29/03/2008 02:49 GMT+7

Julie Nguyễn Phương và giấc mơ tìm việc cho sinh viên nghèo

 TRUNG KIÊN
 TRUNG KIÊN

TT - Từ tháng 9-2007 đến nay, Julie Nguyễn Phương - cô giáo Việt kiều Mỹ 23 tuổi - đã trở thành người bạn thân thiết của sinh viên Trường đại học Cần Thơ. Đến từ chương trình Tình nguyện châu Á, Julie đang ấp ủ kế hoạch gắn bó lâu dài với bạn trẻ miền Tây...

fmYkd6Oa.jpgPhóng to
Julie Nguyễn Phương (đứng) trong giờ lên lớp dạy tiếng Anh - Ảnh: Thanh Xuân
TT - Từ tháng 9-2007 đến nay, Julie Nguyễn Phương - cô giáo Việt kiều Mỹ 23 tuổi - đã trở thành người bạn thân thiết của sinh viên Trường đại học Cần Thơ. Đến từ chương trình Tình nguyện châu Á, Julie đang ấp ủ kế hoạch gắn bó lâu dài với bạn trẻ miền Tây...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Mỗi ngày sau giờ lên lớp, Julie Nguyễn Phương thường có mặt ở văn phòng trung tâm ngoại ngữ. Mái tóc chiếc lá, khuôn mặt trái xoan có lúm đồng tiền và luôn giản dị trong bộ cánh quần jean - áo sơmi, Julie cứ bị lầm là sinh viên của trường. Khi giao tiếp, cô luôn tìm những từ tiếng Việt chuẩn xác và chỉ xưng tên VN.

Cô giải thích rất rõ: "Phương là tên mẹ tôi đặt cho. Mẹ nói Phương là đẹp và cũng có ý nghĩa là phương hướng, mẹ muốn tôi luôn có lập trường rõ ràng, có ý chí tự lập".

Học giỏi tiếng Việt nhờ... tự ái

VIA là tổ chức phi chính phủ tại Mỹ, chương trình Tình nguyện châu Á do tổ chức này thực hiện nhằm cung cấp tình nguyện viên phục vụ hoạt động văn hóa - giáo dục tại các nước châu Á. Đây là năm thứ ba Trường đại học Cần Thơ được VIA cung cấp tình nguyện viên, gồm một người Mỹ và hai Việt kiều (trong đó có Julie).

Mỗi tình nguyện viên tham gia dạy tiếng Anh 16 tiết/tuần và được học hai buổi/tuần về văn hóa VN do nhà trường tổ chức. Phần học tiếng Việt nhà trường không thu học phí, đồng thời hỗ trợ sinh hoạt phí 165 USD/tháng/người và được ở trong khu nhà dành cho chuyên gia tại Đại học Khu I (đường 30-4, quận Ninh Kiều)

Định cư ở quận Cam, bang California, nơi tập trung người VN đông nhất nước Mỹ, Julie thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai (cô sinh ngày 18-2-1985). Thế hệ đến trước đã tổ chức các lớp dạy tiếng Việt trong nhà thờ, nên hầu hết trẻ em gốc Việt độ 7-8 tuổi đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ.

Còn Julie do ba mẹ bận việc làm ăn, nên năm 12 tuổi mới được cho đi học tiếng Việt. Julie bật cười nhớ lại: "Hôm tựu trường, xếp hàng vào lớp 1, tôi đứng cao nghệu, bị các em nhỏ hỏi: chị là người Trung Quốc hả? Tôi tự ái quá, so với các bạn người Việt cùng trang lứa, tôi đã bị "mù” chữ viết của dân tộc mình. Thế là tôi dồn sức học và từ lớp 2-5, năm nào tôi cũng đứng nhất, được nhà trường thưởng cúp".

Lận lưng vốn kiến thức về văn hóa Việt, Julie quyết định chọn chuyên ngành xã hội học ở Đại học UCLA (bang California). Cô phân tích: "Khi nghiên cứu về văn hóa - xã hội VN, tôi có lợi thế hơn sinh viên nước ngoài. Họ phải học qua tư liệu bằng tiếng Anh, còn tôi tha hồ lên mạng đọc sách báo VN, cập nhật được rất nhiều thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước".

Lên năm tư, Julie được về quê mẹ. Cô được Đại học UCLA cho du học bốn tháng tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Với cô, học bổng đó như cơ hội cho "cá về với nước". Cô nhớ lại quãng thời gian học tập ở thủ đô VN: "Được thầy cô tận tình hướng dẫn, tôi học rất say mê. Trở về Mỹ, tôi đăng ký tham gia chương trình Tình nguyện châu Á do Tổ chức Volunteers in Asia (VIA) ở miền bắc bang California đảm trách với hi vọng được trở lại VN. Khi được VIA phân công làm việc một năm (từ tháng 9-2007 đến 9-2008) tại Trường Đại học Cần Thơ, tôi vui như nằm mơ”.

Tình nguyện viên nhỏ tuổi

6IEmcUt1.jpgPhóng to
Tham gia hội trại với học trò - Ảnh:T.Xuân

Julie là tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn của VIA tại Cần Thơ nên trung tâm ngoại ngữ của trường đã tặng cô xe đạp làm phương tiện đi lại và phân công cô Võ Phạm Trinh Thư - trợ lý hợp tác quốc tế - thường xuyên quan tâm, giúp Julie không gặp khó trong cuộc sống đời thường. Cô Trinh Thư tiết lộ về tính cách của người mình "bảo hộ": "Julie hoạt bát và năng động.

Ngoài thời gian lên lớp, cô luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt, vui chơi do công đoàn, đoàn thanh niên của nhà trường tổ chức. Hiện nay, Julie đã biết được 11/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (trừ Cà Mau và Kiên Giang) vì vào các dịp lễ, tết Julie luôn được giảng viên, sinh viên mời về quê chơi".

Julie khoe cô đã được đi chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang), tham quan khu rừng tràm - căn cứ cách mạng Xẻo Quýt và lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Nhưng cô thích nhất là theo các bạn sinh viên về quê ăn đám giỗ, thưởng thức món bún thịt nướng. Julie nói thật lòng: "Tôi rất thích cách cư xử thân thiện của bà con miền Tây. Khi theo các bạn về quê, tận mắt chứng kiến cảnh khó khăn của người dân, tôi rất nể trọng những bạn sinh viên có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng luôn biết vượt khó để học tốt".

Vì thế, trong dự định tương lai của cô đã có những dự án dành cho các bạn cùng lứa tuổi đang gặp khó khăn ở quê hương VN. "Ở Mỹ, các tổ chức phi chính phủ có nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, những sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc... sang Mỹ du học thường lập dự án và đăng ký để các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người dân ở xứ họ. Tôi đang ấp ủ lập dự án giải quyết việc làm cho sinh viên ĐBSCL có hoàn cảnh khó khăn. Tháng chín tới, khi về Mỹ tôi sẽ đăng ký dự án với một tổ chức phi chính phủ. Nếu được chấp nhận tài trợ, tôi sẽ trở lại và gắn bó lâu dài với người dân miền Tây" - Julie Nguyễn Phương tâm sự.

 TRUNG KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên