngả sang màu nâu. Chúng tôi được khuyên không đổ dầu ăn vào bồn rửa chén. Bạn có biết giải pháp là gì không? Tôi đổ dầu không dùng nữa vào một hộp sữa bằng giấy rồi để vào một góc.
Trong nhà có áo thun cũ, khăn hoặc drap giường cũ, tôi thường cắt chúng thành những mảnh vải vừa tay để lau dầu mỡ trên chén đĩa trước khi rửa. Cách này sẽ giúp giảm lượng nước rửa chén vốn gây gánh nặng về dung tích cho các nhà máy xử lý nước thải nằm ở đầu cuối của đường ống dẫn nước, nơi nước sau khi xử lý sẽ được tháo vào hồ Biwa. Nhiều thành phố khác còn áp dụng cách thu gom dầu ăn đã qua sử dụng ở các hộ gia đình để làm xà phòng. Tôi cũng dùng loại giẻ này để lau chùi bồn vệ sinh rồi bỏ giỏ rác mà không cần chà rửa bằng nước.
"Tôi nghĩ mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ Trái đất mà ta đang sống trên nó, và nếu có thể, cải thiện nó thành một nơi tốt hơn của ngày hôm qua" |
Phân loại rác thải
Chuyện thu gom rác ở Nhật Bản cũng có nhiều điều vui để kể. Càng ngày những cách phân loại và thu gom rác càng trở nên phức tạp tới nỗi tôi không nhớ nổi lịch thu gom rác, phải viết vào giấy dán lên tủ lạnh. Hiện nay ở thành phố của tôi, rác thải được phân thành chín loại khác nhau. Trong đó, có sáu loại được gọi là “rác thải tài nguyên”. Chúng gồm chai thủy tinh, vỏ lon, chai nhựa, bao nilông sạch và hộp đựng thực phẩm, hộp sữa và pin, rác thải cồng kềnh như máy hút bụi, đồ gia dụng... Bốn loại rác đầu tiên được thu gom hai lần một tháng.
Không chỉ thành phố của tôi mà nhiều thành phố khác đang vật lộn để giảm lượng rác xử lý. Tôi thường xuyên đem cho siêu thị những khay mút đựng trái cây mua ở siêu thị hoặc hộp sữa bằng giấy để họ dùng lại hoặc tái chế.
Ba chữ “R”
Người ta nói rằng tái chế chỉ thật sự thành công khi các sản phẩm làm ra từ vật liệu tái chế được sử dụng. Tôi tuyệt đối chỉ dùng giấy vệ sinh làm từ giấy tái chế. Nó không mềm lắm nhưng một cuộn giấy dài gấp ba lần bình thường, như vậy chúng tôi không cần thay liên tục. Còn giấy báo thì được cộng đồng thu mua rồi bán ve chai. Tiền thu được quyên góp cho các trường học ở địa phương.
Ba chữ “R” quan trọng trong việc bảo vệ môi trường là giảm tiêu dùng (reduce), dùng lại (reuse) và tái chế (recycle). Một ví dụ tiêu biểu về “giảm tiêu dùng” mà nhà tôi đang thực hiện là tắt đèn khi ra khỏi phòng và rút dây điện những thiết bị không dùng đến. Chúng tôi “tái chế” và “dùng lại” nhiều nhất là giấy. Giấy đã xài một mặt, giấy làm bài kiểm tra của các con, tờ rơi...đều được dùng lại cho các mục đích khác. Thỉnh thoảng, tôi đem những món đồ còn dùng được nhưng gia đình tôi không cần nữa đến cho “cửa hàng tái chế”. Chúng tôi, cũng như nhiều người Nhật Bản, đều có tinh thần “motta-nai” (chống lãng phí). Kéo dài vòng đời của các đồ vật cũng là một cách chống lãng phí vậy.
Tôi nghĩ mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ Trái đất mà ta đang sống trên nó, và nếu có thể, cải thiện nó thành một nơi tốt hơn của ngày hôm qua. Đôi khi việc sống thân thiện với môi trường cũng gây nhiều điều bất tiện. Nhưng một khi đã nhận ra những cách thức tốt hơn, hiệu quả hơn thì thực hiện chúng không còn khó khăn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận