11/01/2011 02:08 GMT+7

Indonesia "rối" với giải mới

QUỐC THẮNG
QUỐC THẮNG

TT - Bóng đá Indonesia đang rối như canh hẹ sau khi tỉ phú dầu hỏa Arifin Panigoro quyết định bỏ tiền túi thành lập giải bóng đá mới mang tên Indonesian Premier League (IPL) để cạnh tranh với Giải vô địch Indonesia (Indonesian Super League - ISL).

TT - Bóng đá Indonesia đang rối như canh hẹ sau khi tỉ phú dầu hỏa Arifin Panigoro quyết định bỏ tiền túi thành lập giải bóng đá mới mang tên Indonesian Premier League (IPL) để cạnh tranh với Giải vô địch Indonesia (Indonesian Super League - ISL).

Đứng trước tình cảnh bóng đá Indonesia ngày càng sa sút, những quan chức thể thao Indonesia đã tổ chức cuộc hội thảo bóng đá vào tháng 3-2010. Trong hội thảo này, Bộ trưởng Thanh niên & thể thao Indonesia Andi Mallarangeng và tỉ phú dầu hỏa Arifin Panigoro đã cùng nhất trí thành lập giải IPL tồn tại song song với giải ISL. Mục đích của giải đấu này là chung tay góp sức “làm mới” và đẩy mạnh phát triển bóng đá Indonesia.

Sau gần một năm chuẩn bị, IPL đã chính thức ra mắt và diễn ra từ đầu tháng 1 đến tháng 10-2011 với sự tham dự của 19 đội bóng ở các địa phương. Trong đó ba đội Persema Malang, Persibo Bojonegoro và PSM Makassar là có tiểu sử khá lâu đời, còn lại tất cả đều mới toanh. Theo quy định của giải, mỗi đội được phép ký hợp đồng với năm cầu thủ ngoại. Riêng những cầu thủ nước ngoài nào có nguồn gốc hoặc cha mẹ xuất xứ từ Indonesia đều được xem là cầu thủ nội.

Bộ trưởng Andi Mallarangeng đánh giá đây là giải đấu “rất có ích” cho sự phát triển bóng đá Indonesia. Ông nói với kênh truyền hình Metro TV: “Ở hội thảo bóng đá diễn ra đầu năm ngoái, mọi người đều đồng ý phải vực dậy bóng đá nước nhà và chúng ta phải tìm đúng hướng đi để làm điều đó. Tôi nghĩ IPL là một sáng kiến hay. Hãy chấp nhận IPL vì đây là giải đấu giúp hỗ trợ phát triển bóng đá Indonesia. Nếu cần thiết chúng ta có thể tổ chức trận đấu giữa nhà vô địch IPL với nhà vô địch ISL”.

Tuy nhiên, hiện nay IPL đang vấp phải sự phản ứng kịch liệt từ phía Hiệp hội Bóng đá Indonesia (PSSI). Các quan chức PSSI cho rằng đây là giải đấu “không hợp pháp” và tuyên bố bất cứ cầu thủ nào chơi tại IPL đều bị phạt nặng, không được gọi vào đội tuyển Indonesia. Đồng thời PSSI còn dọa sẽ kiện những người tổ chức và tham dự IPL lên tòa án thể thao. Tổng thư ký PSSI Nugraha Besoes nói với báo điện tử Tribunnews.com: “Bất cứ ai tổ chức một giải đấu thể thao mà không được phép của Hiệp hội thể thao có thể bị bỏ tù tối đa hai năm và nộp phạt 1 tỉ rupiah (khoảng 111.000 USD)”.

Trong khi đó nhiều người hâm mộ bóng đá Indonesia cũng không đồng ý sự ra đời của IPL. Bằng chứng mới đây họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình và giương cao biểu ngữ mang nội dung: “PSSI được, IPL không”.

Một cổ động viên Indonesia nói với báo chí nước này: “IPL là một âm mưu nhằm làm PSSI yếu đi”. Còn FIFA hiện vẫn chưa có động tĩnh gì, nhưng nhiều khả năng họ sẽ đưa ra án phạt rất nặng đối với Indonesia vì IPL là giải đấu không được sự cho phép của PSSI mà có sự can thiệp từ giới chính trị.

Dù cuộc tranh cãi vẫn đang tiếp diễn nhưng IPL đã chính thức khởi tranh từ ngày 8-1 với trận Persema FC thắng Solo FC 5-1 trên sân Manahan, trong sự bảo vệ của gần 800 cảnh sát an ninh. Sau trận đấu, người phát ngôn cho IPL Abi Hasantoso nói: “Tất cả vé đều được bán sạch, sân Manahan đã đón chào lượng cổ động viên lớn nhất từ trước đến giờ”.

QUỐC THẮNG

Đó là nhận xét của HLV đội tuyển Indonesia Alfred Riedl với Tuổi Trẻ. Ông Riedl cho biết: “Vì đây là giải đấu bị xem là bất hợp pháp, không được FIFA và Hiệp hội Bóng đá Indonesia thừa nhận nên tôi không được phép chọn lựa cầu thủ từ giải đấu này cho đội tuyển quốc gia. Vì thế, những cầu thủ đang chơi ở ISL chuyển sang chơi tại IPL mặc nhiên sẽ không được gọi vào đội tuyển”.

* Thưa ông, có nhiều cầu thủ nổi tiếng bỏ sang chơi ở IPL không?

- Đến giờ chỉ có một cầu thủ nổi tiếng là tiền đạo gốc Hà Lan Irfan Bachdim qua thi đấu ở giải này. Những cầu thủ tiếng tăm khác đều ở lại ISL.

* Ông có ủng hộ những ý tưởng như IPL?

- IPL ra đời là một ý tưởng mới. Trước đây, chúng ta từng chứng kiến nhiều đội bóng và tổ chức bóng đá châu Âu cũng muốn thành lập giải đấu mới để cạnh tranh với những giải truyền thống như Cúp C1 hoặc C3 của UEFA (LĐBĐ châu Âu). Theo tôi, đây là ý tưởng không tồi vì tạo cơ hội cho nhiều cầu thủ chứng minh tài năng. Tuy nhiên, những ý tưởng này cần nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía. Thật khó để giải đấu phát triển mạnh nếu không được FIFA và LĐBĐ công nhận.

* Ông nhận định thế nào về tương lai của IPL?

- Tôi cũng không biết nữa. Tuy nhiên, việc ra đời của những giải đấu như IPL có thể sẽ tạo tiền lệ là trong tương lai nếu ai có tiền có thể sẽ bỏ mặc những nguyên tắc chung của bóng đá để lập những giải đấu mới. Đã là cuộc chơi thì chúng ta phải tuân theo luật lệ, nguyên tắc.

Bóng đá khu vực vốn đã không phát triển nay lại có những giải đấu không nhận được sự ủng hộ của tổ chức cao nhất là FIFA sẽ không có lợi. Khó khăn đầu tiên ai cũng thấy là những cầu thủ giỏi ở IPL sẽ không được khoác áo đội tuyển. Giải đấu là nơi chúng ta tuyển lựa nhân tài bóng đá cho đất nước. Giờ họ có giỏi cách mấy mà không được gọi vào đội tuyển thì thật đáng buồn.

K.B.

QUỐC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên