Phóng to |
Chỉ trong hai tuần qua, tại Kenya, hai bộ trưởng, thị trưởng thủ đô Nairobi và một quan chức Bộ Ngoại giao đã phải từ chức. Người dân Kenya đang hi vọng chính phủ của họ cuối cùng cũng mạnh tay với tham nhũng được mô tả là “đại họa nội xâm” ở đất nước này.
Theo BBC, dư luận Kenya đang rất phấn khởi. Cách nay ba tháng, người dân nước này đã trải qua những tháng ngày lịch sử khi bản hiến pháp sửa đổi mà họ chờ đợi từ lâu đã được thông qua.
Với “kiếm báu trao vào tay dân” này, giờ đây tổng thống có thể bị luận tội, các nghị sĩ buộc phải thực hiện trách nhiệm giải trình, trả lời các câu hỏi xuất phát từ đề nghị của cử tri, ủy ban đất đai được quyền xem xét lại lịch sử của các vụ việc bất công, các quyền của người dân được mở rộng, hệ thống tòa án được cải tổ rộng rãi.
Có thể đó là lý do mà sau nhiều năm thoái thác quanh co, nay “bỗng dưng” Tổng thống Mwai Kibaki và Thủ tướng Raila Odinga trong chính phủ liên hiệp lại “song kiếm hợp bích”, mở đầu cuộc chiến chống tham nhũng mà không lo “không còn ai làm việc”. Tại cuộc gặp người dân gần đây, hai nhà lãnh đạo này đã mạnh miệng tuyên bố cảnh cáo các quan chức là họ sẽ “vung roi” lên nếu ai đó tham nhũng. Và họ đã vung roi.
Người đầu tiên buộc phải từ chức là bộ trưởng giáo dục bậc cao William Ruto. Ông bị cáo buộc lừa đảo một tập đoàn nhà nước khoản tiền 1,2 triệu USD cách nay chín năm trong một vụ kinh doanh đất rừng.
Một tuần sau, đến lượt bộ trưởng ngoại giao Moses Wetangula và thư ký thường trực Thuita Mwangi vì bị cáo buộc có liên quan trong vụ mua bán bất động sản ngoại giao ở Nigeria, Ai Cập, Pakistan và Nhật Bản.
Một ngày sau lại đến lượt thị trưởng thủ đô Nairobi, Geoffrey Majiwa, do bị cáo buộc đã biển thủ 3,8 triệu USD trong vụ tịch thu đất nghĩa trang của hội đồng thành phố. Cả bốn quan chức này đều bác bỏ hành vi tham nhũng của mình.
Các nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) đều cho thấy Kenya là một trong những nước tham nhũng nhất châu Phi. Chỉ số cảm nhận tham nhũng TI xếp hạng Kenya ở vị trí 154, ngang hàng với những nước đang phục hồi sau nội chiến như Congo, Campuchia và Guinea Bissau.
Năm 2002, khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống dưới liên minh Cầu vồng quốc gia và sau đó đứng ra thành lập chính phủ vào tháng 1-2003, hai ông Kibaki và Odinga đã được người dân ủng hộ vì đưa ra mục tiêu chống tham nhũng.
Thời điểm ấy người dân Kenya rất nhiệt tình chống tham nhũng: họ hào hứng ra tay bắt giữ các quan tham, những cảnh sát nhận hối lộ từ những người đi môtô phạm luật. Thế nhưng, lòng nhiệt tình của họ nhanh chóng tắt ngấm khi vụ tham nhũng mang tên Anglo Leasing bị phát hiện chỉ một năm ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Kibaki.
Vụ việc liên quan tới hợp đồng mua hệ thống thiết bị in hộ chiếu khiến nhà nước mất khoảng 750 triệu USD vào tay những quan chức tham lam chỉ vì các thiết bị và dịch vụ bị đội giá lên quá cao. Năm bộ trưởng có dính líu bị yêu cầu tạm ngưng chức vụ, sau đó lại được bổ nhiệm vào các chức vụ khác ở các bộ khác khi áp lực lên chính phủ giảm bớt.
Đến nay vụ việc vẫn chưa được điều tra thấu đáo và giải quyết. Trước khi hiến pháp mới được thông qua, một số bộ trưởng và quan chức chính phủ đã bị tố cáo là có liên quan đến nhiều hợp đồng tham nhũng, nhưng tổng thống và thủ tướng cứ nhắm mắt làm ngơ.
Cùng với hiến pháp mới và việc ông Patrick Lumumba được chỉ định vào vị trí chỉ huy cuộc chiến chống tham nhũng thuộc Ủy ban Chống tham nhũng Kenya (KACC), dường như lại đang có một luồng sinh khí mới xuất hiện nơi người dân. Bằng chứng là tất cả vụ từ chức đều diễn ra kể từ khi hiến pháp được thông qua vào tháng 8-2010.
Quốc hội cũng trở nên mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện quyền và trách nhiệm của mình khi mạnh mẽ lên tiếng về nhiều hợp đồng mờ ám trong chính phủ. Các nghị sĩ thường xuyên chất vấn các bộ trưởng và thành viên chính phủ liên quan tới chi tiêu, tuyển dụng và bổ nhiệm những người đứng đầu các tập đoàn nhà nước.
Hàng loạt luật mới cũng được ra đời với các điều khoản mới yêu cầu bất kỳ quan chức cao cấp nào cũng phải tạm rời khỏi chức vụ cho tới khi họ được tòa án hoặc các cơ quan chống tham nhũng quốc gia tuyên bố họ không tham nhũng.
Theo Business Daily Africa, ngày 17-11, KACC thông báo sẽ cùng Bộ Giáo dục đưa chương trình giảng dạy về tính chính trực vào thử nghiệm ở 40 trường cấp II. KACC cũng đưa ra sáng kiến thành lập các câu lạc bộ chính trực ở các trường học cả nước.
Giám đốc KACC Patrick Lumumba hi vọng việc ra đời các CLB sẽ giúp nuôi dưỡng các giá trị đạo đức nơi học sinh ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. “Nếu chúng ta vun trồng các giá trị đúng đắn từ tuổi nhỏ, kết quả sẽ rất tuyệt vời. Nếu chúng ta không làm, chúng ta sẽ mất cả thế hệ” - ông nhấn mạnh.
KACC cho biết họ cũng đang điều tra bốn thành viên khác của nội các và 40 người đứng đầu các tập đoàn nhà nước. Tuy nhiên, KACC nhấn mạnh việc bắt giữ các cá nhân tham nhũng và tống vào tù chỉ là giải pháp cuối cùng. Giám đốc Patrick Lumumba nhấn mạnh công việc của KACC là ngăn chặn tham nhũng, giáo dục người dân về tính chính trực.
“KACC hướng tới nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ và bít những lỗ hổng tại các cơ quan nhà nước có thể gợi lòng tham - ông nói - KACC đã gửi yêu cầu đến các cá nhân đã biển thủ công quỹ, đề nghị họ trả lại. Họ sẽ tự giải phóng cho mình bằng cách tự nguyện trả lại những gì đã đánh cắp. Đổi lại, họ sẽ nhận được ân xá có điều kiện theo luật”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận