20/12/2005 11:54 GMT+7

Kawasaki - căn bệnh lạ gây nguy hiểm cho trẻ

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Khởi phát cấp tính, với triệu chứng sốt cao, mắt đỏ, bong rộp ở miệng, bong da ở đầu ngón tay, chân... Nếu những biểu hiện này xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi thì rất có khả năng là bệnh kawasaki. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì.

QUOcT3lc.jpgPhóng to
Mắt đỏ rực của trẻ bị bệnh kawasaki. Ảnh: Thanh Niên.
Khởi phát cấp tính, với triệu chứng sốt cao, mắt đỏ, bong rộp ở miệng, bong da ở đầu ngón tay, chân... Nếu những biểu hiện này xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi thì rất có khả năng là bệnh kawasaki. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì.

Bác sĩ Vũ Minh Phúc - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM) - cho biết bệnh kawasaki do một bác sĩ người Nhật có tên Kawasaki tìm ra. Bệnh có ở trẻ dưới 5 tuổi và rất hiếm gặp, bình quân mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng I chỉ tiếp nhận khoảng vài chục trường hợp.

Bệnh khởi phát cấp tính, với những triệu chứng điển hình là: sốt cao kéo dài; phát ban đỏ khắp cơ thể; hai mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi đỏ rực; bong rộp ở miệng; bong rộp ở đầu các ngón tay, ngón chân; nổi hạch ở cổ; có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân... Ngoài ra còn có những triệu chứng ít gặp hơn như: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, ói mửa); trẻ có thể bị đau bụng; vàng da; túi mật to; gan to...

Bệnh có thể gây biến chứng lên tim mạch, làm cho tim to, nhịp tim nhanh, suy tim. Nhưng nguy hiểm nhất là biến chứng làm viêm tắc và giãn mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây đột tử tức thì cho trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị sưng khớp, viêm màng não, hay viêm phổi, viêm ruột. Xét nghiệm cho thấy bạch cầu trong máu tăng cao, siêu âm tim thấy mạch vành bị giãn ra...

Bác sĩ Vũ Minh Phúc cho biết, đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh kawasaki ở trẻ em. Tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng bệnh kawasaki có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm siêu vi ở những trẻ có cơ thể đặc biệt.

Thuốc đắt

Để chữa bệnh kawasaki, cần chống sưng, chống viêm bằng thuốc Aspirin, và truyền gamma globulin liên tục từ 10 đến 12 giờ. Đây là loại thuốc có giá thành tương đối cao, bình quân cứ một kg trọng lượng cơ thể thì tốn 1 triệu đồng thuốc gamma globulin (trẻ 10 kg thì 10 triệu đồng, 20 kg thì 20 triệu đồng). Cũng có một số trường hợp phải sử dụng đến liều gamma globulin thứ hai, hoặc phải dùng đến các thuốc ức chế miễn dịch. Mục đích của việc sử dụng gamma globulin là để ngăn chặn bệnh gây biến chứng lên tim mạch cho trẻ.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng I - cho biết, việc sử dụng thuốc gamma globulin cho trẻ mắc bệnh kawasaki được cân nhắc rất kỹ lưỡng, thường phải thông qua Hội đồng Thuốc và điều trị của bệnh viện, sau khi có chẩn đoán bệnh chính xác. Đây là một loại bệnh hiếm, khó chẩn đoán, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm.

Theo bác sĩ Minh Phúc, quan trọng là phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện sớm, vì nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ mắc bệnh thì mới có thể ngừa được các biến chứng ở tim. Sau 10 ngày thì hiệu quả ngăn ngừa biến chứng sẽ giảm xuống. Nếu bệnh tiến triển tốt, thì khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ lui dần, trẻ hết sốt và có thể về nhà. Tuy nhiên, một khi trẻ đã mắc bệnh kawasaki thì cần phải được tái khám suốt đời. Đối với những trường hợp bệnh không gây biến chứng, thì sau khi xuất viện về uống thuốc Aspirin trong khoảng 6 tuần thì ngưng. Đối với những trường hợp bệnh gây biến chứng, thì phải được chụp mạch vành để theo dõi dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Minh Phúc lưu ý, đối với những trẻ sử dụng thuốc gamma globulin, cần tạm ngưng tiêm ngừa văcxin phòng bệnh ít nhất là 3 tháng, đặc biệt là những văcxin sống như: sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, vì gamma globulin đã làm giảm tác dụng của văcxin.

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên