07/10/2006 06:47 GMT+7

In tiền polymer xấu, chi phí cao?

NHẬT LINH ghi
NHẬT LINH ghi

TT - Chuyên gia Nhà máy In tiền quốc gia Đặng Đức Lâm cho rằng "Căn cứ vào thông lệ về tiêu chuẩn kỹ thuật của đồng tiền thì những đồng tiền polymer đã phát hành và còn nằm trong kho đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật". Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Lê Đức Thúy lại khẳng định "Tiền Việt đẹp, bền hơn tiền Úc".

D1m7g4hu.jpgPhóng to
Tiền thiếu hình hoa văn nhũ vàng (trên) so với tiền chuẩn - Ảnh: Thanh Đạm
TT - Chuyên gia Nhà máy In tiền quốc gia Đặng Đức Lâm cho rằng "Căn cứ vào thông lệ về tiêu chuẩn kỹ thuật của đồng tiền thì những đồng tiền polymer đã phát hành và còn nằm trong kho đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật". Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Lê Đức Thúy lại khẳng định "Tiền Việt đẹp, bền hơn tiền Úc".

Tiền Việt “lộ chân”, tiền Úc không

Tiêu chuẩn kỹ thuật là ở điểm nào? Điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất là khi cầm tờ tiền, ta có thể nhìn thấy các họa tiết ở mặt này của đồng tiền lộ sang mặt kia, từ chuyên môn chúng tôi gọi là "lộ chân".

Đấy là điều mà thông lệ về tiêu chuẩn của đồng tiền không cho phép. Theo như những tài liệu giới thiệu về tiền polymer trước đây, một trong những đặc điểm của loại tiền này là có lớp phủ mờ.

Thực chất lớp phủ mờ này dùng để tránh tình trạng lộ chân và được phủ vào hai bên trừ khu vực dự định để trong (cửa sổ) hoặc dự định để các chi tiết in chìm. Đối với tiền polymer của VN, chính việc lớp phủ mờ không đảm bảo chất lượng nên mới dẫn đến tình trạng lộ chân.

cpAQhWNG.jpgPhóng to
Chuyên gia Nhà máy In tiền quốc gia Đặng Đức Lâm
Như thế này, trong chuyên môn về thiết kế và in tiền, chúng tôi gọi là "bẩn", tức là nhìn thấy cả những chi tiết ngoài thiết kế một mặt đồng tiền từ ban đầu. Khác với tiền VN, đồng tiền polymer của Úc không bị lộ chân vì lớp phủ mờ này rất dày.

Hiện tượng bị bay mực, loang mực, biến dạng khi ở gần nguồn nhiệt, theo tôi nghĩ, là một tiêu chí để xem xét độ bền cần cân nhắc, chưa kể tình trạng tiền khi tiếp xúc với các hóa chất có trong xà phòng có thể khiến bay màu, biến dạng họa tiết đã in.

Bởi vì đặc điểm của chất liệu polymer không thấm mực nên độ bám dính rất thấp, khi in không sắc nét, độ nhám thấp hơn so với tiền cotton. Đặc điểm này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiền polymer bị loang mực khi ướt, bị cọ xát ở phần in lõm.

Để khắc phục tình trạng bị loang mực, bay mực khi cọ xát, nhà máy in tiền đã phải mua thêm máy phủ màng để sau khi in và phơi xong phủ tiếp một màng mỏng lên mặt đồng tiền, giữ mực không bị vỡ và giữ sạch đồng tiền nhưng ngay cả khi đã đầu tư thêm hệ thống máy dùng để phủ màng, nhược điểm này vẫn chưa được khắc phục.

Mở rộng nhà xưởng, tăng nhân công

Với tiền cotton, chi phí cho sản xuất tiền thấp hơn tiền polymer nên việc thay đổi mẫu tiền diễn ra thuận lợi và chi phí thấp hơn. Còn với tiền polymer, độ bền có thể gấp đôi, gấp ba tiền cotton nhưng chi phí sản xuất và thiết kế cao hơn nhiều nên việc thay đổi mẫu mã cũng phức tạp hơn. Mà như vậy, việc chống giả thông qua thay đổi mẫu mã cũng bị hạn chế.

Ở góc độ chi phí đầu tư, việc thay đổi chất liệu in cũng làm tăng đáng kể chi phí đầu tư vì thay đổi công nghệ. Trước tiên là các máy móc, thiết bị in tiền phải thay đổi, ví dụ như hệ thống thiết bị chế bản in lõm cổ điển vừa được đầu tư hoàn chỉnh đã không sử dụng được.

Bên cạnh đó, từ đặc điểm không thấm mực của tiền polymer, thời gian "phơi" cho khô mực của loại tiền này lâu gấp đôi tiền cotton, do đó diện tích nhà xưởng phải mở rộng rất nhiều để đảm bảo có đủ chỗ chứa. Và kể cả mở rộng như vậy, tỉ lệ sản phẩm hỏng cũng rất cao do bị “dính lấm” từ tờ nọ sang tờ kia.

Một vấn đề nữa là chưa biết công nghệ tiên tiến như thế nào nhưng số lượng lao động phục vụ việc in tiền tại nhà máy đã tăng gấp rưỡi, từ 400 người trước đây tăng lên gần 600 người, chế độ làm việc từ 40 giờ/tuần tăng lên 48 giờ/tuần, thời gian làm thêm giờ cũng tăng cao trong khi lượng tiền in ra là tương đương nhau. Những yếu tố này, theo tôi nghĩ, cần phải xem xét khi đánh giá về chi phí và đầu tư đối với tiền polymer.

0KaL0k3k.jpgPhóng to
Ảnh: TTXVN
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Lê Đức Thúy: Tiền Việt đẹp, bền hơn tiền Úc

Tại phiên họp Quốc hội chiều 16-6-2006 sau khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nhân chất vấn về hiệu quả của việc chuyển đổi tiền giấy cotton sang tiền polymer, thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Lê Đức Thúy nói không phải đến khi bà Nhân chất vấn mà từ năm 2005 đã có một số ý kiến của các cá nhân, cơ quan liên quan đề nghị Chính phủ xem lại hiệu quả, mục tiêu đề ra của việc chuyển đổi từ tiền cotton sang tiền polymer.

Một trong những lý do phải phát hành tiền polymer được ông Thúy giải thích là do tiền cotton trong những năm gần đây bị làm giả quá lớn, với tỉ lệ cao hơn tiêu chuẩn lưu thông tiền tệ của thế giới (tiêu chuẩn thế giới: trên 1 triệu đơn vị tiền tệ mà có 150 đồng tiền giả thì đồng tiền ấy phải đưa ra khỏi lưu thông).

Cùng với đó là một số vấn đề khác nên Ngân hàng Nhà nước VN đã nghiên cứu đưa ra loại tiền có khả năng chống giả, có độ bền cao hơn, dễ cho người sử dụng nhận biết tiền giả hơn, khó làm giả hơn, chi phí hợp lý. Ông Thúy cho rằng đây là những yêu cầu mà tiền polymer đã đáp ứng được.

Để củng cố thêm cho khẳng định của mình về độ bền của tiền polymer, ông Thúy dẫn chứng rằng Úc là nước đầu tiên sản xuất vật liệu polymer và sử dụng tiền polymer nhưng cũng phải thừa nhận tiền VN đẹp hơn, bền hơn. Mặt khác, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã kiểm nghiệm và kết luận độ bền của tiền polymer cao hơn so với tiền cotton 3-4 lần.

NHẬT LINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên